Lần đầu tiên một chính phủ tham chiến sẽ phải chịu trách nhiệm về một vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh, dù chỉ là bồi thường cho một thân nhân nạn nhân duy nhất đã nộp đơn kiện. Nhưng suy nghĩ kỹ hơn thì thấy đối tượng đáng chúc mừng hơn phải là nền hòa bình.
Bởi một nền hòa bình thật sự vững bền phải có sự thật được nhìn nhận, phải có công lý được thực thi, không thể cứ đậy lại những vết đau mà bình thản cùng nhau bước về phía trước.
Phía nạn nhân “vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang”.
Vết thương lòng không chỉ là mất mát thân nhân hay một phần thân thể, mà còn là tổn thương tinh thần khi vụ thảm sát không được nhìn nhận công bằng, thủ phạm không trả giá, không xin lỗi, hòa bình phải trả bằng máu mới có được không toàn vẹn vì cảm giác bị đối xử bất công, bị lãng quên.
Phía thủ phạm là những ám ảnh, day dứt không nguôi khi phủ nhận sai lầm, chối bỏ quá khứ.
Những bước phát triển dù là về kinh tế hay văn hóa vẫn không thể đầy đủ sự đĩnh đạc, tự tin vì phía sau vẫn còn những góc khuất đang phải che đậy, gánh nặng đang phải kéo theo. Hòa bình không thể nào như vậy.
Năm 2016, đa số những người Việt Nam mới biết đến vụ thảm sát Phong Nhất – Phong Nhị năm 1968 từ chính những tin tức, hình ảnh mà một nhà báo Hàn Quốc đã tìm ra khi những tài liệu của quân đội Mỹ được phép giải mật.
Từ đó đến nay rất nhiều người Hàn Quốc thuộc nhiều thành phần, nhiều độ tuổi đã tìm đến làng Phong Nhất, Phong Nhị. Họ tìm gặp gia đình các nạn nhân, lắng nghe câu chuyện, liên tưởng đến bản thân, đến những người đồng hương và khóc, và xin lỗi.
Có cô nhà văn Kim Yi-Jeong đã bỏ dở cuốn tiểu thuyết của mình để bắt tay vào cuốn sách viết về làng Phong Nhị. Viết bằng tiếng Hàn để kể câu chuyện của những nạn nhân với người Hàn Quốc, yêu cầu một sự nhìn nhận, sự hối lỗi, sự xoa dịu, sự bù đắp.
Dịch ra tiếng Việt dành tặng nạn nhân để nói lên tiếng lòng của những người Hàn Quốc đã lỡ tham chiến, lỡ sai lầm để rồi “suốt mấy mươi năm sau vẫn chưa rửa sạch được vết máu trên tay”.
Có những “tour du lịch sám hối” được hình thành để những người Hàn Quốc đến Việt Nam, nghe lại câu chuyện chiến tranh, thắp một nén nhang trước những tấm ảnh nạn nhân trong bảo tàng, quỳ gối, bái lạy…
Hình thức sám hối mà có thể trong những năm khó khăn sau chiến tranh, người ta đã nhắm mắt bỏ qua để cuốn theo cuộc mưu sinh, cuộc phát triển, để đến ngày đủ đầy mới nhận ra phía sau vẫn quá chông chênh, chao đảo để rồi phải quay ngược lại, phải đắp bồi lại.
Cuộc thảm sát Phong Nhị giết chết 70 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, nay có một gia đình được phán quyết bồi thường.
Và trong cuộc chiến tranh Việt Nam còn nhiều vụ thảm sát khác – còn lớn hơn, thảm khốc hơn – đã được ghi nhận, còn hàng triệu nạn nhân của chất độc da cam cũng được một người phụ nữ đại diện đưa đơn và theo đuổi vụ kiện… Và nền hòa bình vẫn đang phải tiếp tục chờ…
Nguồn: https://tuoitre.vn/loi-chuc-mung-danh-cho-hoa-binh-20250119082442752.htm