“Chúng ta đánh thức di sản, làm cho di sản gần gũi hơn với cộng đồng, cộng đồng gần gũi hơn với di sản, từ đó chúng ta làm cho di sản sống lại, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố, đất nước một cách bền vững.
Quan trọng nhất là làm sao để cộng đồng có cảm xúc để đến với lễ hội không chỉ một ngày, một lần mà có thể đến nhiều lần. Hôm nay đến, mai lại thấy nhớ như nhớ người yêu lại đến…Như vậy chúng ta sẽ có một lễ hội thật sự lung linh, sống động”, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn bày tỏ.
Từ dòng chảy thời gian đến giao lộ sáng tạo
Sau thành công của Dòng chảy thời gian với việc đánh thức tháp nước Hàng Đậu, chuyến tàu di sản qua nhà ga xe lửa Gia Lâm, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 quay trở lại với chủ đề Giao lộ sáng tạo.
Giao lộ sáng tạo sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo…
Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Đó là những cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối.
Lễ hội gồm ba công trình biểu tượng: Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Dòng ở vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Cung Thiếu nhi Hà Nội – trái tim của lễ hội
Cung Thiếu nhi Hà Nội là không gian kiến trúc mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã từng, đã có, đã cũ của tuổi thơ với những nét thơ ngây và những hành lang mới, hiện tại, đồng thời có thể là các hành lang trong tương lai.
Điểm giao giữa các hành lang trong cung thiếu nhi trở thành những khối trưng bày chính, một điểm dừng để nhìn lại những hành lang cũ – mới đan liên.
Tại đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm góp phần đề xuất những cách thức kế thừa và tiếp nối những giá trị mà thế hệ trước để lại nhằm tạo nên cuộc đối thoại liên thế hệ giữa tinh thần sáng tạo xưa – nay.
Khu vực chính diễn ra lễ hội là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, kết nối trục Tinh hoa di sản (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và trục Kinh tế sáng tạo (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) cùng 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn… nằm trên tuyến triển lãm.
Bước sang năm thứ 4, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục là một hoạt động định vị thương hiệu Hà Nội – Thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Qua đó sẽ tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân thủ đô, với một khát vọng được góp phần xây dựng thủ đô và đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/le-hoi-sang-tao-ha-noi-tham-vong-duoc-cong-dong-nho-den-nhu-nho-nguoi-yeu-20241030195333379.htm