“Made in Sài Gòn” nhắc về thời mì khô Tôm Càng, bình thủy hiệu Lucky và các tên tuổi từng tạo bản sắc kinh tế – xã hội TP HCM.
Tác phẩm nối tiếp loạt sách của nhà báo Phạm Công Luận, như Có một thời ở Chợ Lớn, Sài Gòn – Chuyện đời của phố (5 tập), Hồn đô thị. Tập sách tổng hợp một phần các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng quen thuộc suốt hơn 100 năm qua.
Bìa sách “Made in Sài Gòn”. Ảnh: Phuong Nam Book
Thành phố từ đầu thế kỷ 20 đến nay trải qua nhiều biến động thời cuộc, môi trường làm ăn có lúc thuận lợi, khi bó hẹp, gặp nhiều khó khăn. Người tứ xứ hội tụ về đây, góp phần làm nên nền sản xuất với nhiều tiện nghi cho địa phương lẫn khu vực miền Nam, từ đó xuất hiện các thương hiệu nổi tiếng.
Sách liệt kê các đồ dùng, nhu yếu phẩm của đông đảo gia đình một thời, từ bình thủy hiệu Lucky đến gói mì khô Tôm Càng, Gà Trống của công ty Sam Hoa trong Chợ Lớn. Nhiều sản phẩm đa dạng về hình thức, công dụng, như trang sức, giày cao gót, bình ắc quy, bóng đèn, hoặc các loại thực phẩm như bột ngọt, nước tương. Nhiều mặt hàng giàu tính văn hóa, như tranh sơn mài, đồ mỹ nghệ, sách báo, tập nhạc, đĩa hát cải lương, phù điêu của các hội quán, lăng miếu trong khu Gia Định, Chợ Lớn. Sách còn in các hình ảnh biểu tượng của các ngân hàng, xổ số, hay logo các khách sạn nổi tiếng thời Pháp thuộc – như Majestic.
Poster cửa hàng trang sức Kim Thịnh in trong sách. Ảnh: Phuong Nam Book
Chẳng hạn, ở chương về nữ trang, ấn phẩm giới thiệu poster của tiệm vàng Kim Thịnh – nằm đường Catinat (nay là Đồng Khởi, quận 1), là địa chỉ quen thuộc trước năm 1954. Savon Việt Nam – xà bông nổi tiếng của hãng Trương Văn Bền ở khu Chợ Lớn – từng được quảng cáo trên Nhật báo Sài Gòn năm 1932: “Savon Việt Nam đúng bảy mươi hai phần dầu/ Không thứ nào sánh bì cho kịp/ Không hề ăn tay, không mặn như các thứ kia/ Đồng ban xin nhớ rằng Savon Việt Nam/ Có hiệu cái đầu hình người đàn bà An Nam/ Xin cứ mua dùng thử mà coi…”.
Loạt hình ảnh được giải thích bằng song ngữ Việt – Anh, giúp độc giả hình dung hoạt động kinh doanh xưa, cách vận dụng các thành tựu kỹ thuật để sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ đời sống. Sách còn minh họa cách thiết kế sản phẩm đồ họa của các họa sĩ Việt, Hoa, Pháp thời trước. “Chúng tôi mong đây là tựa sách trên kệ của những người thích tìm hiểu về văn hóa, có đôi chút hoài cổ, và mang một tình cảm sâu đậm cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn”, đại diện nhà phát hành cho biết.
Tác giả Phạm Công Luận, 64 tuổi, sinh ở TP HCM. Ông là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay. Không chỉ nổi bật ở thể loại tản văn, Phạm Công Luận còn mang đến nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký như Sài Gòn – Chuyện đời của phố (2014), Sài Gòn Phong vị báo xuân xưa (2018), Sài Gòn – Ngoảnh lại trăm năm (2021), Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ (2022, in chung với tranh của họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm).
Mai Nhật
Nguồn: https://vnexpress.net/made-in-sai-gon-thoi-vang-bong-4847230.html