Ngày 8-11, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm đã kháng cáo bản án sơ thẩm giai đoạn 1 mà TAND TP HCM đã tuyên trước đó.
Liên quan đến kháng cáo về phần dân sự của Công ty H.H, HĐXX đã triệu tập các bên liên quan để đối chất trực tiếp tại tòa.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, TAND TP HCM đã quyết định giao 1.121 mã tài sản đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhằm đảm bảo cho 1.243 khoản vay để SCB tiếp tục quản lý và xử lý các tài sản này, nhằm thu hồi nợ tương ứng cho các hợp đồng tín dụng và khoản vay theo hợp đồng thế chấp đã ký kết (trách nhiệm trả nợ cho 1.243 khoản vay này được xác định thuộc về bị cáo Trương Mỹ Lan).
Trong danh sách tài sản thế chấp có các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án của Công ty H.H và tổng giám đốc N.S.H, nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM.
Đại diện Công ty H.H cho biết mãi đến khi bản án được công khai, công ty mới biết rằng tài sản của mình nằm trong số 1.121 mã tài sản bị kê biên. Vì vậy, vào ngày 23-4-2024, công ty đã nộp đơn kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm sửa đổi một phần bản án hình sự sơ thẩm liên quan đến quyền lợi dân sự của công ty; đồng thời yêu cầu dành quyền khởi kiện dân sự liên quan cho Công ty H.H và ông N.S.H. Công ty cũng đề nghị tòa án giải tỏa các quyết định kê biên, phong tỏa tạm thời đối với sổ tiết kiệm, tài khoản cá nhân và giấy chứng nhận tài sản thuộc Công ty H.H và ông N.S.H mà không liên quan trực tiếp đến vụ án.
Chủ tọa phiên toà hỏi đại diện Công ty H.H lý do các tài sản này bị thế chấp tại SCB.
Đại diện Công ty H.H trả lời rằng công ty không có quan hệ với SCB và chỉ là bên thứ ba bị lôi vào vụ án này. Người này cho biết vào năm 2019, Công ty H.H đã ký hợp đồng khung với một công ty do ông Hồ Quốc Minh đại diện, người đóng vai trò trung gian trong thương vụ giữa bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Cao Trí trong vụ án.
Đại diện Công ty H.H khẳng định rằng họ chỉ được thông tin rằng công ty của ông Hồ Quốc Minh đại diện cho một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.
Ngày 18-11-2019, Công ty H.H đã ký kết thỏa thuận khung với công ty do ông Hồ Quốc Minh đại diện, theo đó chuyển nhượng 80% giá trị dự án với tổng số tiền khoảng 2.205 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận, từ tháng 12-2019 đến tháng 1-2022, công ty của ông Hồ Quốc Minh đã chuyển cho Công ty H.H tổng cộng 1.350 tỉ đồng thông qua tài khoản ngân hàng.
Ngày 15-1-2020, Công ty H.H đã bàn giao giấy tờ liên quan đến dự án cho phía công ty của ông Hồ Quốc Minh. “Ngân hàng làm cách nào để có các hợp đồng vay liên quan dự án này thì Công ty H.H không biết. Công ty H.H ngay tình, không liên quan SCB” – đại diện Công ty H.H khẳng định.
Người này nói thêm ngày 23-12-2021, Công ty H.H có làm uỷ quyền đồng ý cho công ty của Hồ Quốc Minh sử dụng các giấy tờ liên quan đến dự án thế chấp tại ngân hàng do công ty của Hồ Quốc Minh chỉ định nhưng số tiền thế chấp không được vượt quá 100% số tiền đặt cọc đã thanh toán cho Công ty H.H.
Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, ông N.S.H được triệu tập nhưng vắng mặt. Đại diện Công ty H.H trình bày nguyên nhân ông này vắng mặt vì trong giai đoạn điều tra, ông N.S.H không được triệu tập, khi luật sư làm đơn giao nộp hồ sơ thì toà án cấp sơ thẩm không cho phép nên Công ty H.H không biết chuyện gì đang xảy ra, không biết mình tham gia với vai trò gì.
“Công ty H.H và ông N.S.H không ký bất cứ hợp đồng nào với SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát” – ông này tiếp tục khẳng định.
Chủ toạ liêt kê một số hợp đồng uỷ quyền được xác định do ông N.S.H ký, sử dụng tài sản tại dự án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để bảo đảm các khoản vay tại SCB. Điển hình như, ngày 31-12-2019, Công ty H.H do ông N.S.H làm đại diện đã đồng ý thế chấp tài sản quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại dự án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để bảo đảm cho hợp đồng vay của Công ty L. tại SCB, trị giá 838 tỉ đồng.
Đại diện Công ty H.H phủ nhận toà bộ. Ông này khẳng định ông N.S.H không làm hợp đồng này.
Đại diện SCB cho biết họ có bằng chứng cho thấy hợp đồng thế chấp đã được chủ tài sản ký kết với ngân hàng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, phía SCB chưa thể trình bày tài liệu này và xin phép được cung cấp sau.
HĐXX tiếp tục yêu cầu bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày về nội dung này.
Bị cáo Lan cho biết ban đầu không quen biết ông N.S.H mà do Hồ Quốc Minh giới thiệu. SCB muốn sở hữu dự án ông N.S.H nhưng vì SCB không được phép kinh doanh bất động sản nên nhờ công ty của nhóm Hồ Quốc Minh làm trung gian. Ông N.S.H đồng ý bán dự án với giá hơn 2.200 tỉ đồng, nhưng giữ 20% cổ phần để hoàn tất thủ tục pháp lý.
Theo bà Lan, sau đó, SCB không thể giải ngân đủ, bà đã cho mượn gần 800 tỉ đồng để trả ông N.S.H. Đến nay, SCB vẫn còn nợ ông này dưới 200 tỉ đồng và dù SCB có quyền chuyển nhượng, ông N.S.H không cho phép bán dự án. Bà Lan khẳng định đã trả hơn 2.000 tỉ đồng và sẵn sàng đối chất nếu ông N.S.H phủ nhận.
Đối chất tại toà, bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB) khai tại thời điểm 2019, có làm việc 3 bên giữa Hồ Quốc Minh, N.S.H. Tiến độ thanh toán ban đầu 1.350 tỉ đồng đúng như lời bà Lan nói. SCB dựa trên hợp đồng chuyển nhượng này để giải ngân.
HĐXX chưa đưa ra phán quyết về tranh cãi này.
Nguồn: https://nld.com.vn/man-doi-chat-nay-lua-cua-bi-cao-truong-my-lan-ve-sieu-du-an-tren-duong-nam-ky-khoi-nghia-196241108140230121.htm