Cách Quy Nhơn khoảng 140km về phía tây, thành đá Tà Kơn, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định kỳ vĩ được thiên nhiên kiến tạo như một bức tường khổng lồ, sừng sững giữa đại ngàn.
Thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử và danh thắng cảnh ngày 25/12/2013.
![Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 1 Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Kham-pha-thanh-da-co-gan-2-trieu-nam-giua.jpeg)
Thành Tà Kơn ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định (Ảnh: Phan Hiếu).
Xưa kia, đường đến Tà Kơn phải vượt suối, đu bám dây rừng mới tiếp cận được thành đá cổ này. Giờ đây, Tà Kơn gần gũi hơn nhờ tuyến đường bê tông dài hơn 3km, rộng 2m do Ban Quản lý dự án nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định thi công hồi 2022.
Tuy nhiên, con đường nhỏ luồn lách qua những khu rừng nguyên sinh, nhiều đoạn lá cây rụng lấp cả lối đi khiến người lần đầu đến đây có cảm giác “lạnh sống lưng” như lạc vào khu rừng thâm u, huyền bí.
Theo già làng Đinh Chương (85 tuổi, ở làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn), người làng không biết thành đá cổ này tên là gì và có từ bao giờ. Theo ngôn ngữ của người Ba Na, Tà Kơn có nghĩa là đá lớn xếp chồng lên nhau.
Thành Tà Kơn được lưu truyền với vô vàn câu chuyện huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng, Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của ba anh em, gồm hai vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.
Có truyền thuyết khác lại nói rằng, Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ, nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng.
![Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 2 Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738832302_448_Kham-pha-thanh-da-co-gan-2-trieu-nam-giua.jpeg)
Con đường bê tông hun hút dẫn vào thành Tà Kơn (Ảnh: Doãn Công).
Nàng Hơ Bia yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng, cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn…
Tà Kơn còn gắn liền với Tây Sơn thượng đạo giai đoạn khởi nghiệp của anh em Nguyễn Huệ. Khi ba anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật.
Hiện nay, có cả di tích của khởi nghĩa Tây Sơn trong vùng được xác nhận. Ngay xã Vĩnh Sơn, cách Tà Kơn không xa là di tích cấp quốc gia Vườn cam Nguyễn Huệ được xếp hạng ngày 16/1/1995…
Theo hồ sơ di tích, thành Tà Kơn là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách nay hàng triệu năm. Ở đây, những khối đá hình lục lăng, hình trụ xếp liền kề nhau như một bức tường thành sừng sững dài hơn 500m giữa đại ngàn núi rừng Vĩnh Sơn.
Thành Tà Kơn đi vào sử thi và trở thành huyền thoại của cư dân Ba Na Kriêm như một thành lũy vững chắc, nơi cư trú và chứng kiến những cuộc chiến oai hùng chống lại các thế lực bên ngoài của dân làng Ba Na Kriêm.
Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay, không biết thành Tà Kơn có từ bao giờ, nhưng đến nay dân làng Ba Na Kriêm vẫn truyền tai nhau về những truyền thuyết chống giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng. Đến nay, Tà Kơn vẫn là niềm tự hào của người con của núi rừng Vĩnh Sơn.
![Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 3 Khám phá thành đá cổ gần 2 triệu năm giữa đại ngàn - 3](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738832302_407_Kham-pha-thanh-da-co-gan-2-trieu-nam-giua.jpeg)
Tỉnh Bình Định đầu tư con đường đi quanh thành Tà Kơn (Ảnh: Doãn Công).
Để phát triển du lịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư đường bê tông, làm bậc tam cấp ở khu di tích. Thời gian gần đây, nhiều du khách tìm về Tà Kơn khám phá.
Ông Tô Hiếu Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, huyện đang xây dựng tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cộng đồng kết nối các điểm du lịch trên địa bàn với nhau. Trong đó, thành Tà Kơn là một trong những điểm đến đặc sắc.
“Khi du khách tham quan thành Tà Kơn xong và muốn lưu trú lại có thể về xã Vĩnh Sơn. Tại đây du khách sẽ được phục vụ các món ăn dân dã và khám phá đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa”, ông Trung nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/kham-pha-thanh-da-co-gan-2-trieu-nam-giua-dai-ngan-20250205233224510.htm