Kể từ khi Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington tuyên thệ nhậm chức vào năm 1789, buổi lễ nhậm chức đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Từ một sự kiện đánh dấu khởi đầu của một quốc gia còn non trẻ, lễ nhậm chức tổng thống Mỹ đã dần trở thành sự kiện chính trị quan trọng nhận được sự quan tâm đông đảo của quốc tế.
Tuy vậy, dù đã trải qua hơn 235 năm, một số truyền thống vẫn được giữ nguyên đối với một buổi lễ trang trọng dành riêng cho tân tổng thống của nước Mỹ.
Tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau
Theo trang web Thư viện Quốc hội Mỹ (loc.gov), lễ nhậm chức đầu tiên diễn ra vào ngày 30-4-1789, trên ban công của Tòa nhà Liên bang ở TP New York – khi đó là thủ đô tạm thời của nước Mỹ.
Người cha lập quốc của Mỹ George Washington đã tuyên thệ nhậm chức để trở thành tổng thống đầu tiên của đất nước, cũng như đọc bài diễn văn nhậm chức đầu tiên trong lịch sử Mỹ tại đây.
Đến năm 1801, địa điểm tổ chức buổi lễ được chuyển đến Washington D.C. – thủ đô chính thức của nước Mỹ. Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ Thomas Jefferson đã thực hiện lời tuyên thệ nhậm chức trong nhà, tại Phòng Thượng viện của Tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Các buổi lễ nhậm chức sau đó thường diễn ra ngoài trời, ở mặt phía đông của Điện Capitol.
Việc tổ chức tại địa điểm này trở thành truyền thống, kéo dài từ lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 7 Andrew Jackson vào năm 1829 đến lễ nhậm chức của Tổng thống thứ 39 Jimmy Carter vào năm 1977.
Lễ nhậm chức nhiệm kỳ đầu của Tổng thống thứ 40 Ronald Reagan vào năm 1981 là lễ nhậm chức đầu tiên diễn ra ở mặt phía tây của Điện Capitol.
Kể từ đây trở đi, nơi đây đã trở thành địa điểm tổ chức truyền thống mới để các vị tân tổng thống của nước Mỹ phát biểu trực tiếp với toàn thể quốc gia và trình bày tầm nhìn của họ cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, không phải tất cả tổng thống Mỹ đều được tổ chức buổi lễ tuyên thệ trang trọng tại Điện Capitol, chẳng hạn như Tổng thống thứ 30 Calvin Coolidge.
Ngay sau khi Tổng thống thứ 29 Warren G. Harding qua đời, ông Calvin Coolidge – khi đó là phó tổng thống – đã phải tuyên thệ nhậm chức vào rạng sáng ngày 4-8-1923 tại nhà riêng của gia đình ông ở bang Vermont, theo Đài Fox News.
Thời điểm tuyên thệ
Cũng giống như địa điểm, việc lựa chọn thời điểm tổ chức ngày tuyên thệ cũng trở thành một câu chuyện mang tính lịch sử và truyền thống của nước Mỹ.
Theo trang web Thư viên Quốc hội Mỹ (loc.gov), ban đầu ngày diễn ra phiên họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ – ngày 4-3 – được chọn làm thời điểm tổ chức lễ tuyên thệ của tổng thống Mỹ.
Ngày 4-3 cũng được lựa chọn khi đó bởi người Mỹ cho rằng quãng thời gian 5 tháng từ khi cuộc bầu cử kết thúc đến thời điểm tuyên thệ là đã đủ cho việc hoàn thành kiểm phiếu và cho tổng thống mới chuẩn bị.
Tuy nhiên, một khoảng thời gian sau này, ngày 4-3 trở thành vấn đề. Vì người Mỹ lại nhận ra rằng 5 tháng là khoảng thời gian quá dài để chuẩn bị cho chính quyền mới. Do đó thượng nghị sĩ bang Nebraska George Norris vào năm 1922 đã đề xuất ý tưởng về việc rút ngắn quãng thời gian này.
Tuy nhiên, phải mãi cho đến khi Tu chính án thứ 20 được nêu tại Quốc hội Mỹ và sau đó được phê chuẩn vào năm 1933, ý tưởng về việc rút ngắn khoảng thời gian chuyển giao quyền lực này mới đi vào thực tế. Kể từ đây, buổi trưa của ngày 20-1 chính thức trở thành thời điểm truyền thống cho lễ tuyên thệ nhậm chức trong Hiến pháp Mỹ.
Lễ nhậm chức lần thứ hai của Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin D. Roosevelt vào năm 1937 là lễ nhậm chức đầu tiên diễn ra vào ngày 20-1.
Ngoài ra, nếu lễ nhậm chức chính thức rơi vào chủ nhật, buổi lễ sẽ được hoãn lại đến ngày hôm sau, tức 21-1.
Một truyền thống quan trọng
Không chỉ thời điểm và địa điểm của buổi lễ nhậm chức, bài diễn văn nhậm chức của vị tân tổng thống Mỹ cũng mang tính truyền thống và quan trọng.
Điều 2, mục 1 của Hiến pháp Mỹ chỉ quy định rằng tổng thống phải tuyên thệ nhậm chức để bắt đầu nhiệm kỳ của mình.
Tuy nhiên trong buổi lễ nhậm chức đầu tiên lịch sử Mỹ, George Washington đã có thêm một bài diễn văn phát biểu nhậm chức, trình bày các quan điểm của mình trước công chúng tham dự buổi lễ.
Kể từ đó bài diễn văn nhậm chức trở thành một truyền thống được tiếp nối bởi hầu hết các đời tổng thống sau này, và là một cơ hội rất quan trọng để vị tổng thống mới của nước Mỹ chia sẻ tầm nhìn của họ và những gì họ hy vọng sẽ đạt được trong bốn năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của mình cho người dân Mỹ.
Những yếu tố mang tính kế thừa trên đã đưa lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thành một trong những biểu tượng của nước Mỹ. Trong đó, buổi lễ nêu bật lên quá trình chuyển giao quyền lực giữa các đời tổng thống một cách hòa bình cho tất cả người Mỹ, và cho tất cả những người từ khắp nơi trên thế giới cùng theo dõi.
Tất cả các sự kiện diễn ra trong buổi lễ tuyên thệ đều được tổ chức một cách trang nghiêm và mang đậm tính truyền thống nhất. Điều này là nhằm mục đích cao cả đó là thống nhất và truyền hy vọng cho toàn thể người dân của nước Mỹ về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/le-nham-chuc-tong-thong-my-xua-va-nay-20250120124936435.htm