Năm nay, Vương quốc Anh và thế giới kỷ niệm 200 năm ngày ra đời tuyến đường sắt công cộng đầu tiên trên thế giới, nối Stockton và Darlington ở phía đông bắc nước Anh. Từ đó đến nay, công nghệ về đường sắt đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Như phân tích ở bài trước, Chính phủ muốn nội địa hóa, muốn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt được thì chúng ta phải được chuyển giao công nghệ và muốn chuyển giao công nghệ thành công thì phải có đầu tư cho nghiên cứu, cho con người.

Làm chủ công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa là điều kiện tiên quyết đưa Việt Nam tiến vào kỷ nguyên đường sắt
Khoảng trống nghiên cứu chuyên sâu về đường sắt
Gần đây, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách, quyết sách mạnh mẽ về phát triển khoa học công nghệ, điển hình là Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nghị quyết mới tạo cơ sở chính trị vững chắc để đẩy mạnh đầu tư vào các nền tảng công nghệ cốt lõi và việc xây dựng chính sách ưu tiên cho công nghệ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và các ngành sản xuất nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để cụ thể hóa cho lĩnh vực đường sắt thì cần một chiến lược bài bản, dài hơi.
Chính phủ cần có những chương trình nghiên cứu phát triển (R&D) thực chất thì kỹ sư Việt, doanh nghiệp Việt mới có thể nắm rõ về công nghệ đường sắt. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, tôi thường được hỏi giới thiệu một viện nghiên cứu mạnh về đường sắt ở Việt Nam để họ phối hợp, nhưng đáng tiếc chúng ta gần như không có một đơn vị nào như vậy. Việt Nam hiện đã có một số viện nghiên cứu về vật liệu, kết cấu, cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin ở những lĩnh vực riêng và họ gần như chưa “chạm” đến lĩnh vực đường sắt trong khi hệ thống đường sắt là tổng hợp của tất cả các lĩnh vực khoa học đó.
Cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ khi hiểu và nắm rõ về kỹ thuật công nghệ thì chúng ta mới đủ sức lựa chọn một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp – yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực đường sắt. Hệ thống đường sắt đòi hỏi tính an toàn, thuận tiện và liên thông trong vận hành rất cao.

