Mùa đông đến muộn, lạnh ít?
Chọn tháng 11 để ra miền Bắc hưởng cái lạnh, nhóm anh Phùng Xuân thất vọng khi xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) cuối tuần trước với nhiệt độ bên ngoài là 31 độ C. Sống ở vùng đất phương nam quanh năm nắng nóng, những năm gần đây anh và các bạn đồng nghiệp thường chọn đi du lịch các tỉnh miền Bắc dịp cuối năm để tận hưởng không khí se lạnh của những ngày cuối thu đầu đông. Nhưng 3 năm nay gần đây chưa lần nào được toại nguyện, dù cuối tháng 10 nhóm anh mới xuất phát. Quyết “săn lạnh”, năm nay nhóm anh Xuân đợi qua tháng 11 mới đi, nhưng 2 ngày ở Hà Nội “vẫn mặc áo cộc tay”, giữa trưa thậm chí còn nắng nóng.
“Dự báo từ hôm 4.11 không khí lạnh tràn về Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, nhưng sáng ra tôi mở cửa khách sạn đứng một lúc vẫn chưa thấy lạnh. Đi bộ ra Hồ Gươm có gió nhẹ nhưng cũng chưa lạnh. Chúng tôi rời Hà Nội, lên Bắc Kạn trong không khí không nóng cũng không lạnh. 18 giờ đến Hồ Ba Bể trời vẫn chưa lạnh, nhiệt độ vẫn đang ở 27 – 28 độ C”, anh Phùng Xuân kể.
Theo bản tin thời tiết, ngày 4.11, bộ phận không khí lạnh này ảnh hưởng đến phía đông Bắc bộ; sau đó ảnh hưởng đến bắc Trung bộ, hầu hết các nơi ở phía tây Bắc bộ và một số nơi ở trung Trung bộ. Từ ngày 5 – 6.11, khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ trời rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 17 – 19 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.
Dự báo là vậy nhưng thực tế người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cũng thừa nhận những năm gần đây có vẻ trời ít lạnh hơn. Năm nay đã bước qua hết tuần đầu tháng 11 mà chưa có đợt nào thực sự lạnh.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Không khí lạnh và rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động mạnh trong giai đoạn từ tháng 12.2024 – 1.2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này. Hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm.
Dù thời tiết thực tế chưa lạnh nhưng Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo: Đợt lạnh lần này có cường độ mạnh. Theo các mô hình dự báo thì sáng 4.11 vùng rìa của đợt lạnh mới về tới các tỉnh biên giới phía bắc, từ chiều tối nhiệt độ các tỉnh khu vực này sẽ giảm nhanh. Trên quy mô toàn cầu, khí hậu nói chung thời gian qua có nhiều biến đổi. Đáng chú ý nhất là hiện tượng ENSO sau khi pha nóng El Nino kết thúc thì các cơ quan khí tượng dự báo sẽ chuyển sang La Nina vào tháng 7 – 8. Tuy nhiên, nhiệt độ nước biển ở vùng trung tâm xích đạo chỉ lệch nhẹ một chút về trạng thái La Nina và trong suốt nhiều tháng qua gần như duy trì trạng thái trung tính kéo dài. Thêm vào đó, các dòng hải lưu ấm trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng đang hoạt động trái với quy luật tự nhiên. Thực tế cũng như các nghiên cứu trên thế giới cho thấy dấu hiệu hoàn lưu khí quyển đang bị xáo trộn mạnh.
Biển Đông sắp đón bão số 7, Trung bộ mưa to
Trong khi mùa đông vẫn chưa thực sự xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc thì đối với miền Trung, mưa to vẫn tiếp tục kéo dài. Đặc biệt Biển Đông sắp đón bão số 7 khiến khu vực này tiếp tục có mưa lớn kéo dài.
Theo Th.S Lan, hiện tại phía đông của Philippines đang có cơn bão thứ 22 với tên quốc tế là Yinxing. Cơ quan khí tượng của Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng bão sẽ vào Biển Đông rạng sáng 9.11, trở thành cơn bão số 7. Bão có khả năng đi về phía bắc quần đảo Hoàng Sa của VN rồi hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, do tiếp tục có đợt không khí lạnh mới về khiến bão sẽ suy yếu.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết khu vực Trung bộ tiếp tục có mưa to. Dự báo đến ngày 6.11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 – 250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn. Khu vực Thanh Hóa – Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50 – 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh khiến rãnh thấp qua Trung bộ bị nén dịch chuyển dần xuống phía nam. Rãnh thấp này tiếp tục gây mưa cho khu vực nam Tây nguyên và Nam bộ; thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối.
Yinxing là cơn bão mạnh, diễn biến còn phức tạp. Đây chỉ là những dự báo sớm và có thể còn nhiều thay đổi, nên người dân, đặc biệt là những người hoạt động trên biển, cần chú ý theo dõi và cập nhật diễn biến mới.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan
Nguồn: https://thanhnien.vn/mien-bac-chua-lanh-bien-dong-sap-don-bao-so-7-185241104222936258.htm