Thứ ba, Tháng tư 1, 2025
HomeThế GiớiKhi xảy ra động đất, có nên bỏ chạy từ lầu cao...

Khi xảy ra động đất, có nên bỏ chạy từ lầu cao xuống mặt đất?

Khi xảy ra động đất, có nên bỏ chạy từ lầu cao xuống mặt đất? - Ảnh 1.

Khoảng 13h30 ngày 28-3, người dân ở tòa nhà số 68 Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cảm thấy rung lắc nên chạy ra ngoài – Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo Viện Vật lý địa cầu, lúc 13h20 hôm nay 28-3 (giờ Việt Nam) xảy ra động đất mạnh ở Myanmar gây rung lắc tới Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… 

Tại TP.HCM, chiều cùng ngày nhiều người dân trong các tòa nhà cao tầng ở quận 1, Phú Nhuận, quận 11… cho biết họ cảm nhận nhà cửa rung lắc, phải chạy ra ngoài.

Ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nhiều người bên trong các cao ốc cũng cảm giác có rung lắc nhẹ nên đã di chuyển khỏi tòa nhà.

Tại Hà Nội, nhiều tòa nhà ở Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… cũng ghi nhận rung lắc mạnh. 

Một số người dân cho biết “ở trên tầng cao bỗng nhiên thấy đồ đạc trong nhà rung lắc mạnh trong 5 phút, thực sự quá đáng sợ”.

Nhiều bạn đọc chia sẻ cảm nhận được ảnh hưởng của trận động đất và đưa ra một số thắc mắc. 

“Động đất, chạy xuống sảnh ngồi nó khác gì ngồi trên tầng đâu nhỉ? Nó sập cả tòa nhà, chứ đâu chỉ trên cao thôi đâu” – bạn đọc Nguyễn Đức Phú viết.

Bạn đọc Cửu Ngũ hỏi: “Những ngày sắp tới có bị dư chấn nữa không? Cần làm gì để phòng tránh thiệt hại?”.

Theo khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), có 5 trường hợp cần lưu ý khi xảy ra động đất và một số kỹ năng cơ bản sau sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại, thương tích đối với con người:

– Thứ nhất, khi đang ở trong nhà, người dân được khuyến cáo tìm chỗ an toàn như bên dưới những chiếc bàn chắc chắn và bên trong các khung cửa vững vàng.

Nếu không có gì để bảo vệ, hãy nằm trên sàn cạnh một bức tường trong nhà, đồng thời bảo vệ đầu và cổ, chờ đến khi mặt đất ngừng rung chuyển.

Luôn lấy tay ôm lấy mặt, đầu, tránh những nơi nguy hiểm như: Cửa sổ bằng kính, dưới bóng đèn, quạt trần hay những đồ vật có chiều cao lớn như tủ sách, gương, tủ quần áo.

Đồng thời ở nguyên vị trí, không chạy giữa các phòng, chờ đến khi mặt đất ngừng rung. Tuyệt đối không sử dụng thang máy vì thang máy có thể mất điện, gây bị kẹt.

– Khi đang ở ngoài trời, cần tránh xa các tòa nhà và đường dây dẫn điện. 

Người dân được khuyến cáo nên tìm chỗ trống để đứng an toàn, không nên chạy vào nhà, tránh xa tòa nhà cao tầng, đường dây điện.

– Khi đang ở trong xe ô tô di chuyển, cần ngừng xe ngay lập tức ở vị trí cho phép và ở lại trong xe.

Khuyến cáo được đưa ra là tránh đỗ xe ở dưới hoặc gần các tòa nhà, cây cối, các cây cầu bắc qua đường, đường dây điện. Sau khi mặt đất ngừng rung chuyển, cần di chuyển cẩn trọng, tránh các con đường, cầu, dốc bị động đất gây hư hại.

– Khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát, cần cố gắng giữ bình tĩnh; không di chuyển hoặc làm bụi bay lên.

Lúc này người mắc kẹt có thể dùng khăn tay hoặc quần áo che miệng lại, sau đó kêu cứu và dùng các biện pháp gây sự chú ý để lực lượng cứu nạn có thể nhận thấy.

“Không cố gắng di chuyển nếu không cảm thấy an toàn, vì rất dễ khiến vật nặng đè chặt hơn, gây nguy hiểm cho bản thân. 

Đồng thời đừng quá cố sức la hét, vì làm như vậy không những hít phải khói bụi nguy hiểm mà còn khiến người bị nạn mau chóng kiệt sức”, khuyến cáo từ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy nêu.

– Trường hợp đang ở gần biển, người dân được khuyến cáo cần chạy đến nơi vùng đất cao, an toàn. Đồng thời tránh xa bờ biển đề phòng sóng thần có thể xảy ra.

Khi có yêu cầu trợ giúp, cần gọi ngay tới số máy 114.



Đọc tiếp



Về trang Chủ đề

Nguồn: https://tuoitre.vn/khi-xay-ra-dong-dat-co-nen-bo-chay-tu-lau-cao-xuong-mat-dat-20250328193409353.htm

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay