
Lính Ukraine bắn súng cối về hướng Bakhmut, ở Donetsk (Ảnh: Anadolu).
Viễn cảnh Mỹ cắt giảm chuyển giao vũ khí cho Ukraine đang khiến nền công nghiệp vũ trang nội địa còn non trẻ của nước này phải gồng mình chống đỡ.
Mặc dù Kiev đặt cược lớn vào quá trình nội địa hóa hoạt động sản xuất vũ khí, nhưng triển vọng tự thân duy trì nỗ lực chiến tranh vẫn rất ảm đạm.
Những cải tiến về máy bay không người lái (UAV) và chiến tranh điện tử dành cho tiền tuyến, dù ghi nhận nhiều đột phá, vẫn chưa thể vượt qua được năng lực sản xuất xe tăng, đạn pháo và tên lửa của Nga trong thời chiến. Hơn nữa, máy bay không người lái của Nga cũng đâu có thua kém gì Ukraine.
Khi nói đến xe tăng, Ukraine thường phải phục chế các phương tiện cũ từ thời Liên Xô. Quân đội Ukraine vẫn cần phương Tây cung cấp liên tục một lượng lớn tên lửa tầm xa và phòng không chính xác. Những thất bại liên tiếp trong lĩnh vực pháo binh cho thấy ngành công nghiệp vũ khí cốt lõi của Ukraine không thể đảm bảo cung cấp hàng loạt với số lượng lớn.
“Cơ hội sống sót của Ukraine rất thấp nếu không có vũ khí từ Mỹ”, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng chia sẻ như vậy trên kênh truyền hình NBC News ngày 15/2.
Ukraine đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước từ sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24/2/2022. Tháng trước, Tổng thống Zelensky cho biết 40% vũ khí của Ukraine hiện được sản xuất tại Ukraine, một tỷ lệ gia tăng đáng kể so với 10% vào thời điểm cuộc xung đột bắt đầu nổ ra.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Nga là pháo binh, cụ thể là đạn cối mà Ukraine đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cân bằng.
Vấn đề rất đơn giản. Theo Roman Kotliarov, một pháo thủ trong quân đội Ukraine thì “những quả đạn đó không tốt”.
“Nếu bạn đang nói đến đạn cối được sản xuất tại Ukraine thì chúng có chất lượng rất thấp. Tôi không thích sử dụng chúng”, Kotliarov chia sẻ trên Kyiv Independent.
Khoảng 70% đạn dược mà Kotliarov và nhóm chiến đấu của ông nhận được hiện nay được sản xuất tại Ukraine nhưng họ sợ sử dụng chúng.
“Có lần tôi ở vị trí chiến đấu cùng những người lính trong đội lúc họ nạp đạn vào súng cối. Nó phát nổ tức thì và quả đạn rơi chỉ cách có 5m. Rất nguy hiểm. Cảm ơn Chúa là những người lính của tôi vẫn còn sống và mọi thứ đều ổn”, ông Kotliarov kể lại.
Loạt phóng sự điều tra từ hãng tin Suspilne của Ukraine đã buộc Bộ Công nghiệp Chiến lược nước này phải thu hồi khoảng 30.000 quả đạn cối bị lỗi hồi tháng 1 năm nay.
Ngoài năng lực yếu kém, báo cáo của Suspilne còn cho thấy thuốc súng đã bị “rút lõi” ở đâu đó trên dọc đường tiếp tế. Thế nhưng, binh lính Ukraine vẫn phải sử dụng để chống trả các cuộc tấn công của Nga.
Vì vậy, nguồn cung cấp đạn pháo của Ukraine sẽ tiếp tục phải phụ thuộc vào nước ngoài.
“Chúng tôi đã tiếp nhận được đạn cối từ Mỹ, Ba Lan, Italia và cả Ấn Độ. Đạn pháo nước ngoài ít nhiều cũng còn ổn. Vỏ đạn của Ukraine, thứ mà tổng thống nước tôi đã chi rất nhiều tiền, chúng chỉ là rác rưởi. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, chúng tôi không thể tồn tại được”, ông Kotliarov cho biết.
Sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine cũng phải phụ thuộc vào tiền viện trợ từ nước ngoài.
Tuy nhiên, nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ đang có nguy cơ đứt gãy dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 2. Viễn cảnh này đang đặt ra câu hỏi về khả năng tự vệ của Ukraine nếu không còn sự hỗ trợ từ quốc tế.
“Tôi nghĩ Ukraine còn lâu mới có thể tự cung tự cấp được vì tiền tuyến rất rộng lớn còn đối phương thì lại hùng mạnh. Ukraine không thể duy trì và không thể tự mình phòng thủ”, Kateryna Bondar, chuyên gia nghiên cứu người Ukraine tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/linh-ukraine-chung-toi-khong-the-song-sot-neu-thieu-vu-khi-nuoc-ngoai-20250221124233454.htm