Thứ ba, Tháng hai 25, 2025
HomeKinh DoanhLo thương nhân đầu mối xăng dầu 'hổ mọc thêm cánh'

Lo thương nhân đầu mối xăng dầu ‘hổ mọc thêm cánh’

Thương nhân tính thay cho Bộ ?

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương soạn thảo, về nguyên tắc, yếu tố cấu thành trong công thức giá bán xăng dầu được xây dựng “căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ”. Đặc biệt, với các sản phẩm xăng dầu, cơ quan soạn thảo quy định Bộ Công thương không công bố giá thế giới, các thương nhân (đầu mối và phân phối – PV) căn cứ công thức tính các khoản chi phí cấu thành giá xăng dầu tại nghị định về kinh doanh xăng dầu và thông tư này để xác định.

Lo thương nhân đầu mối xăng dầu 'hổ mọc thêm cánh'- Ảnh 1.

DN bán lẻ lo lắng bị ép nếu chỉ để DN đầu mối xăng dầu tự quyết giá bán lẻ

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trước đó, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu 2025 cũng tập trung vào 3 điều chỉnh. Đó là tăng quyền tự quyết giá bán cho thương nhân đầu mối, điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức và siết chặt hệ thống phân phối. Trao đổi với Thanh Niên, nhiều thương nhân phân phối, doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho rằng các quy định nêu tại dự thảo nghị định mới và dự thảo thông tư hướng dẫn không khác so với quy định hiện hành. Tức là các chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… vẫn do nhà nước định giá dựa trên dữ liệu báo cáo của thương nhân đầu mối.

Bộ Công thương muốn giao cho thương nhân đầu mối công bố giá xăng dầu thì phải bỏ độc quyền nhóm DN đang thống lĩnh thị trường trước. Đồng thời, lập sàn giao dịch xăng dầu quốc gia, công khai minh bạch thông tin. Ở đó, DN trong hệ thống cung ứng xăng dầu có thể mua bán theo hướng thị trường.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Hải Âu Phát, phân tích: “Dự thảo đề xuất trao quyền cho thương nhân đầu mối quyết định giá và Bộ Công thương cũng không cần biết giá thế giới bao nhiêu nữa. Phải chăng quy định mới là để DN thay nhà nước thực hiện phép tính cộng trong công bố giá cuối cùng bán ra thị trường? Thứ hai, DN rất thắc mắc là việc xác định giá thị trường thế giới là giá gì? Bởi thị trường xăng dầu VN về cơ bản phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thô hoặc thành phẩm từ bên ngoài, điều chỉnh theo xu hướng giá thế giới. Thế nên việc công bố giá thị trường thế giới như thế nào sẽ đóng vai trò rất quan trọng để DN định hướng kinh doanh. Nếu Bộ giao hết cho DN đầu mối, tạo lợi thế lớn cho khu vực bán buôn sẽ triệt tiêu hoạt động của khu vực bán lẻ. Thậm chí, không loại trừ nguy cơ các ông lớn có thể bắt tay làm giá”.

Theo ông Thắng, ngay cả các Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu cũng được xây dựng dựa trên lợi ích của DN đầu mối xăng dầu. Sau một thời gian điều chỉnh, sửa đổi, lấy ý kiến rồi lại quay lại quy định cho thương nhân đầu mối tự quyết định giá bán lẻ thì họ như “hổ mọc thêm cánh”, đã lớn mạnh, càng lớn mạnh hơn.

“Xăng dầu trong thực tế là mặt hàng không phải do nhà nước định giá. Tuy nhiên, đây lại là mặt hàng cần ổn định giá nên lợi nhuận khối bán lẻ xăng dầu bị đóng khung, bị giới hạn dẫn đến bất bình đẳng trong kinh doanh cản trở sự phát triển của các DN nhỏ lẻ. Chúng tôi kiến nghị dự thảo nghị định nên bỏ khung giới hạn giá bán lẻ và nếu trao quyền định giá bán cho DN, phải trao quyền định giá bán lẻ cho DN bán lẻ”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đòi hỏi “trình” quản lý cao hơn

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú băn khoăn: Một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành xăng dầu cũng như một số ngành đang có sự can thiệp của nhà nước là xóa bỏ sự độc quyền. Với ngành xăng dầu, yêu cầu qua mấy lần sửa đổi nghị định cũng là phải tiến đến xóa bỏ độc quyền. Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cũng như thông tư hướng dẫn phải thể hiện sự đột phá về chính sách, thay đổi về chất chứ không phải cứ khoác một chiếc áo khác trên nền quy định cũ. “Nên có nghị định về kinh doanh xăng dầu mà ở đó có sự thay đổi theo cơ chế thị trường. Tức là ở đó, mọi DN đều bình đẳng như nhau, trao quyền tự quyết cho DN không có nghĩa là DN này hưởng lợi, DN kia thì không. Như vậy là không công bằng. 

Trong khi đó, luật Cạnh tranh 2024 cũng đã nêu rõ một DN chiếm 30% thị phần hoặc 5 DN nắm 85% thị phần trở lên sẽ được coi là DN thống lĩnh thị trường”, ông Phú phân tích và khuyến nghị: “Bộ Công thương muốn giao cho thương nhân đầu mối công bố giá xăng dầu thì phải bỏ độc quyền nhóm DN đang thống lĩnh thị trường trước. Đồng thời, lập sàn giao dịch xăng dầu quốc gia, công khai minh bạch thông tin. Ở đó, DN trong hệ thống cung ứng xăng dầu có thể mua bán theo hướng thị trường”.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), giải thích: Dự thảo thông tư hướng dẫn một số quy định của nghị định là bước chuẩn bị song song để khi nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được ban hành, Bộ Công thương có thông tư hướng dẫn thực hiện ngay. Thế nên, nội dung được soạn thảo bám sát dựa trên dự thảo nghị định. Tất nhiên, vẫn có thể có một số chi tiết thay đổi khi được ban hành chính thức. Tuy vậy, vấn đề khiến nhiều DN bán lẻ xăng dầu tâm tư là dự thảo giao quyền tự quyết giá cho thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối còn DN bán lẻ chỉ dựa trên giá bên bán buôn đưa về.

PGS-TS Ngô Trí Long nói: “Theo tôi hiểu, quy định giá DN đầu mối công bố dựa trên công thức của Bộ Công thương đưa ra. Bộ Công thương theo dõi, giám sát xem việc công bố giá có hợp lý không, có đúng với dữ liệu kết nối trước đó từ DN chuyển về cho Bộ theo quy định không. Nếu đưa ra mức giá không hợp lý sẽ bị cơ quan quản lý “thổi còi” ngay. Trong thực tế, chi phí của mỗi DN có thể khác nhau, nên mức giá bán mà DN đầu mối đưa ra có thể khác nhau, cạnh tranh về giá để thu hút nhà bán lẻ, phân phối ở khâu này. Nếu đầu mối có giá tốt, tất nhiên sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn”.

Dù vậy ông Long thừa nhận yếu tố tích cực này lại làm nảy sinh lo ngại tiêu cực khác, đó là nguy cơ bắt tay làm giá giữa các nhà đầu mối. Bởi theo dự thảo nghị định thì các DN đầu mối có thể chủ động điều chỉnh giá bán linh hoạt hơn để phù hợp với các biến động thị trường. Qua đó sẽ chiếm ưu thế trong việc tối ưu hóa chi phí và tăng cường lợi nhuận. “DN đầu mối chỉ công bố giá trần theo công thức đưa ra và giám sát của Bộ Công thương. Thế nên, công tác giám sát sau nghị định ban hành đòi hỏi cấp quản lý phải có năng lực thực sự, có chuyên môn sâu trong ngành xăng dầu. Dự thảo thông tư cũng đưa ra quy định phải bảo đảm chức năng giám sát tốt, phù hợp với dự thảo nghị định đang trình và có phương án quản lý bảo đảm không thể thị trường xăng dầu hoạt động thiếu sự ổn định, thiếu sự minh bạch, thiếu công bằng khi đưa vào áp dụng chính thức”, ông Long trấn an. 


Nguồn: https://thanhnien.vn/lo-thuong-nhan-dau-moi-xang-dau-ho-moc-them-canh-185250212194301865.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay