Nếu xem hình xăm là một món phụ kiện thời trang, đó có thể là item khó đưa ra quyết định nhất. Sẽ có ti tỉ băn khoăn trong đầu người đang ấp ủ một hình xăm. Nhưng cũng có thể sẽ chẳng chút chần chừ khi người ta lỡ dành cảm tình cho một nét vẽ mà mình chợt nhìn thấy. Chuyện người đi xăm vốn đã cần nhiều can đảm và tình yêu như thế mới có kết quả. Vậy những người họa sĩ đặc biệt này cần đến bao nhiêu dũng cảm và đam mê để theo đuổi hành trình của mình?
Neyutattooist (Neyu – Bích Uyên) là một tattoo artist nổi bật trong ngành với phong cách xăm màu dễ thương, dễ nhớ. Trang cá nhân hơn 22K lượt theo dõi của cô thợ xăm 27 tuổi không chỉ được yêu thích bởi thế giới màu sắc đẹp đẽ, mà còn truyền cảm hứng cho người xem nhờ một lifestyle “chilling” lý tưởng.
“A day with Neyutattooist” – một video mô tả ngắn gọn công việc và phong cách của Neyu.

Không có gì đáng tự hào về chuyện bỏ học cả!
Nếu không lầm bạn đã làm công việc này đến năm thứ 6, Neyu có thể chia sẻ về background của mình trước khi theo đuổi con đường này không?
– Ngày xưa mình học ở Đại học Kiến Trúc, thời còn là sinh viên mình có làm việc ở 2 công ty thiết kế trước khi chuyển qua học xăm. Chuyện là, khi đi làm mình mới nhận ra một quy luật: Nếu muốn làm ở những nơi thật “bảnh” mình phải chấp nhận lương tháng chỉ đủ đổ xăng. Ngược lại nếu muốn lương cao mình phải chấp nhận làm việc ở nơi tác phẩm của mình làm ra – chính mình cũng không muốn nhìn lại. Điều đó làm mình nghĩ ngợi và chọn dừng lại nơi không cho mình cảm giác được làm cái đẹp.
Mình học xăm như một lối thoát, giống như nhiều người gap year sẽ tìm thứ gì đó để làm, để không bị mắc kẹt tại chỗ. Nhưng đến giờ mình vẫn rất yêu kiến trúc, nếu khá giả mình nghĩ mình sẽ chơi tới cùng với đam mê đó luôn!
Lúc ban đầu điều gì đã thôi thúc bạn theo nghề này, khi đưa ra quyết định có khó khăn và phải đấu tranh nhiều không? Thậm chí sẽ có nhiều người nghĩ nghề xăm chỉ là nghề tay trái, không thể đi đường dài.
– Không biết vì sao khi ấy mình có một niềm tin rất lớn rằng nghề xăm dễ kiếm tiền. Một phần là vì thu nhập, phần còn lại mình nghĩ xăm rất dễ với người học kiến trúc như mình. Trong một dự án làm nhà, việc ngồi nói chuyện với khách – ra phương án – bàn bạc các thứ rồi… gạch bỏ làm lại, thì hình xăm so ra chỉ như một cái chấm bé xíu trong ngành ấy thôi.
Thời điểm mình bắt đầu theo nghề là năm 2019, ngành xăm khi đó chưa nhiều người có style. Mình đã nhìn ra nếu có style cá nhân thì sẽ rất dễ nổi bật trong ngành này. May mắn gặp được người thầy của mình ở Tattoonista, anh ấy là người có kỹ thuật lẫn cách làm truyền thông rất giỏi, mình vừa được học lại được mọi người biết tới nhờ đó.
Đúng là ban đầu mình dự định chỉ học xăm 1 năm để dùng nó như nghề tay trái thôi – lấy tiền từ đây theo đuổi lại nghề kiến trúc. Nhưng đó mãi chỉ là kế hoạch. Mình đã không nghĩ xa được rằng: Một khi đã kiếm được tiền thì rất khó có thể quay lại. Tới giờ mình vẫn hối hận vì ngày đó đã bỏ học, chưa bao giờ ngưng hối hận. Không có gì tự hào với chuyện bỏ học cả!

Gia đình bạn phản ứng với việc con gái làm thợ xăm ra sao?
– Lúc đầu, mẹ là người cho tiền mình đi học xăm, cả 2 mẹ con đều giấu ba. Đến một ngày về quê, ba là người chủ động hỏi mình muốn nghỉ học rồi đúng không? Ba khuyên, dù làm gì thì cũng nên tập trung làm một thứ thôi, như vậy mới lên được đỉnh của nghề nghiệp đó, theo đuổi cả 2 rồi sẽ không đi được đến đâu cả. Mình đã rất bất ngờ khi ba ứng xử như thế.
Khi mình tâm sự rằng đang muốn dừng lại nhưng cũng sợ sẽ tiếc nuối, ba có khuyên tiếp: “Tất cả những gì con đã được học, kiến thức của con, những mối quan hệ của con – đó là những gì con thực sự có trong tay. Chỉ thiếu duy nhất tờ giấy công nhận”. Khi đã có được sự đồng hành của phụ huynh rồi trong lòng mình vẫn có một nỗi lo riêng về việc nghỉ học. Bởi, trong giới này vẫn chưa thực sự có một ví dụ điển hình nào cho sự thành công.
Tận bây giờ mình vẫn trăn trở rằng, nếu muốn phát triển trong ngành xăm này mình phải có kiến thức. Mình nghĩ kể cả việc mình có hôm nay cũng nhờ những kiến thức mình từng được học ở trường Kiến Trúc, hoàn toàn không có gì vô bổ cả. Giờ đây, mỗi lúc bị stuck, không vẽ được mình lại hay đổ lỗi cho việc ngày xưa mình bỏ học. Biết đâu đã bỏ lỡ một môn học nào đó thì sao? Giống ca sĩ Miu Lê cũng hay nói ấy, có khi không viết được nhạc là do bỏ học. (cười)


Liệu cách nhìn nhận của mọi người có khác nhau không khi đối diện với 1 tattoo artist “so cute so cool” và 1 thợ xăm “truyền thống” mà người ta vẫn thường mặc định trong đầu?
– Khác nhiều đấy, nhưng theo mình, cách ba mẹ hành xử với chúng ta sẽ quyết định cách người ngoài hành xử với chúng ta. Nếu ba mẹ mình tự hào với công việc mình làm thì những người xung quanh thật ra họ cũng không chú ý lắm đâu. Ngày trước mình từng có lần dẫn 10 mấy bạn ở tiệm xăm về quê chơi, có những người xăm còn “dữ dội” hơn mình nữa nhưng người nhà vẫn vui vẻ nấu ăn chiêu đãi rất bình thường. Quan trọng là khi tiếp xúc họ sẽ nhận ra con người nhau xinh đẹp ngoan hiền ra sao chứ hình xăm không nói lên điều gì.
Hơn nữa, người lớn cũng sẽ quan sát quá trình mình lớn lên. Ngày nhỏ mình cũng học trường chuyên lớp chọn nên họ cho rằng mình làm nghề này vì sở thích thôi chứ không liên quan gì đến đạo đức cả.
Thế giới màu sắc – của một người – cho mọi người
Phong cách bút chì màu của bạn có vẻ được ưa chuộng bởi phái nữ nhiều hơn? Có tên gọi chính xác cho phong cách này không? Bạn đã đến với nó như thế nào?
– Đúng là khách của mình đa phần là nữ. Lúc ban đầu mình từng tìm kiếm nhiều phong cách, nhằm để cho hình xăm của mình in sâu vào trí nhớ của người xem. Nói trắng ra, cũng chỉ để cho mình nổi tiếng hơn thôi – nổi tiếng theo công thức, vì mình không có năng khiếu để làm cho mình nổi tiếng lắm! Và mình nhận ra màu sắc là cách dễ “ghim” vào đầu người ta nhất, giống như câu chuyện của Coca Cola với 2 màu đỏ và trắng vậy. Vậy nên Neyu cũng có một bảng màu riêng cho mình.
