Bên cạnh nhiều ý kiến hoan nghênh chính sách miễn học phí 100% từ mầm non tới hết lớp 12 năm học 2024-2025 của 8 tỉnh thành (tính đến thời điểm hiện tại) là Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, là nhiều câu hỏi của các phụ huynh ở các tỉnh thành này cũng như địa phương khác trong cả nước.
‘Mừng rớt nước mắt’ khi nghe miễn học phí, nhưng nghe nộp tiền các khoản khác lại giật mình
Cụ thể, bạn đọc với tài khoản gadaubac19081962 viết: “Con tôi học lớp 6 thôi, trường công lập ở Khánh Hòa, ấy vậy mà đầu năm học, lớp khác chưa biết nhưng lớp con tôi phải đóng một cục 2 triệu 700 ngàn?”.
Phụ huynh quockhanh14482 cho biết: “Tôi mong thành phố Hải Phòng làm sao ban hành quy định là các khoản thu phụ phí không vượt quá tiền học phí đã được miễn. Chứ điều hòa bàn thu hàng năm thôi đã thấy sai sai rồi”.
Tài khoản ciqoggOX7xGWbQBQVraSnA chia sẻ: “Yên Bái miễn học phí mà thu các khoản linh ta linh tinh từ tiền gas, tiền bàn ghế, tiền máy chiếu, tiền tivi, tiền sinh nhật, đồng phục ngót nghét đã đã hết 3 triệu, chưa kể tiền xã hội hóa hơn 2 triệu nữa là 5 triệu”.
Một tài khoản ax5r… cho biết: “Mừng rớt nước mắt khi nghe tin miễn giảm học phí cho toàn tỉnh, nhưng khi nhận được thông báo nộp tiền mà giật mình luôn. Giảm khoản này lại có thêm khoản khác”.
Một bạn đọc khác tại TP.HCM cho hay con chị học tiểu học công lập tại huyện Bình Chánh, bé không học bán trú “nhưng tháng nào cũng đóng 473.000 đồng hết. Chưa tính lâu lâu tiền này, tiền nọ”.
Phân biệt học phí và các khoản thu khác trong trường học
Vậy vì sao được miễn học phí nhưng có học sinh vẫn cần đóng mỗi tháng vài trăm ngàn đồng tới vài triệu đồng? Thanh Niên Online xin cung cấp một số thông tin tới độc giả:
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tại Nghị định số 81, học phí được định nghĩa: “là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại nghị định này”.
Theo quy định tại khoản 3 điều 99 luật Giáo dục năm 2019, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí. Từ ngày 1.9.2024, trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí, theo quy định tại Khoản 6, Điều 15 Nghị định số 81. Và tới thời điểm này, cả nước đã có 8 tỉnh thành miễn học phí 100% từ mầm non tới hết lớp 12 cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập. Dù được miễn học phí, song các học sinh trong các nhóm đối tượng nêu trên vẫn có thể cần đóng các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ngoài học phí. Bên cạnh đó, học sinh cần đóng tiền mua bảo hiểm y tế (bắt buộc, trừ những đối tượng được miễn được quy định cụ thể).
Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ngoài học phí được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo quy định. Sở Giáo dục – Đào tạo mỗi tỉnh thành sẽ ban hành công văn hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác; thực hiện chế độ miễn học phí, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập trong năm học cho các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn.
Ví dụ tại TP.HCM, đầu năm học 2024-2025, Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM có văn bản 5307 hướng dẫn về nội dung trên. Văn bản hướng dẫn về mức thu, hướng dẫn sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập; hướng dẫn các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND và các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác.
Ví dụ như ở bậc tiểu học TP.HCM, Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM có hướng dẫn các nội dung thu theo phụ lục đính kèm Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND như dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú; dịch vụ phục vụ ăn sáng; dịch vụ khám sức khỏe ban đầu (bao gồm nha học đường); dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh (tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh, chi phí thuê máy lạnh nếu có); dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số… Bên cạnh đó, còn là các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác (như tiền tổ chức tăng cường môn ngoại ngữ; tiền tổ chức hoạt động giáo dục công dân số; tiền tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và chương trình nhà trường…); các khoản thu cho cá nhân học sinh như tiền suất ăn trưa, tiền mua sắm đồng phục; tiền học phẩm…Tùy vào loại hình dịch vụ phụ huynh học sinh đăng ký, mà số tiền đóng mỗi tháng sẽ khác nhau.
Phải công khai các khoản thu
Theo quy định, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện công khai về cam kết đầy đủ chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện cơ sở vật chất và mức thu học phí, các khoản thu khác, phương thức và thời gian thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT ngày 19.7.2024 của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định về thực hiện công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15.6.2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán, ngân sách nhà nước hỗ trợ; Thông tư 90/2018/TT-BTC ngày 28.9.2018 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 61/2017/TT-BTC ngày 15.6.2017 của Bộ Tài chính.
Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên; bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng học sinh, sinh viên, không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền và đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mien-hoc-phi-100-ma-sao-con-toi-phai-dong-hon-2-trieu-dong-185241031101511122.htm