Khi mâu thuẫn được giải quyết bằng bạo lực
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng, sửng sốt trước sự việc người đàn ông 51 tuổi Cao Văn Hùng ở Hà Nội tưới xăng, châm lửa đốt quán cà phê làm 11 người chết.
Người đàn ông đốt quán cà phê làm 11 người chết vì mâu thuẫn tưởng như quá hi hữu, quá cá biệt nhưng bà Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên tư vấn tâm lý tại một trường THCS ở TPHCM, đặt ra góc nhìn đây không phải là chuyện lạ, chuyện hiếm.
Bà Bình chỉ ra hàng loạt các án mạng, trả thù bắt nguồn từ những mâu thuẫn, va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống. Và gần hơn, có thể thấy những cách hành xử như sự việc trên trong nhiều vụ việc bạo lực học đường.
Theo thông tin ban đầu, Cao Văn Hùng có mâu thuẫn với nhân viên quán; cũng có thông tin, hắn ta mâu thuẫn với nhóm khách khác ngồi trong quán và bị nhóm này đánh. Để “trả thù”, Hùng đi mua xăng rồi quay lại quán cà phê tưới xăng, châm lửa đốt dẫn đến thảm kịch 11 người chết.
Bà Bình phân tích, ở đây những va chạm được giải quyết bằng bạo lực. Thủ phạm có thể bị một số người đánh, rồi hắn quay lại đánh trả theo cách cực đoan.
“Mâu thuẫn, cách giải quyết sự việc trong vụ đốt quán cà phê mang dáng dấp của nhiều vụ bạo lực học đường. Nhiều học trò ra tay đánh bạn vì những mâu thuẫn, va chạm rất đời thường như bị làm hư cây con, vì bạn không mua nước giúp hay vì cho là bị “nhìn không thân thiện”…”, bà Bình nói.
Học trò giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực có thể kể đến sự việc vừa xảy ra tại Thanh Hóa. Do mâu thuẫn từ việc nhặt được 10.000 đồng đánh rơi trong lớp, hai nam sinh xảy ra mâu thuẫn, chửi bới nhau. Đến cuối ngày, vẫn còn bực tức vì sự việc, nam sinh nhặt được tiền đã đánh người bạn kia gục ngay trên sân trường…
Hay sự việc bạo lực học đường xảy ra tại Trường THCS Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội cách đây không lâu. Nam sinh N.Q.K., 15 tuổi bị tuyên án 8 năm tù sau khi đâm bạn tử vong tại trường.
Trước đó, K. bị nạn nhân và hai nam sinh khác đánh. Nảy sinh tâm lý lo sợ, cậu học trò cầm theo dao để phòng thân. Đến trường gặp kẻ bắt nạt mình, K. cầm dao tiến lại hỏi: “Hôm qua mày đánh ai?” rồi dùng dao đâm nạn nhân tử vong.
Nhiều học trò đang giải quyết mâu thuẫn, xung đột và trả đũa bằng lực với dao, nắm đấm… nào khác gã đàn ông 51 tuổi đốt quán cà phê.
Khi bị bắt giữ, tại cơ quan công an, với khuôn mặt bong tróc da, cháy xém do bị lửa táp, nghi phạm khai lại quá trình gây án với sự vô cảm, thờ ơ đến lạnh người.
Nhưng theo bà Nguyễn Thanh Bình, khuôn mặt đó cũng không xa lạ trong các vụ bạo lực học đường. Những học trò cười hả hê, sung sướng khi giật tóc, lột đồ, lấy mũ bảo hiểm đánh lên đầu chính người bạn của mình. Các em vừa đánh vừa cười đùa, hả hê trước tiếng khóc lóc, van xin của bạn bè mình…
Xung quanh những cuộc hỗn chiến có thể diễn ra ở ngay giữa, giữa trường này có thể là những cái nhìn vô cảm, vô hồn hay cả những tiếng hò reo, cổ vũ “đánh đi, đánh đi”.
Bà Nguyễn Thanh Bình cho hay, có nhiều nét tương đồng trong sự việc gã đàn ông đốt quán cà phê với những vụ bạo lực học đường.
Các em ít tương tác, giao tiếp một cách nhẹ nhàng, ôn hòa, chia sẻ, thông cảm. Thay vào đó là dùng bạo lực bắt nạt nhau và dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Đó còn là sự vô cảm, thờ ơ, thậm chí là sự thích thú trước nỗi đau của người khác…
Bùng nổ từ những chuyện nhỏ xíu
Trước thực trạng hành ứng xử bạo lực không hiếm trong đời sống, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình giáo dục kiến tạo về Việt Nam, nhớ đến hình ảnh ở sân chơi, trẻ em chúng ta thường có những hành động bạo lực, tổn thương đến bạn ngay khi giành đồ chơi, cầu trượt… Không dễ để thấy những đứa trẻ biết kiên nhẫn, chờ đợi, chia sẻ…
Thời gian ở châu Âu, bà quan sát thấy trẻ nhỏ được “thả” cho chơi thoải mái ở công viên. Bởi hầu hết các bé đều được sớm dạy bảo về sự kiên nhẫn, chờ đợi khi nhu cầu của mình chưa được đáp ứng.
Theo bà Phương, vấn nạn bắt nạt học đường thì ở đâu cũng có nhưng đặc trưng ở Việt Nam, chỉ cần một chuyện nhỏ xíu cũng có thể làm bùng nổ những căng thẳng.
Bà Uyên Phương cho hay, nhiều người thiếu hụt các kỹ năng nền tảng, cơ bản trong cuộc sống. Nhiều người không biết cách lựa chọn những phương thức phù hợp trong trường hợp nhu cầu của mình mâu thuẫn với nhu cầu của người khác. Con đường dễ thấy là bạo lực và sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề thay cho lắng nghe, trao đổi, kiên nhẫn, cảm thông…
Lý giải về vấn nạn bạo lực hiện nay, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân hiệu TPHCM, bày tỏ thực thế chỉ số cảm xúc EQ của nhiều người dân rất thấp.
Đặc biệt những người đang ở trong bối cảnh căng thẳng trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, phải đối mặt với áp lực tài chính, áp lực công ăn việc làm, áp lực cuộc sống, thấy bất công, bị chèn ép… Họ mang trong mình nhiều bức xúc, bất mãn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào trước một kích hoạt nhẹ.
Cũng như người lớn, bà Thúy cho biết, học trò phải đối mặt với nhiều áp lực về kỳ vọng, thành tích học tập, về thi cử… Nhiều phụ huynh, có cả giáo viên bạo hành thể chất và tinh thần với trẻ.
Bạo lực như một bánh xe quay tròn, người lớn rút căng thẳng lên trẻ, đứa trẻ không phản kháng được nên lại rút giận lên bạn bè hoặc những đối tượng yếu thế hơn.
Bạo lực học đường sẽ còn khi trong gia đình, khi ngoài xã hội người lớn còn hành xử bạo lực. Và bạo lực học đường lại đang nuôi dưỡng những người lớn bạo lực trong tương lai…
Bà Thúy so sánh, nhiều người, trong đó có cả học trò các em như nồi áp suất có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu không được xả van. Các em cần được xả van bằng nhiều các như giảm áp lực, người lớn lắng nghe, quan tâm sống trong môi trường ứng xử hiền hòa, hòa mình với thiên nhiên…
Còn không, những cách hành xử mất nhân tính, vô cảm như gã đàn ông đốt quán cà phê tước đi 11 mạng sống có thể ở ngay cạnh chúng ta…
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ke-dot-quan-ca-phe-lam-11-nguoi-chet-hay-khuon-mat-bao-luc-hoc-duong-20241221112517927.htm