Chính quyền mới của Syria, do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp trong giai đoạn hậu Tổng thống Bashar al-Assad.
Một trong những vấn đề cấp bách nhất, mang tính then chốt để đảm bảo sự ổn định lâu dài, là thống nhất các nhóm vũ trang rời rạc thành một quân đội quốc gia thống nhất và vững mạnh, theo tờ The New Arab.
![Nhận diện loạt thách thức trong ngoài trong việc xây dựng quân đội Syria. Ảnh: THE NEW ARAB Nhận diện loạt thách thức trong ngoài khi xây dựng quân đội Syria mới](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Loat-thach-thuc-trong-ngoai-khi-Syria-no-luc-tai.webp.webp)
Thống nhất các phe phái đối lập
Từ tháng 1, các bộ quốc phòng và nội vụ lâm thời của Syria đã đẩy nhanh quá trình hợp nhất tất cả các nhóm vũ trang vào một quân đội và lực lượng cảnh sát trực thuộc nhà nước. Theo Bộ Quốc phòng Syria, hơn 70 nhóm vũ trang tại 6 khu vực (bờ biển, miền Bắc, miền Nam, miền Trung, miền Đông và thủ đô Damascus) đã bày tỏ sự đồng thuận với chính quyền mới.
Nhằm thúc đẩy quá trình này, Ủy ban Tối cao về Quản lý Dữ liệu Lực lượng Vũ trang Syria đã được thành lập để theo dõi vũ khí, công nghệ, căn cứ quân sự và nhân sự. Đồng thời, một hội đồng sĩ quan đang xây dựng cơ cấu tổ chức của quân đội Syria mới. Chính quyền lâm thời tuyên bố rằng tất cả các phe phái quân sự sẽ bị giải tán và sáp nhập vào các cơ quan nhà nước.
Tại “hội nghị chiến thắng” ngày 29-1, chính quyền thông báo giải thể toàn bộ đảng phái đối lập và nhóm vũ trang, củng cố quyền kiểm soát của HTS. Dù các phe phái đồng minh của HTS, bao gồm các thủ lĩnh từ Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, có mặt tại hội nghị, nhưng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn lại vắng bóng. Hiện vẫn chưa rõ sắc lệnh này có áp dụng cho SDF hay không, hay các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.
“Quá trình hội nhập gặp khó khăn do mức độ đóng góp của các nhóm vũ trang trong việc lật đổ ông al-Assad là khác nhau” – TS Mauro Primavera, giảng viên tại ĐH Milan (Ý), nhận định.
“Các nhóm như HTS và SNA là lực lượng tiên phong, trong khi một số nhóm khác chỉ tham gia khi chính quyền sắp sụp đổ và thậm chí trước đó còn tìm cách ký thỏa thuận hòa giải. Một số chỉ huy có thể sẽ phản đối việc nhượng lại quyền lực cho chính quyền mới” – vị chuyên gia nói thêm.
Thách thức lớn nhất vẫn là việc đưa SDF vào hệ thống quân đội chung. SDF từ chối giải giáp khi vẫn đang đối đầu với SNA. Ngày 19-1, Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Syria – ông Murhaf Abu Qasra bác bỏ đề xuất của Tư lệnh SDF Mazloum Abdi về việc để SDF tham gia quân đội Syria như một khối bán tự trị, gọi đây là điều “không thể chấp nhận” và cáo buộc SDF cố tình trì hoãn đàm phán.
Damascus tiếp tục coi sự tự trị của SDF là mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ Syria. Một số phe phái người Kurd cũng bị cáo buộc lợi dụng tình hình bất ổn tại trại giam Al-Hol – nơi giam giữ hơn 40.000 tù nhân có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nỗ lực thuyết phục các nhóm nổi dậy miền Nam tham gia cũng cho kết quả trái chiều: một số đồng ý, trong khi những nhóm khác tỏ ra hoài nghi về sự lãnh đạo của HTS do khác biệt về hệ tư tưởng.
“Việc hợp nhất một tập hợp rời rạc gồm các nhóm với hệ tư tưởng và năng lực quân sự khác nhau là một thách thức khổng lồ. [Tổng thống lâm thời Syria] Ahmad al-Sharaa phải cân bằng quyền lực một cách khéo léo để tránh làm mất lòng các phe phái, gây ra bất ổn” – TS Primavera nhấn mạnh.
Nhìn chung, thành công của quá trình hợp nhất quân đội Syria sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ lâm thời trong việc vượt qua những thách thức này và nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc. Trong một khu vực luôn biến động với những liên minh thay đổi và mâu thuẫn kéo dài, tương lai của Syria đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, theo The New Arab.
Tái thiết hạ tầng quân sự và mua sắm vũ khí mới
Về dài hạn, nỗ lực cải tổ quân đội Syria sẽ đối mặt với những thách thức lớn trong việc tái thiết kho vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự, đặc biệt sau những tổn thất nặng nề do các cuộc không kích của Israel vào tháng 12-2024.
![Một xe quân sự của Israel ở Cao nguyên Golan vào tháng 12-2024. Ảnh: BLOOMBERG nhan-dien-loat-thach-thuc-trong-ngoai-khi-xay-dung-quan-doi-syria-moi-2.jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739252488_992_Loat-thach-thuc-trong-ngoai-khi-Syria-no-luc-tai.webp.webp)
Các cuộc tấn công này đã phá hủy hơn 100 tổ hợp phòng không, hệ thống radar và căn cứ tình báo, khiến phần lớn kho vũ khí của Syria không thể sử dụng. Theo các báo cáo, Israel đã thực hiện hơn 600 đợt không kích trong 8 ngày, phá hủy khoảng 80% vũ khí chiến lược của Syria.
