Ngày đầu năm tôi đưa người nhà đi khám bệnh tại bệnh viện công lớn của Hà Nội. Đã lâu không quay lại, nay tôi thấy bệnh viện thay đổi nhiều: vẫn đông đúc nhưng có trật tự, không còn có cảm giác nghẹt thở. Các hàng quán lộn xộn được dẹp hẳn. Ngoại cảnh sạch sẽ, không còn một cọng rác. Cây xanh được chăm chút. Bảng biểu kẻ vẽ mới dễ hiểu, dễ tìm. Nhân viên hướng dẫn nhẹ nhàng, chỉ dẫn cặn kẽ.
Vậy là cũng vẫn những con người ấy nhưng quy trình hợp lý, thấy công việc trôi chảy hẳn. Ai cũng vậy thôi, phải đến bệnh viện thường là nặng trĩu suy nghĩ, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, nhẹ nhàng trong ngày đầu năm. Chắc nhiều người khác cũng chung cảm nghĩ với tôi, nên khi quan sát xung quanh tôi thấy tuy phải chờ đợi nhưng ai nấy đều không tỏ vẻ khó chịu mà khe khẽ trò chuyện cùng nhau, nhắc nhau số thứ tự đến lượt khám, không còn những càu nhàu hay to tiếng với nhân viên y tế như trước.
Đây là ví dụ cụ thể nhất của phương châm lấy bệnh nhân làm trung tâm. Tất cả hoạt động ngành y phải thật sự lấy việc phục vụ bệnh nhân làm mục tiêu tối thượng. Điều hiển nhiên ấy ai cũng nói ra miệng được, nhưng đưa vào hoạt động thực tiễn lâu nay sao mà khó thế. Bệnh viện tư ra đời và thu hút được nhiều người đến cũng vì biết lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu cao nhất.
Là một người cả đời làm việc trong ngành y, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình, sao việc đơn giản thế mà ngành mình bao năm nay không làm được. Phải chăng tư tưởng đề cao ngành y, tự cho mình là quan trọng, tác phong làm việc vẫn có tư tưởng “làm phúc”, nên ít nhiều biểu hiện… cửa quyền, quan liêu. Điều đó người bệnh cảm nhận thấy ngay, nhưng vì họ cần bác sĩ, nên vẫn phải chịu nhịn cho xong việc.
Lâu dần ngành y đánh mất hình ảnh của mình, quên mất chức năng của mình là phục vụ. Các mâu thuẫn này tích tụ dần, đẩy một bộ phận thầy thuốc và người bệnh xa nhau. Cả hai bên đều than về nỗi khổ của mình, đều mong muốn mọi sự thuận lợi cho mình. Các biện pháp chấn chỉnh không nhìn nhận một cách toàn diện cả hai phía, thì đều không dẫn đến kết quả lâu dài.
Bởi vậy niềm vui đầu năm của tôi đến từ những chuyện rất nhỏ như kể trên. Với vai trò là người nhà của bệnh nhân, tôi thấy vui vì bệnh nhân được tôn trọng, được chăm chút. Với con mắt của người làm nghề, tôi thấy khối y tế tư nhân rồi đây phải cố gắng nhiều hơn nữa, vì nhẹ nhàng, ân cần, thuận tiện không còn là “đặc sản” của y tế tư nhân nữa rồi.
Đầu năm cũng có nhiều tín hiệu vui từ góc độ quản lý ngành y, khi một số thay đổi quan trọng được mong chờ nhiều năm của người bệnh đã chính thức có hiệu lực. Đó là những thay đổi về điều kiện chuyển tuyến được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT), về phân cấp sử dụng thuốc, về thanh toán thuốc BHYT, về nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT, về phân cấp chuyên môn kỹ thuật bệnh viện…
Trong đó, thay đổi về điều kiện chuyển tuyến BHYT là thay đổi được mong chờ nhất. Đây là bài toán khó cho ngành y và BHYT từ nhiều năm nay. Người bệnh luôn mong chờ được tạo điều kiện thuận lợi khi chuyển tuyến trên. Ngành y sợ quá tải cho tuyến cuối, BHYT thì lo nếu “thả cửa” chuyển tuyến sẽ bội chi, vỡ quỹ. Chúng tôi ở tuyến dưới lại lo nếu cho chuyển tuyến quá dễ dàng sẽ có lạm dụng, bệnh nhẹ cũng đi tuyến trên, tuyến dưới không còn bệnh nhân…
Bản thân tôi cũng có những kỷ niệm cay đắng khi đi xin giấy chuyển tuyến cho người thân. Mà tôi là người trong ngành, có đôi chút quen biết. Với người dân bình thường thì còn biết bao khổ ải. Tham nhũng vặt cũng từ đó sinh ra. Mất mát lòng tin với ngành y cũng từ đó mà nhân lên.
Thông tư 1/2025/TT-BYT quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã “hóa giải” hợp lý các lo lắng trên, tạo điều kiện cho các bệnh nặng, cần chuyên môn cao tự động chuyển tuyến. Như vậy vừa tạo điều kiện cho bệnh nhân bệnh nặng được điều trị tốt nhất, vừa không lo quá tải các bệnh viện tuyến trên do các bệnh nhẹ. Đi kèm với đó là danh sách các bệnh cụ thể, rõ ràng. Bây giờ tự người bệnh có thể biết bệnh của mình có cần phải xin giấy chuyển, hay là tự động đi lên tuyến trên ngay được. Mọi phiền hà tự nhiên được cởi bỏ.
Ngoài ra, các chính sách mà người dân mong chờ, như mua thuốc ngoài cũng được BHYT thanh toán, không phân tuyến danh mục thuốc… cũng có hiệu lực từ năm nay. Việc này đã được người trong và ngoài ngành bàn luận nhiều. Các khó khăn về kỹ thuật đã được tính đến. Nhưng nếu quyết tâm vì người bệnh, tôi tin chúng ta sẽ tìm ra giải pháp.
Bên cạnh các chính sách kể trên, ngành y đang có những hành động cụ thể để sắp xếp lại bộ máy nhằm tối ưu hóa hoạt động. Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án sắp xếp 4 bệnh viện trực thuộc Bộ, trong đó sáp nhập 3 cơ sở và một chuyển về địa phương quản lý. Hy vọng đây là những tín hiệu báo trước những chuyển động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn của ngành y trong năm nay.
Những niềm vui nho nhỏ đầu năm. Vui cho người bệnh, vui cho chính bản thân mình.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/khi-benh-vien-khong-con-tieng-cau-nhau-20250108142327088.htm