Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeThời SựKhông tổ chức công an cấp huyện: "Tỉnh toàn diện; xã vững...

Không tổ chức công an cấp huyện: “Tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”

Thực hiện Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp mô hình công an 4 cấp thành 3 cấp.

Theo đó, 694 đơn vị công an cấp huyện với gần 6.000 đội trực thuộc sẽ kết thúc hoạt động khi ngành công an sắp xếp thành mô hình thành 3 cấp: bộ – tỉnh – xã.

Việc không tổ chức công an cấp huyện đặt trong tổng thể cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, và việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy công an địa phương lần này, càng có ý nghĩa khi năm nay kỷ niệm tròn 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam.

Không tổ chức công an cấp huyện: Tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở - 1

Khối nữ Cảnh sát đặc nhiệm trong Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Trước đây, bộ máy cơ quan công an ở Trung ương gồm cơ quan Bộ và đơn vị cơ quan cấp tổng cục, hơn 120 đơn vị vụ, cục. Có thể nói bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng lớp sẽ phần nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ nắm tình hình, xử lý tình huống và đưa ra đối sách một cách kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đã nhận thấy phải tiến hành thay đổi mạnh mẽ. Ngành Công an đã đi đầu trong việc tạo nên một cuộc cách mạng về tổ chức trong lực lượng, tiến hành từ Bộ đến địa phương, cơ sở.

Từ năm 2018 đến nay, qua 2 lần kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục, một đơn vị tương đương cấp tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 7 trường Công an Nhân dân, gần 1.200 đơn vị cấp phòng, trên 3.500 đơn vị cấp đội. Việc sắp xếp, kiện toàn bảo đảm sự lãnh đạo từ Bộ đến cục được nhanh hơn, chính xác, kịp thời, không qua cấp trung gian; chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của lực lượng Công an Nhân dân đã được đổi mới, sắp xếp cơ bản tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực hiện phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, Bộ Công an đã điều tiết từ cơ quan Bộ, công an cấp tỉnh, công an cấp huyện về công an xã, thị trấn trên 58.000 cán bộ, hoàn thành xây dựng công an xã chính quy theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị mà không làm tăng biên chế của Bộ Công an (giữ nguyên biên chế theo phê duyệt của Bộ Chính trị năm 2018).

“Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Sau khi bỏ cấp tổng cục, nhập các vụ, cục, đơn vị cấp phòng, cấp đội, đưa công an chính quy về xã, kết quả là công tác giữ gìn an ninh trật tự trên phạm vi cả nước được đảm bảo tốt hơn, công an ở thế chủ động hơn. Qua đó, chứng minh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của ngành Công an đi đúng hướng, thành công.

Thời gian tới, lần sắp xếp thứ 3 của ngành Công an hết sức quan trọng là không tổ chức công an cấp huyện. Công an địa phương sẽ điều chỉnh phương châm “tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” sang “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”.

Trong số các nhiệm vụ của ngành Công an, có 2 việc quan trọng: nắm tình hình và đưa ra chủ trương, đối sách để đảm bảo an ninh trật tự. Công an cấp huyện là một đơn vị trung gian nhưng có nơi nhân lực còn đông, trong khi đó lực lượng công an ở xã dù đã được tăng cường thì vẫn mỏng.

Cho nên, chủ trương là bỏ cấp trung gian này, đưa lực lượng chuyên trách được đào tạo cơ bản tăng cường về xã phường; hơn 10.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước tùy theo quy mô dân số, tùy theo địa hình, tình hình an ninh trật tự mà bố trí lực lượng hợp lý. Chẳng hạn, ở Lai Châu, Điện Biên có những xã diện tích tới 200-300km2, đường đi trắc trở; và lại có những xã, phường ở ngoại thành Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh… diện tích chỉ 3-5km2.

Thực hiện phương châm mới, công an cấp tỉnh giải quyết toàn diện mọi tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; công an cấp xã được tăng cường xây dựng vững mạnh, bám cơ sở, giải quyết các vấn đề phát sinh về an ninh, trật tự ngay từ đầu và tại cơ sở, đảm bảo an dân. Còn với những vụ việc phức tạp thì có công an cấp tỉnh hỗ trợ.

Tôi đánh giá một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan công an là phải nắm rõ, nắm chắc tình hình địa bàn. Nếu không nắm được tình hình thì không thể xử lý. Nguyên tắc là không được để bị động bất ngờ.

Công an phải sống trong lòng dân. Nếu dân ủng hộ công an và công an gắn chặt với dân, quan tâm đời sống nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của người dân, tôn trọng và giải quyết chính đáng lợi ích của người dân, được dân yêu, dân quý, dân giúp đỡ thì cơ quan công an hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tất nhiên, chúng ta đã đánh giá đây là một “cuộc cách mạng” và bất cứ cuộc cách mạng nào cũng có những khó khăn riêng. Phải chấp nhận rằng, trong thay đổi tổ chức, đâu đó sẽ có những người chịu thiệt thòi hơn. Một số cán bộ lãnh đạo công an huyện có thể về thành phố, tỉnh làm trưởng, phó phòng nhưng chắc là không nhiều; một số về làm trưởng công an xã…

Thế nhưng với chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mang tính tất yếu nhằm mục tiêu lớn là đảm bảo sự thường xuyên, thường trực, nắm chắc tình hình, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ trật tự an toàn xã hội, tôi tin rằng các sĩ quan công an cấp huyện đã xác định về lập trường, tư tưởng.

Thực tế là dù đến nay chưa tiến hành trên cả nước nhưng nhiều sĩ quan công an cấp huyện đã xung phong nghỉ hưu sớm để tạo điều kiện cho lớp trẻ; hoặc vui vẻ nhận nhiệm vụ ở phường xã.

Hơn nữa, lực lượng vũ trang (LLVT) khác với lực lượng dân sự ở chỗ, trong LLVT “quân lệnh như sơn”. LLVT thực hiện theo mệnh lệnh. Ngay khi gia nhập lực lượng công an thì các chiến sĩ, sĩ quan đều đã lập lời thề. Do đó, dù có thể có thiệt thòi, nhưng các chiến sĩ, sĩ quan đều sẵn sàng tuân theo sự sắp xếp, bố trí mới. Mục tiêu không tổ chức công an cấp huyện chắc chắn làm được và chắc chắn thành công.

Đây cũng là yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong kỷ nguyên mới, trong quá trình hội nhập sâu với thế giới. Tới đây khi cơ quan công an cấp huyện không còn thì cấp trung gian này của viện kiểm sát và tòa án cấp quận, huyện chắc chắn cũng phải tính toán. Trong kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Tôi nghĩ rằng, hành trang trong cuộc hành trình vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần gọn gàng. Càng gọn gàng thì đi càng nhanh, càng xa và chúng ta không thể mang theo một bộ máy cồng kềnh, nặng nề mà mong tiến nhanh về phía trước. Thế giới không chờ chúng ta.

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay, các quốc gia có thể hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác với nhau nhưng không ai chờ ai cả. Phải gọn, phải nhanh và phải mạnh. Chậm là thua, là thất bại!

Tác giả: PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/khong-to-chuc-cong-an-cap-huyen-tinh-toan-dien-xa-vung-manh-bam-co-so-20250222093951849.htm

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay