Khác với chế độ ban đêm vốn thêm màu ấm và giảm độ sáng để hạn chế ánh sáng xanh, chế độ tối chỉ đơn giản là chuyển toàn bộ giao diện thiết bị sang màu tối. Điều này nhằm tạo một trải nghiệm đồng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với nhu cầu của người dùng.
Không giảm đáng kể việc mỏi mắt
Nhiều người tin rằng việc chuyển sang chế độ tối sẽ ngay lập tức giảm thiểu tình trạng mỏi mắt. Tuy nhiên, chế độ tối có thể hữu ích trong điều kiện ánh sáng yếu, khi màn hình sáng của điện thoại là nguồn sáng duy nhất. Còn trong môi trường có ánh sáng mạnh, chế độ này có thể khiến mắt người dùng phải làm việc nhiều hơn để tập trung, dẫn đến tình trạng mỏi mắt nghiêm trọng hơn.

Chế độ tối không nhất thiết giúp giảm mỏi mắt
Nếu lo ngại mỏi mắt, việc sử dụng chế độ tối vào buổi tối khi ánh sáng xung quanh thường mờ hơn có thể mang lại lợi ích. Ngược lại vào ban ngày, nên để chế độ sáng để bảo vệ mắt tốt hơn. Ngoài ra hãy đặt thiết bị ở ngang tầm mắt hoặc thấp hơn để giảm thiểu mỏi mắt.
Ảnh hưởng đến khả năng đọc
Nhiều người cho rằng việc bật chế độ tối trên thiết bị sẽ giúp việc đọc dễ dàng hơn, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Theo các nghiên cứu trước đây, con người đã tiến hóa để thích nghi với việc nhìn thấy các vật thể tối trên nền sáng, có nghĩa nền trắng của điện thoại không làm giảm khả năng đọc. Quan trọng hơn, việc sử dụng chế độ sáng cải thiện khả năng nhận thức chi tiết. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng văn bản trở nên dễ đọc hơn khi sử dụng chế độ sáng so với chế độ tối.
Đặc biệt, những người mắc chứng loạn thị có thể gặp khó khăn khi đọc văn bản ở chế độ tối. Hiệu ứng hào quang khiến văn bản sáng trên nền tối trở nên mờ hơn gây khó khăn cho việc đọc. Với thực tế cứ ba người thì có một người mắc chứng loạn thị, một bộ phận đáng kể có thể gặp phải tình trạng đọc không tốt khi sử dụng chế độ tối trên thiết bị của họ.
Không phải lúc nào cũng tiết kiệm pin
Chế độ tối được quảng cáo là một giải pháp giúp tiết kiệm pin cho thiết bị di động, tuy nhiên lợi ích tiết kiệm pin chỉ thực sự hiệu quả trên các thiết bị sử dụng màn hình OLED và AMOLED. Đối với điện thoại trang bị màn hình LCD, chế độ tối không mang lại sự khác biệt về thời lượng pin vì màn hình LCD vẫn chiếu sáng tất cả các điểm ảnh, bất kể chế độ hiển thị. Do đó trước khi chuyển sang chế độ tối, người dùng nên kiểm tra loại màn hình của điện thoại.

Chế độ tối thể hiện tính ưu việt trên màn hình OLED hoặc AMOLED
Ngay cả với các thiết bị OLED và AMOLED, sự khác biệt về thời gian sử dụng pin chỉ rõ rệt khi độ sáng màn hình được đặt ở mức tối đa 100%. Nếu độ sáng được điều chỉnh ở mức 30% đến 40%, việc chuyển sang chế độ tối chỉ có thể kéo dài thời gian sử dụng pin trung bình khoảng 9% – một con số không dễ nhận biết.
Không cắt giảm sự xao lãng
Việc chuyển từ chế độ sáng sang chế độ tối chỉ thay đổi giao diện hình ảnh mà không ảnh hưởng đến âm thanh thông báo hay khả năng thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc. Để tối đa hóa năng suất, người dùng có thể tận dụng các tính năng có sẵn trên Android như chế độ Tập trung hoặc chế độ Không làm phiền để làm việc hiệu quả hơn mà không bị gián đoạn.
Khi nào nên sử dụng chế độ tối
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người dùng nên bỏ qua chế độ tối hoàn toàn. Trong những điều kiện ánh sáng yếu, chế độ tối có thể giúp giảm độ chói và làm cho văn bản dễ đọc hơn. Ngoài ra, nếu sử dụng điện thoại có màn hình OLED hoặc AMOLED và lo lắng về thời lượng pin, việc chuyển sang chế độ tối có thể mang lại một số lợi ích. Việc thử nghiệm với chế độ này là hoàn toàn an toàn vì người dùng có thể dễ dàng chuyển đổi lại nếu cần.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ly-do-khong-nen-su-dung-che-do-toi-tren-smartphone-185250217211908177.htm