Kết cấu bê tông nhà ga được mô-đun hóa và đúc sẵn, sau đó chuyển ra công trường lắp ghép, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án metro ở Trùng Khánh – Trung Quốc
Hiện nay, ba dự án đường sắt đô thị đã thực hiện ở Việt Nam đang sử dụng ba hệ thống tiêu chuẩn khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào quốc gia cung cấp tín dụng và sự lựa chọn, tư vấn của các chuyên gia, kỹ sư quốc tế. Qua thực tiễn khai thác vận hành các tuyến đường sắt vừa rồi cũng đã bộc lộ một số vấn đề về thiết kế, công nghệ liên quan đến tiêu chuẩn chưa thật sự phù hợp trong điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam.
Mặt khác, việc lựa chọn và xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam, không quá sức với trình độ công nghiệp trong nước, rất quan trọng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia quá trình nội địa hóa dễ dàng hơn, góp phần đẩy nhanh phát triển công nghiệp đường sắt. Sau khi đã lựa chọn được hệ thống tiêu chuẩn phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể tính đến việc mô-đun hóa được một số kết cấu, bộ phận của đường sắt, từ đó giúp cho việc triển khai thi công nhanh hơn, thuận tiện hơn, đồng bộ hơn, công tác bảo trì được dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn.
Nghị quyết 188 cho phép chính quyền 2 thành phố được lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp khi triển khai các dự án đường sắt đô thị. Bộ Xây dựng cũng đang gấp rút thực hiện một đề tài rất lớn về xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho metro. Tuy nhiên, với khối lượng lên đến hàng nghìn tiêu chuẩn áp dụng cho 1 tuyến đường sắt, cùng yêu cầu các quy chuẩn, tiêu chuẩn phải đảm bảo an toàn, tin cậy, tích hợp được các dự án đã triển khai trong điều kiện của Việt Nam, đây sẽ là nhiệm vụ rất nhiều thách thức trong thời gian tới.
Nhân lực là vấn đề cốt lõi
Để phát triển lĩnh vực đường sắt, cần bốn nhóm nhân lực khác nhau. Ngoài nhóm nhân viên vận hành chiếm đa số – trong tương lai, con số có thể lên đến hàng chục nghìn người cho 2 thành phố – thì nhóm kỹ sư trực tiếp thực thi các công việc xây dựng, lắp ráp, sản xuất, bảo trì trang thiết bị cũng lên đến hàng nghìn người. Đó là chưa tính đến nhân lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt liên vùng, liên thành phố cũng đang được triển khai đồng thời trong giai đoạn sắp tới.
Nhóm tiếp theo, trực tiếp nắm sâu về kỹ thuật công nghệ là các chuyên gia kỹ thuật, các nhà khoa học. Đây là nhóm quyết định sự thành công của quá trình nội địa hóa lĩnh vực đường sắt. Cuối cùng là nhóm các chuyên gia, nhà hoạch định về chính sách, pháp lý, hiểu rõ được vai trò quan trọng của đường sắt với mối tương quan với các lĩnh vực khác trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước làm chủ công nghệ thi công hầm metro bằng phương pháp khiên đào TBM
Ngành đường sắt Việt Nam đã có lịch sử hơn 100 năm phát triển, nhưng trong suốt mấy chục năm gần đây, việc đào tạo kỹ sư, công nhân lĩnh vực đường sắt gần như rất hạn chế. Từ khi đất nước đổi mới, ngành giao thông vận tải tập trung chủ yếu đầu tư phát triển lĩnh vực đường bộ nên công tác đào tạo cho lĩnh vực đường sắt cũng ít được quan tâm. Cả nước hiện nay không có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu vào lĩnh vực công nghệ đường sắt trong khi chỉ có một trường cao đẳng làm nhiệm vụ đào tạo chủ yếu cho công tác vận hành.
Hệ thống đường sắt quốc gia hiện nay có khoảng 25.000 nhân sự, chủ yếu tham tham gia công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì mạng lưới đường sắt hiện hữu với nền tảng công nghệ hết sức lạc hậu. Đội ngũ này cần phải được tăng cường đào tạo, đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu về phát triển thêm các tuyến mới, đặc biệt là công nghệ mới.
Một số dự án xây dựng metro gần đây ở hai thành phố có kỹ thuật công nghệ cao hơn nhưng chủ yếu được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài, nhân lực trong nước phần lớn là “tay ngang” tham gia, chủ yếu tham gia công tác quản lý dự án, không được chuyển giao công nghệ nên kiến thức thu được cũng hạn chế.
Để nắm được kỹ thuật công nghệ thì nhân lực triển khai lại là một vấn đề cốt lõi. Do đó, ngoài các chính sách về chuyển giao công nghệ như đã nói ở bài trước thì với nhóm nhân lực là kỹ sư, chuyên gia, cần phải được đào tạo chuyên sâu thông qua việc gửi sang các cường quốc đường sắt để học tập, nghiên cứu hoặc mời các chuyên gia, nhà khoa học của các nước đó đến làm việc, hỗ trợ cho các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt ở Việt Nam.
Lĩnh vực đường sắt liên quan đến nhiều chuyên ngành, nhiều lĩnh vực nên ở các quốc gia khác, mỗi trường đại học sẽ được giao đào tạo các nhóm chuyên ngành khác nhau, như nhóm về hạ tầng, nhóm về cơ khí hay nhóm về điện, điện tử, thông tin, tín hiệu. Các tập đoàn, công ty đường sắt trên thế giới thường có các Viện, Trung tâm vừa để tư vấn, vừa để đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân sự của mình.

Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mang tầm quốc gia về đào tạo nhân lực ngành đường sắt
Đường sắt là một chuỗi khép kín từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành, sau đó là tiếp tục nâng cấp, làm mới nên các kiến thức ở giai đoạn này sẽ hỗ trợ cho giai đoạn kia và chỉ có những người tham gia trực tiếp mới là những người thầy thực tiễn nhất, hiệu quả nhất.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/tang-toc-duong-sat-lam-chu-cong-nghe-the-nao-185250405120110562.htm