Thời gian mình mới bắt đầu theo nghề cũng là mùa dịch, Pantone công bố màu của năm là Classic Blue – màu xanh của sự bình tĩnh. Mình đã bắt đầu từ màu sắc ấy, rồi tiếp tục mở rộng ra các màu khác theo kiến thức về phối màu. Lúc ban đầu, tất cả mình đều tự test trên bản thân, bởi nếu tác phẩm lên da người khác về sau nhìn lại mình sẽ rất “quê”, rất hối hận.
Phong cách nghệ thuật sẽ thường phản ánh nội tâm của 1 người. Từ phong cách xăm đến không gian làm việc và nhà ở của Neyu đều ngập tràn màu sắc. Vậy suy ra Neyu có vẻ là người hướng ngoại? Ngoài vẽ bạn còn yêu thích môn nghệ thuật nào khác không?
– Hướng ngoại nửa mùa. Mình cần ở bên những người xung quanh để được nạp lại năng lượng. Mình thích trò chuyện, thích tìm hiểu, khám phá công việc của người khác. Mình học tiếng Anh cũng là để tám chuyện với khách nước ngoài đó. Một người hướng ngoại nửa mùa như mình mỗi ngày được gặp khách và 1 bạn đi cùng với họ, 3 người tụ lại nói chuyện là đủ vui.
Mình chỉ thích vẽ và giỏi vẽ thôi. Các môn nghệ thuật khác như ca hát, nhảy múa mình không có khiếu. Văn chương chữ nghĩa lại càng không, mỗi lần viết status đều ngắn gọn không phải do mình sâu sắc đâu, là do không viết được nhiều chữ. (cười)
Neyu dường như còn rất đam mê với đồ nội thất, đồ thủ công, cây cảnh. Bạn gọi ngôi nhà của mình là Lego rồi liên tục bày trí, những điều đó đơn giản chỉ là thú vui hay có ý nghĩa sâu sắc với đời sống tinh thần của 1 người làm sáng tạo?
– Mình giống ba, từ nhỏ đã thích xây nhà, xây cửa. Nếu như các bạn bây giờ có sở thích chơi blind box thì mình thích máy khoan, búa, đục, kềm… Lâu lâu đi thrift shop mà tìm được những món đồ đúng màu, đúng hoạ tiết mình sẽ vui như người ta khui được secret. Với người khác đồ nội thất là để sử dụng nhưng với mình nó là đồ chơi, đồ trang trí của mình, y hệt cách người ta chơi art toy vậy.
Nếu một buổi sáng thức dậy cảm thấy mình rảnh quá, như người khác sẽ thích chơi game thì mình thích lật tung căn nhà lên xếp lại từ đầu. Nếu trong nhà có một đứa trẻ, mình cũng sẽ thích chúng chơi như vậy vì đỡ phải tiếp cận với đồ công nghệ quá nhiều, dễ bị mất tập trung. Làm việc với sơn, với gỗ… bàn tay bẩn cũng là cách để mình hạn chế động đến điện thoại.
Bạn là một thợ xăm full-time hay có đang theo đuổi công việc nào khác không? Neyu có ý định 1 ngày sẽ lấn sân sang các mô hình kinh doanh khác như mở quán cafe, matcha hay workshop làm gốm, vẽ tranh… các trải nghiệm đang rất hot của giới trẻ?
– Hiện tại mình là một thợ xăm full-time. Mình có quá nhiều ước mơ nhưng chưa đủ khả năng để làm. Trước kia mình có khao khát phải kiếm được nhiều tiền để quay lại làm ngành kiến trúc. Cách đây 1 năm mình mới nhận ra, nếu cứ mảy may với suy nghĩ đó mình lại không làm nghề xăm hiệu quả, không vẽ được nhiều, nên bây giờ mình chỉ tập trung vào công việc này thôi.
Còn chuyện kinh doanh đúng là có từng nghĩ đến. Nhưng khi quan sát những người tài giỏi xung quanh và cả các thần tượng của mình, mình đặt câu hỏi: Tại sao mình lại thích họ? Câu trả lời chính là vì họ rất tập trung vào điều duy nhất họ đam mê. Đó là kiểu người mà mình muốn trở thành.
