Trong số 12.428 phụ huynh tham gia khảo sát với báo Dân trí, gần 4.300 người chi tiêu từ 2-5 triệu đồng/tháng cho việc học thêm của 1 con, chiếm tỷ lệ 35%.
Điều này đồng nghĩa, nếu có 2 con, số tiền mà 4.300 gia đình phải chi cho học thêm vào khoảng 4-10 triệu đồng/tháng.
Mức chi tiêu từ 5-8 triệu đồng/tháng/con có 1.626 gia đình, chiếm 13%. Trong khi mức trên 8 triệu đồng/tháng/con có 1.103 gia đình, chiếm 9%.
Nhiều phụ huynh trong nhóm chi tiêu từ 5 triệu đồng trở lên cho việc học thêm của con mỗi tháng cho biết số tiền này chiếm khoảng 25-35% chi tiêu trong gia đình.
Mức chi tiêu phổ biến hơn là dưới 2 triệu đồng/tháng, chiếm 29%.
Đồng thời có 1.800 người, tương đương 14% cho biết không tốn một đồng nào cho việc học thêm của con cái.
Theo báo cáo chi tiêu cho giáo dục của tổ chức Fiin Group công bố hồi đầu năm nay, 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục.
Giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.
Trong đó chủ yếu tăng ở các khoản chi tiêu cho ngoại ngữ, thi tuyển sinh và hoạt động ngoại khóa.
Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển đáng kể học sinh từ khối công lập sang khối tư nhân.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) tính toán, trong 5 năm qua, số tiền mà gia đình chị đổ vào việc học tập tăng gấp đôi theo sự lớn lên của các con.
5 năm trước, 2 con của chị Vân Anh học lớp 1 và 4 trường công lập, số tiền đóng học hàng tháng ở trường vào khoảng 4,5 triệu đồng, bao gồm học phí, tiền bán trú, tiền học tiếng Anh và các tiết học liên kết. Tiền học thêm tiếng Anh ở trung tâm khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Năm nay, các con chị đã lên lớp 6 và 9, số tiền đóng học hàng tháng ở trường không thay đổi nhưng tiền học thêm tăng mạnh với hơn 3 triệu đồng cho con nhỏ và hơn 8 triệu đồng cho con lớn. Tổng tiền học là 15 triệu đồng, tăng 114%.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Long Biên, Hà Nội) cũng đưa ra một con số tương tự.
“Nhà ai có con thi chuyển cấp thì xác định tiền học hành của con tăng gấp đôi so với thông thường.
Để có thể giành một suất học lớp 6 trường điểm hay đỗ vào lớp 10 công lập, các con hầu như phải đi học thêm kín tuần. Những gia đình không có điều kiện tài chính tốt sẽ phải cắt chi phí học thêm của các con khác để dồn cho đứa con đang ôn thi chuyển cấp. Một năm trước, gia đình tôi đã phải làm như thế”, chị Hằng cho biết từ kinh nghiệm cá nhân.
Ông Bùi Khánh Nguyên – chuyên gia giáo dục độc lập – nhận định, việc phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho giáo dục là một tín hiệu tích cực.
“Khi nguồn lực còn hạn chế, đầu tư cho giáo dục sẽ dẫn tới phải hy sinh hay hạn chế việc đầu tư cho các nhu cầu khác của gia đình. Song, phụ huynh sẵn sàng hy sinh cho thấy nhận thức đúng đắn của họ về vai trò của giáo dục với sự phát triển của con người, thể hiện tinh thần hiếu học, cũng như tầm nhìn vào tương lai bền vững”, ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, ông Nguyên khẳng định chi tiền cho giáo dục không phải lúc nào cũng đồng nghĩa đầu tư cho giáo dục, và không trùng khớp với đầu tư hiệu quả.
“Việc đầu tư đúng cho giáo dục đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài xác định một mục tiêu chuẩn xác, tìm kiếm các lựa chọn phù hợp hoàn cảnh, phụ huynh còn phải đầu tư cho các điều kiện bối cảnh xung quanh đứa trẻ, đầu tư cho môi trường lành mạnh, đầu tư cho các lựa chọn trường lớp, giáo viên, cơ sở vật chất phù hợp… để biến mục tiêu thành thành quả.
Không phải khóa học thêm nào cũng cần thiết, không phải lớp học tiện nghi nào cũng là lớp học chất lượng.
Do vậy, cha mẹ cần bỏ ra khá nhiều thời gian, công sức để tìm được đúng những địa chỉ chất lượng và phù hợp với nhu cầu, mục tiêu và tiềm năng của con cái”, chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Ông Nguyên cũng cho biết rất khó đánh giá chi phí đầu tư cho giáo dục bao nhiêu là phù hợp, vì mỗi phụ huynh có mục tiêu và hoàn cảnh khác nhau.
Điều này cũng dẫn tới việc không thể đánh giá cách cha mẹ chi tiền cho con đi học thêm nhiều hay ít, đúng hay sai, bởi phải xét trên nhu cầu, mục tiêu của từng gia đình, từng học sinh.
“Nếu phụ huynh có tài chính hạn hẹp, nên tận dụng hệ thống trường công để được học miễn phí hoặc học phí thấp. Nếu có tài chính rộng rãi hơn, phụ huynh có thể nghĩ đến các trường tư nơi dịch vụ giáo dục được cung cấp theo nhu cầu”, chuyên gia tư vấn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/khong-phai-khoa-hoc-them-nao-cung-can-thiet-va-hieu-qua-20241103073928863.htm