Không quân Syria, vốn có 184 máy bay hoạt động vào đầu năm 2024, nay chỉ còn lại một số ít có thể cất cánh. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với hàng trăm phương tiện và khí tài, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, xe bọc thép chở quân, hệ thống pháo phản lực phóng loạt tầm xa và tổ hợp phòng không (SAM), mà lực lượng đối lập đã thu giữ từ quân đội thời ông al-Assad.
Theo giới quan sát, việc tái thiết quân đội Syria, đặc biệt là không quân và hệ thống phòng không sẽ cần nhiều năm cùng hàng tỉ USD, trong bối cảnh ngân sách nhà nước gần như cạn kiệt.
Trước đây, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Syria, tiếp theo là Iran. Tuy nhiên, việc Syria gần đây hủy hợp đồng đầu tư của Nga tại cảng chiến lược Tartus cùng vị thế nhạy cảm của chính quyền mới đối với Tehran, khiến khả năng Moscow tiếp tục hỗ trợ trở nên phức tạp.
Hướng đi sắp tới
Việc thống nhất lực lượng vũ trang Syria là một bước quan trọng trong nỗ lực ổn định đất nước sau nhiều năm xung đột nhưng những thách thức phía trước vẫn rất lớn.
“Đối với ban lãnh đạo mới của Syria, thành công phụ thuộc vào việc cân bằng quá trình hội nhập nội bộ trong khi tìm kiếm sự hậu thuẫn phù hợp từ bên ngoài” – TS Hawach lưu ý.
Trong quá trình này, theo chuyên gia Primavera, HTS có khả năng sẽ tiến hành một cách thận trọng, đặt ưu tiên cho sự thống nhất quốc gia hơn là việc củng cố quyền lực ngay lập tức. “Ông al-Sharaa cần thuyết phục các nhóm đối lập tận dụng cơ hội mà sự sụp đổ của ông al-Assad mang lại, đồng thời hoãn lại những vấn đề gây tranh cãi để tránh làm chia rẽ chính quyền mới khi chưa hoàn toàn nắm quyền kiểm soát” – ông Primavera nói.
Vai trò của các quốc gia trong khu vực
Trong bối cảnh Syria cần mua vũ khí và tái thiết hạ tầng quân sự, nhiều cường quốc khu vực và quốc tế muốn tham gia vào quá trình này, mỗi bên đều tìm cách tác động đến con đường phát triển của Syria.
“Các cường quốc khu vực đang phản ứng trước những thay đổi trong bối cảnh an ninh Syria theo cách phản ánh lợi ích và mối lo ngại lâu dài của họ. Về dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ muốn củng cố quân đội Syria thông qua đào tạo quân sự nhằm củng cố ảnh hưởng của Ankara trong khu vực” – TS Nanar Hawach, chuyên gia cao cấp tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định.
Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tập trung vào việc làm suy yếu SDF do người Kurd lãnh đạo tại đông bắc Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.
“Nếu đạt được thỏa thuận về một quân đội thống nhất, ảnh hưởng và sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria có thể gia tăng đáng kể, đặc biệt trong việc kiềm chế quyền tự trị của người Kurd” – ông Nimrod Goren, Chủ tịch và người sáng lập Viện nghiên cứu Mitvim (Israel), nói với The New Arab.
Saudi Arabia cũng đang tự định vị là một đồng minh tiềm năng trong công cuộc tái thiết Syria. Mục tiêu chiến lược của Riyadh là đối phó với ảnh hưởng của Iran. Bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần, Saudi Arabia muốn nâng cao vị thế trong khu vực và giảm bớt sự hiện diện của Tehran tại vùng Levant. Đáng chú ý, Riyadh đã đề xuất huấn luyện và trang bị cho lực lượng cảnh sát dân sự của Syria.
Tương tự, Qatar cũng tham gia định hình tương lai Syria thông qua các khoản hỗ trợ tài chính. Doha được cho là đã đề nghị tài trợ đáng kể cho việc tăng lương của chính phủ Syria.
Những động thái này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của khu vực trong việc hỗ trợ tái thiết Syria, đồng thời điều chỉnh tiến trình này theo các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn.
Ngoài ra, vai trò của Israel trong việc định hình cục diện khu vực là không thể bỏ qua. Chuyên gia Goren cho rằng các hành động quân sự của Israel nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa tức thời và ngăn chặn vũ khí tối tân rơi vào tay các nhóm như Hezbollah (Lebanon).
“Ở thời điểm hiện tại, tác động của quá trình hợp nhất quân sự vẫn chưa rõ ràng. Nguy cơ leo thang xung đột không nằm ở chính quá trình hợp nhất, mà ở việc những bên nào được hợp nhất và cách thức triển khai” – TS Hawach nêu quan điểm.
![Loạt thách thức trong ngoài khi Syria nỗ lực tái thiết quân đội 1 Người tị nạn Syria hậu ông al-Assad: Về hay ở?](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739252489_290_Loat-thach-thuc-trong-ngoai-khi-Syria-no-luc-tai.webp.webp)
Nguồn: https://plo.vn/loat-thach-thuc-trong-ngoai-khi-syria-no-luc-tai-thiet-quan-doi-post832857.html