Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeCông NghệKhuyến khích dùng chung hạ tầng viễn thông

Khuyến khích dùng chung hạ tầng viễn thông

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu Omdia, đến quý II năm 2024 đã có tổng cộng 253 thỏa thuận chia sẻ cơ sở hạ tầng giữa các nhà khai thác trên thế giới, tăng 53% so năm 2020 (165 thỏa thuận) và tăng 208% so năm 2015 (82 thỏa thuận).

Những bước đi tiên phong

Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) đánh giá, việc dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được từ 16-35% chi phí CAPEX/OPEX (chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu/chi phí hoạt động). Trong khi đó, chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực sẽ giúp tiết kiệm lớn hơn nữa từ 33-45% CAPEX và từ 30-33% OPEX. Ngoài ra, việc chia sẻ cơ sở hạ tầng còn có lợi ích về môi trường như giảm tiêu thụ năng lượng, giảm bớt lo lắng của người dân về bức xạ. Nhận thức rõ vấn đề này, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm thúc đẩy việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.

Cụ thể, Luật Viễn thông năm 2009 và Luật Viễn thông sửa đổi năm 2023 đã có những quy định cụ thể về “Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông” để tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Ngoài việc hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy, từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp chủ trì, tổ chức cho các nhà mạng trong nước ký thỏa thuận chia sẻ dùng chung hạ tầng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đều xác định quan điểm, định hướng tăng cường chia sẻ dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng trong nước đã triển khai nhiều hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng. Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, hiện đơn vị đang chia sẻ, dùng chung hơn 5.000 cơ sở hạ tầng trạm với các nhà mạng khác. Trong đó, có hơn 2.000 trạm di động 4G dùng chung với Tổng công ty Viễn thông Mobifone theo Thỏa thuận hợp tác chiến lược chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa hai bên (ký vào tháng 3/2024).

Mặt khác, VNPT cũng tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng của các đơn vị xã hội hóa với hơn 19.000 trạm. Đối với hạ tầng mạng cố định, VNPT cũng đang sử dụng chung với nhiều đơn vị khác hạ tầng cáp quang, cống bể, mạng ngoại vi tại các tỉnh, thành phố để tận dụng tối đa năng lực hiện có của Tập đoàn và các doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác

Tuy nhiên, thực tế triển khai của các nhà mạng đã cho thấy có một số rào cản, cạnh tranh về hạ tầng thay vì cạnh tranh chất lượng dịch vụ. Mặt khác, các doanh nghiệp có quy hoạch mạng lưới khác nhau, phân vùng thị trường kinh doanh trọng điểm khác nhau, trong khi cơ sở hạ tầng viễn thông hiện hữu như mạng di động cơ bản đang tồn tại 4 loại công nghệ từ 2G đến 5G, do đó khả năng đáp ứng về hạ tầng dùng chung thấp.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục bổ sung các quy định liên quan đến dùng chung hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp theo hướng bắt buộc dùng chung nếu bảo đảm khả thi về kỹ thuật, trên cơ sở hợp đồng giữa các doanh nghiệp; bổ sung quy định để khuyến khích, thúc đẩy việc chia sẻ hạ tầng tích cực giữa các nhà mạng theo các mô hình tiên tiến trên thế giới.

Về phía các doanh nghiệp, cũng cần thay đổi quan điểm chuyển từ cạnh tranh hạ tầng sang cạnh tranh về chất lượng dịch vụ; đẩy nhanh lộ trình tắt sóng các công nghệ di động cũ 2G/3G; cùng nhau giải quyết các thách thức để thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng trên cơ sở mang lại lợi ích cho nhau và lợi ích chung toàn xã hội.

Theo Nghị định 163/NĐ-CP ban hành ngày 24/12/2024, Chính phủ đã quy định việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông tích cực giữa các doanh nghiệp trên nguyên tắc khuyến khích chia sẻ để tiết kiệm chi phí triển khai mạng viễn thông, đồng thời phải bảo đảm phù hợp về cạnh tranh, về tần số vô tuyến điện. Cục Viễn thông cũng đang chủ trì thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai mô hình hoạt động đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo) tại Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình triển khai mạnh mẽ mạng 5G, công nghệ sử dụng băng tần cao hơn 4G, có độ suy hao lớn hơn nên khu vực vùng bao phủ của mỗi trạm phát sóng cũng bị thu hẹp khoảng 15-20%. Theo tính toán, các nhà mạng muốn phủ sóng 5G toàn quốc cần xây dựng vài trăm nghìn trạm phát sóng, trong khi chi phí đầu tư mỗi trạm 5G gấp 3-4 lần trạm 4G trước đây.

Phó Cục trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho rằng, việc triển khai chia sẻ hạ tầng mạng 5G sẽ giúp các nhà mạng tiết kiệm các chi phí đầu tư, chi phí vận hành khai thác, mở rộng nhanh vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Mặt khác, Việt Nam cũng đang có lộ trình dừng công nghệ 3G vào năm 2029. Nếu nhà mạng thấy 3G đã hoàn thành sứ mệnh, có thể thúc đẩy nhanh tiến trình này. Lúc đó, chi phí vận hành sẽ giảm xuống và nhà mạng có thể dành nguồn lực cho các thế hệ mạng tiếp theo.

Nguồn: https://nhandan.vn/khuyen-khich-dung-chung-ha-tang-vien-thong-post857261.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay