Do ảnh hưởng không khí lạnh, tại Quảng Ngãi có mưa lớn. Rạng sáng 24/2, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh này có mưa vừa, có nơi mưa to; lượng mưa đo được tại một số nơi lên đến 170mm.
Mưa lớn ở các huyện miền núi đã gây lũ cục bộ trên sông Trà Khúc. Lũ tràn về gây ngập cầu tràn Thạch Nham nối huyện Tư Nghĩa và huyện Sơn Hà.
Sáng 24/2, cầu tràn Thạch Nham ngập sâu khoảng 20cm, nước chảy mạnh. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người dân qua lại.

Nước lũ gây ngập cầu tràn Thạch Nham nối huyện Tư Nghĩa và huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Hà Xuyên).
Ảnh hưởng không khí lạnh, thời tiết biển cũng diễn biến xấu. Trong ngày 24/2, khu vực biển Quảng Ngãi có gió cấp 6, giật cấp 7; biển động mạnh, sóng cao từ 2,5m đến 3,5m.
Biển động khiến tàu khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại phải tạm dừng hoạt động.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, trong ngày 23 và 24, tại Quảng Ngãi xuất hiện đợt mưa lớn. Lượng mưa phổ biến 60-100mm, có nơi lên đến 170mm. Mưa lớn ở các huyện miền núi đã gây lũ cục bộ, có nguy cơ gây sạt lở đất.
Từ ngày 25/2, mưa sẽ giảm dần. Tuy nhiên, thời tiết biển vẫn diễn biến xấu với sức gió từ cấp 5 đến cấp 6.
Tại tỉnh Phú Yên, trong những ngày qua xuất hiện đợt mưa lớn bất thường, khiến nước lũ đổ về hạ du.
“Trận mưa lớn sau Tết là rất hiếm gặp, khiến người dân địa phương trở tay không kịp”, ông Tạ Tấn Công, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, nói.

Nước lũ dần rút tại một số tuyến đường ở xã Hòa Thịnh (Ảnh: Thành Anh).
Mưa lớn cũng làm một số tuyến đường ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) bị ngập sâu trong nước.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 22 đến 23/2, tại Phú Yên có xuất hiện mưa lớn với lượng mưa đo được ở huyện Sông Hinh là 203mm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
Sáng 24/2, ông Tạ Tấn Công cho biết, nước lũ tại địa phương đang rút dần, đến nay một số tuyến đường trong xã người dân đã có thể di chuyển chậm.
Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho hay, mọi năm, tại địa phương lũ lụt thường xảy ra vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 (âm lịch), ít khi nào có mưa lớn kéo dài vào cuối tháng Giêng. Do đó, sau khi ăn Tết xong, người dân lại tất bật ra đồng cày, bừa trồng sắn, lúa.
“Theo tính toán, trận lụt hiếm gặp này khiến người dân xã Hòa Thịnh thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Công cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An (Phú Yên), cho biết, mưa lũ bất thường cũng khiến gần 500ha lúa của người dân tại địa phương này bị ngập trắng.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến 9h30 ngày 24/2, mưa lũ gây ngập, hư hỏng gần 4.300ha lúa và hoa màu của người dân trong tỉnh.
Tại Phú Yên có hồ thủy điện Sông Hinh đang xả lũ với tổng lưu lượng 355m3/s. Bên cạnh đó nhiều hồ thủy lợi đang đầy nước như Mỹ Lâm (95,5%), Đồng Tròn (94%), Phú Xuân (99%) xả nước qua tràn.
Tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin, thực hiện tuyên truyền vận động người dân chủ động di dời sơ tán khi có yêu cầu tại các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/lu-bat-thuong-gay-ngap-cau-chia-cat-nhieu-tuyen-duong-20250224154205862.htm