Theo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), những người có mức cholesterol toàn phần cao (≥240 mg/dL) có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần. Người trưởng thành trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol ít nhất 5 năm một lần.
Có rất nhiều thuốc điều trị chứng rối loạn lipid máu, bao gồm sử dụng các chất ức chế HMG-CoA reductase hay còn gọi là các statin, các chất ức chế hấp thu cholesterol, niacin, các chất ức chế acid mật, các fibrate và axit béo omega-3.
Tuy nhiên, không chỉ có thuốc cần kê đơn mà vẫn có những chế phẩm không kê đơn có tác dụng tốt như tỏi. Nhiều người sử dụng tỏi vì các lợi ích cho tim mạch của nó, như giảm huyết áp và cholesterol.
Tỏi chứa axit amin alliin. Khi bị nghiền nát, alliin được chuyển thành allicin, một chất ức chế tổng hợp cholesterol.
Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng đã cho các kết quả trái ngược nhau. Trong các phân tích tổng hợp các nghiên cứu, tỏi đã được chứng minh là cải thiện triglyceride và cholesterol toàn phần, nhưng không có ảnh hưởng đến LDL-C (cholesterol “xấu”).
Một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy tỏi có tác dụng có lợi lên cholesterol huyết thanh toàn phần và LDL-C. Tác dụng này được thấy khi sử dụng tỏi trong ít nhất 2 tháng. Dữ liệu cho thấy những lợi ích của tỏi trên cholesterol có thể là ngắn hạn, không có lợi ích đáng kể sau 6 tháng.
Theo ThS.BS CKII Hà Hải Nam, Bệnh viện K (Hà Nội), tỏi giúp làm giảm một nửa nguy cơ đau tim và đột quỵ, do có tác dụng làm giảm xơ vữa động mạch (do làm giảm cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt), hạ triglycerid, ức chế tích tụ tiểu cầu gây đông máu.
Theo các nghiên cứu, tỏi có thể giảm 38% nguy cơ mắc bệnh tim, giảm hơn 50% nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Tỏi cũng có tác dụng giảm huyết áp do giảm độ nhớt của máu. Lưu huỳnh trong tỏi có tác dụng giãn cơ, giãn mạch máu, từ đó giúp giảm huyết áp. Người bệnh tăng huyết áp được khuyên nên ăn vài tép tỏi mỗi sáng để hạ huyết áp.
Ngoài ra, tỏi rất giàu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, trong 100g tỏi có chứa 6,36g protein, 33g carbohydrate và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho…
Tác dụng phụ khi ăn tỏi
Tỏi có liên quan đến một số tác dụng phụ và tương tác thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp nhất gồm hôi miệng và mùi cơ thể, đau bụng và ợ nóng.
Tỏi có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và có thể làm tăng nguy cơ chảy máu của bệnh nhân. Vì thế, bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu nên được cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn này.
Mặc dù không có khuyến nghị chính thức nào về lượng tỏi bạn nên ăn, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng ăn 1-2 tép tỏi (3-6g) mỗi ngày có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi ăn nhiều hơn lượng này, hãy cân nhắc giảm lượng tỏi ăn vào.
Nấu tỏi trước khi ăn cũng có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ như hơi thở có mùi tỏi, các vấn đề về tiêu hóa và trào ngược axit.
Tỏi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên tốt nhất bạn nên thưởng thức loại gia vị thơm ngon này ở mức độ vừa phải và giảm lượng tiêu thụ nếu bạn bắt đầu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/loi-ich-bat-ngo-cua-toi-voi-nguoi-bi-mo-mau-cao-20250113073059708.htm