Thứ bảy, Tháng hai 8, 2025
HomeKinh DoanhKhông để vạ lây từ chiến tranh thương mại

Không để vạ lây từ chiến tranh thương mại

Doanh nghiệp Việt có nguy cơ vạ lây

Đòn áp thuế 10% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công bố vẫn thấp hơn nhiều so với con số 60% mà ông từng đe dọa sẽ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Hơn nữa, phần lớn đòn áp thuế này nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán chất gây nghiện fentanyl, chứ không phải sự mất cân bằng thương mại sâu sắc giữa hai nước. Tuy vậy, theo các chuyên gia, một điểm đáng lưu ý với chính quyền Mỹ dưới thời Trump 2.0, là sử dụng thuế suất như một công cụ nhằm mặc cả trong quan hệ thương mại. Theo đó, bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp – Viện Thương mại và kinh tế quốc tế – Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc sử dụng thuế quan như công cụ để bảo vệ sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người Mỹ của ông Trump không mới, đã từng được cảnh báo từ trước khi ông còn tranh cử. Đáng lưu ý là tại nhiệm kỳ này, ông có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề kiến tạo chính sách.

Không để vạ lây từ chiến tranh thương mại- Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo hàng hóa từ VN có thể bị vạ lây, cần có giải pháp ứng phó sớm

“Nhìn kỹ vào bức tranh thương mại Mỹ cho thấy, các nước châu Âu, Mexico, Canada, Trung Quốc… đều đang có sự thâm hụt thương mại với Mỹ. Đó là các nước vào tầm ngắm trong cuộc chiến thương mại này. Chính sách thuế mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Canada và Mexico (tạm hoãn 1 tháng) đều nhằm ngăn chặn làn sóng tuồn thuốc gây nghiện fentanyl lớn vào nước Mỹ, song về lâu dài, sẽ đánh hàng hóa. Nước Mỹ muốn có cách tiếp cận win-win, nghĩa là không còn chi nhiều tiền như trước, còn các nước khác phải đóng góp nhiều hơn để tạo ra một trật tự kinh tế, chính trị, an ninh mới mà Mỹ vẫn đứng đầu”, ông phân tích.

Dù VN không nằm trong nỗi lo ngại về đòn áp thuế kỳ này, nhưng theo chuyên gia này, nếu thuế tăng, giá cả hàng hóa nhập khẩu tại Mỹ sẽ tăng. Về lâu dài, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhập khẩu và điều này sẽ tác động đến VN – đang có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ rất lớn.

VN hiện không nằm trong các quốc gia bị áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Và đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho hàng hóa từ VN, đặc biệt với các nhóm hàng VN đang có lợi thế lớn tại Mỹ mà Trung Quốc từng có lợi thế xuất khẩu trước đây.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

“Với tỷ trọng hơn 30% giá trị hàng xuất sang thị trường Mỹ, xuất khẩu của VN trong năm nay có thể bị vạ lây vì chính sách thuế mới này. Đó là chưa tính đến trường hợp nhu cầu tại Mỹ sẽ dẫn tới việc hàng hóa giá rẻ từ một số quốc gia tràn sang những thị trường khác, tạo áp lực cạnh tranh lên hàng hóa và các ngành công nghiệp nội địa của VN. Thứ 2, trong trường hợp xấu nhất, khi thấy kim ngạch xuất khẩu VN sang Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh hàng Trung Quốc giảm vì bị áp thuế, nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hóa VN là rất lớn… Năm 2023, VN thuộc tốp 3 các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), phân tích: “VN hiện không nằm trong các quốc gia bị áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Và đây là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại cho hàng hóa từ VN, đặc biệt với các nhóm hàng VN đang có lợi thế lớn tại Mỹ mà Trung Quốc từng có lợi thế xuất khẩu trước đây”.

TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý với một nền kinh tế có độ mở cao của VN, xuất khẩu lại phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh này, nguy cơ lớn nhất và tiềm ẩn đáng lo ngại là các doanh nghiệp tại các quốc gia bị đánh thuế cao, chuyển sang VN, thực hiện các công đoạn cuối để mượn xuất xứ, xuất khẩu sang Mỹ.

“Các doanh nghiệp từ Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đang bị áp thuế xuất khẩu cao khi đưa hàng vào Mỹ có thể chuyển một phần sản xuất sang các nước Đông Nam Á để né thuế, trong đó có VN. Điều này gây tác hại lớn là gia tăng thâm hụt thương mại giữa các nước với Mỹ. Nếu khoảng cách thâm hụt thương mại càng lớn, chắc chắn hàng hóa VN sẽ bị soi”, ông Việt nhấn mạnh.

Sớm lên kế hoạch ứng phó

Tuy vậy, nhìn một cách tích cực, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vị thế là điểm đến hấp dẫn của chuỗi cung ứng toàn cầu, VN có thể tận dụng cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ tăng đầu tư vào VN, đặc biệt những doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, công nghệ. Việc cân bằng thương mại với Mỹ không thể diễn ra ngay lập tức, nhưng đây là lúc chúng ta có thể tận dụng các biện pháp một cách khéo léo để mở cửa thị trường, tạo động lực và không gian tăng trưởng mới cho VN.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, cũng khá lạc quan bởi các giải pháp ứng phó với chiến tranh thương mại thế giới, nếu có xảy ra, VN ít nhiều đã có kinh nghiệm.

“Các chính sách của Mỹ hiện tại là đánh vào các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn. Vì thế, giải pháp trước mắt là phải thu hẹp khoảng cách này để không bị “soi” bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ. Tôi nghĩ VN có nhiều mặt hàng có thể mua từ Mỹ với kim ngạch tăng đáng kể, từ máy bay đến máy móc thiết bị y tế, dây chuyền sản xuất… Quan trọng nhất là tránh tình trạng bị mượn xuất xứ để xuất khẩu. Chúng ta không nên chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài mà xuê xoa bỏ qua cho hành vi lẩn tránh xuất xứ để xuất hàng. VN đang có lợi thế là các hiệp định thương mại đã ký kết, ngành công thương cần nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Nói chung, các ngành, các cấp và doanh nghiệp phải có giải pháp ứng phó xung đột thương mại, bởi các chính sách thuế quan từ Mỹ vẫn còn biến động khó lường”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng VN cần tăng thu hút đầu tư, tăng nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị… từ Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại. Cần có đối thoại kinh tế, kêu gọi doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, ưu tiên đầu tư vào Mỹ. Doanh nghiệp trong nước cần tạo điều kiện để tăng quy mô, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu… để thu hẹp khoảng cách thương mại giữa hai nước. 

Hàng hóa từ VN lo nhất là bị gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại. Giải pháp trước mắt, doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa thị trường hơn nữa, kể cả thị trường ngách, đẩy mạnh mở rộng sang thị trường châu Phi, Trung Đông, châu Âu…; cần tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc pháp luật về xuất xứ, phối hợp tốt trong các trường hợp bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp, phòng vệ… Các địa phương cần theo dõi, giám sát kỹ các hoạt động của nhà xưởng mới mở có nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ để xuất khẩu.

PGS Nguyễn Thường Lạng


Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-de-va-lay-tu-chien-tranh-thuong-mai-185250204203841793.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay