Tại dự thảo mới nhất về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, quy định về chính sách hoạt động ngân hàng và quản lý ngoại hối có nội dung đáng chú ý liên quan thành viên trung tâm tài chính do nhà đầu tư nước ngoài thành lập.
Cụ thể, các thành viên trung tâm tài chính do nhà đầu tư nước ngoài thành lập được phép tự do chuyển đổi một số lượng đồng Việt Nam là các khoản thu hay các tài sản hình thành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thành ngoại tệ tương đương với 100% số ngoại tệ mà thành viên đó đã chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam trước đó mà không phải chứng minh mục đích chuyển đổi.
Sau năm 5 năm hoạt động kinh doanh và đầu tư, các thành viên được tự do chuyển các khoản đầu tư, khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không phải chứng minh mục đích chuyển tiền sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lập mô hình ngân hàng số tại trung tâm tài chính (Ảnh: Mạnh Quân).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có trụ sở tại trung tâm tài chính không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính hoặc dịch vụ xuyên biên giới.
Lộ trình áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế về ngân hàng (Basel III) bắt đầu triển khai tại trung tâm tài chính từ ngày 1/1/2026. Việc hình thành mô hình ngân hàng số từ các ngân hàng thương mại cũng được đề xuất bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2026.
Mọi quy định liên quan chính sách hoạt động ngân hàng và quản lý ngoại hối tại trung tâm tài chính do Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.
Góp ý với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước phân tích, tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính liên quan trực tiếp đến các cam kết thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Do đó, việc quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài và điều kiện đầu tư nước ngoài tại trung tâm tài chính cần được rà soát thêm, hạn chế rủi ro vi phạm các nghĩa vụ trong các hiệp định thương mại, hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.
Còn về lộ trình áp dụng chuẩn mực thông lệ quốc tế về ngân hàng (Basel III), Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc này cần phù hợp với lộ trình đang được xây dựng áp dụng cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định lộ trình triển khai từ đầu năm 2026 như tại dự thảo nghị quyết là không có cơ sở. Cơ quan này mong muốn nghiên cứu giao thẩm quyền quy định về lộ trình cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể tại nghị định, thông tư để linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước đề nghị lùi thời hạn sang từ đầu năm 2027.
Tuy nhiên, hồi đáp nội dung của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị vẫn giữ nội dung như dự thảo do đã xác định trung tâm tài chính là khu vực có đối tượng điều chỉnh khác biệt so với các chính sách chung của quốc gia và việc này đảm bảo áp dụng đồng bộ các chính sách để phát triển trung tâm tài chính.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kien-nghi-lui-viec-lap-mo-hinh-ngan-hang-so-tai-trung-tam-tai-chinh-20250224120003292.htm