Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay cũng đồng thời Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nên tour tới các địa chỉ lịch sử đặc biệt thu hút khách nội địa và khách nước ngoài. Một trong số đó, tour trải nghiệm địa đạo Củ Chi được nhiều khách rất quan tâm.
Cách trung tâm TPHCM chừng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm 250km là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn – Gia Định, góp phần không nhỏ trong việc thống nhất đất nước.
Hiện di tích địa đạo Củ Chi bảo tồn 2 khu vực chính là Bến Đình (xã Nhuận Đức) và Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng), trở thành điểm đến hút khách khi tới TPHCM.
Theo đại diện khu di tích địa đạo Củ Chi, lượng khách tới tham quan trong tháng 4 tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó nhờ hiệu ứng từ chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Anh Đặng Hoàng Luận, hướng dẫn viên du lịch quốc tế chuyên dẫn khách nước ngoài nói tiếng Anh nhận định đây được coi là điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân tới TPHCM.
Với kinh nghiệm nhiều năm đưa khách tới địa đạo Củ Chi để tìm hiểu lịch sử, anh Luận cho biết, đa phần khách chọn tour này vì hiếu kỳ và tò mò.
“Tại sao một đất nước nhỏ như Việt Nam lại chiến thắng được dàn vũ khí tối tân của Mỹ? Đó là câu hỏi nhiều khách đặt ra. Và tôi đưa họ tới đây để mỗi cá nhân có câu trả lời cho riêng mình”, anh Luận chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Theo nam hướng dẫn viên này, việc đưa những đoàn khách Mỹ hay quốc gia khác tới địa đạo Củ Chi không phải với mục đích khơi dậy thù hằn quá khứ.
Điều quan trọng là, khách hiểu được người Việt Nam đã đoàn kết, kiên cường chiến đấu ra sao. Nơi đây cũng thể hiện rõ sự tàn khốc của chiến tranh, qua đó giúp mỗi người nhận thức được tầm quan trọng của hòa bình, độc lập từng quốc gia.

Đoàn khách nước ngoài ở địa đạo Củ Chi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dưới sự chia sẻ dẫn dắt của hướng dẫn viên, nhóm khách Mỹ tỏ ra bất ngờ. Được nghe nhiều câu chuyện xúc động về tinh thần bất khuất của những người con đất thép Củ Chi, không ít du khách cúi đầu, rơm rớm nước mắt rồi bật khóc.
Khi anh Luận hướng dẫn khách cách người Củ Chi xuống hầm thế nào, đóng nắp lại và phủ lá lên trên để ngụy trang, nhóm khách ồ lên kinh ngạc. Họ thán phục và cho biết không thể tưởng tượng nổi sự sáng tạo của người dân. Điều này đã góp phần không nhỏ cho những chiến thắng của Việt Nam trước quốc gia lớn.
Hiện tour địa đạo Củ Chi có 2 dạng chính gồm tour nửa ngày (tour ghép với khung giờ kéo dài 5 tiếng sáng hoặc chiều) và tour đi nguyên ngày.
Theo lịch trình, khách di chuyển từ trung tâm thành phố tới 2 ấp Bến Đình hoặc Bến Dược. Trong đó, Bến Đình là nơi thu hút trên 90% khách quốc tế, mỗi ngày đón 4.000 đến 5.000 khách. Bến Dược cách xa hơn 10km, dành cho khách không đi tour ghép.
Mức giá tour khá đa dạng. Tour ghép từ 600.000 đồng/khách. Tour thường có mức giá tùy theo số lượng người tham quan, trung bình 1-2 triệu đồng/khách, bao gồm cả hướng dẫn viên dẫn đoàn và ăn trưa.
Tại Bến Đình, khách được trải nghiệm nhiều dịch vụ hỗ trợ khách nước ngoài, có khu nghỉ ngơi, khu bắn súng bằng đạn thật, khu vệ sinh.
“Tôi cũng nói thêm với khách, luật pháp Việt Nam quy định người dân không được phép tàng trữ vũ khí nhưng vẫn có khu bắn súng bằng đạn thật cho khách trải nghiệm tại đây. Mục đích nhằm để mỗi người hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh ra sao và trân trọng cuộc sống hòa bình hiện có”, anh Luận giải thích.
Bến Đình được phân thành nhiều chủ đề. Khách được tìm hiểu cách các chiến sĩ xưa kia đào đất và mang đất ra ngoài thế nào, di chuyển xuống hầm bí mật rồi ngụy trang ra sao.
Bên trong hệ thống địa đạo được mở rộng suốt hơn 20 năm kể từ năm 1946. Đường hầm và căn cứ ngầm sâu từ 3m tới 12m gồm 3 tầng, có khả năng chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.
Anh Joe Hattab, một du khách đến từ Tây Ban Nha, bày tỏ sự kinh ngạc và thán phục trước tinh thần bất khuất của người Củ Chi.
“Tôi được trải nghiệm việc chui vào hầm thế nào. Người dân Việt Nam rất gan dạ và thông minh”, anh nói.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM chừng 70km về hướng Tây Bắc.
Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1948. Công trình được quân và dân các xã xây dựng để ẩn nấp, cất giấu vũ khí, quân tư trang.
Hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất từ 3m đến 12m, gồm 3 tầng, dài hơn 250km, chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.
Trong giai đoạn năm 1961-1965, công trình được phát triển thành nhiều nhánh thông với nhau. Phía trên công trình còn được trang bị nhiều hố đinh, bãi mìn, phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Sau chiến tranh, địa đạo Củ Chi đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/khach-tay-bat-ngo-roi-cui-dau-khoc-nghen-khi-toi-tham-dia-dao-cu-chi-20250414100444411.htm