Bàn một chút về chuyện: 1 hình xăm có ý nghĩa và 1 hình xăm “vô tri” chỉ có giá trị như món phụ kiện thể hiện cá tính. Bạn có thường trò chuyện với khách hàng của mình về điều này không? Quan điểm của Neyu như thế nào?
– Mình thích kiểu người ngẫu hứng, sáng ngủ dậy muốn xăm quá là đi xăm thôi. Đó là gu của mình. Việc sáng thức dậy muốn đi xăm, theo mình chắc chắn phải có ý nghĩa họ mới làm vậy, nhưng phong cách của mình là không được để ý nghĩa lộ ra quá nhiều – mình sẽ tư vấn cho khách như thế.
Ví dụ như ý tưởng xăm năm sinh của các thành viên trong gia đình. Mình thích idea lấy 2 số cuối của năm và xăm rải rác trên người chứ không phải gom tất cả vào 1 chỗ để người khác nhìn vào là biết ngay. Những thứ tưởng là vô tri đó mỗi lúc hiện ra mỗi chỗ sẽ trở thành những câu chuyện khác nhau tuỳ vào câu trả lời của bạn. Giống như xem một bộ phim mà mọi thứ lồ lộ, cái gì diễn viên cũng nói ra thì nổi da gà chết đi được.
Đa phần những người như mình nói họ thường chọn đi xăm một cách bộc phát. Trái lại những ai tính toán quá kỹ lưỡng, đôi khi lại là người dễ hối hận hơn – không về màu sắc thì cũng về bố cục hay ý nghĩa, bởi vì họ đã đặt hy vọng vào đó quá nhiều.
Mặt khác, với những người khách đến mà chưa thật sự chắc chắn, mình phải có trách nhiệm cho lời khuyên. Mình sẽ không chấp nhận mọi idea vì cần xem xét thứ mình làm ra có phải điều tốt nhất cho họ hay không?
Những khi đó mình phải bỏ đồng tiền xuống một chút và quan tâm đến chuyện sản phẩm làm ra phải được bền vững. Đó cũng là điều mình trăn trở, bởi vì hình xăm không giống như quần áo, lỗi mốt thì vứt. Ngày xưa mình đã từng trải qua giai đoạn cố chấp làm mọi thứ chỉ vì tiền. Rất khó để vượt qua chuyện đó.

Giữa 1 khách hàng đang mông lung chưa định hình được thứ muốn và 1 khách hàng muốn làm mới lại hình xăm cũ với 1001 yêu cầu thì với bạn cái nào khó hơn?
– Những người có quá nhiều yêu cầu thường là người không biết mình thực sự muốn gì, nên đó là người khó hơn. Có khi lúc ấy họ cũng chưa cần một hình xăm nữa. Nhưng với người muốn có một hình xăm mà chưa có ý tưởng gì cả, mình có thể cho họ gợi ý. Chỉ cần họ muốn, họ sẽ “chơi” hết. Khi đó sẽ dễ để người ta sở hữu một hình xăm đẹp hơn.
Khi xem những video, hình ảnh mà bạn chia sẻ dễ dàng cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, chữa lành trong đó. Neyu là người thuộc tuýp YOLO hay sẽ kỷ luật với bản thân và theo đuổi lối sống healthy?
– Mình là người nguyên tắc nhưng không để cho người khác biết mình nguyên tắc. Mình cũng là một người khá siêng năng và một người siêng năng thì không thể không có nguyên tắc. Vài năm trước khi còn trẻ, khoẻ mình cũng YOLO lắm, nhưng về sau sức khoẻ không đảm bảo nữa. Giờ nghĩ lại thấy không nên như vậy chút nào. Bây giờ mình sống khá healthy, ăn uống phải đúng giờ giấc.
Mình đã bắt đầu thay đổi từ một ngày đó thức giấc và không thể ngồi dậy được trong 1-2 ngày, bị ảnh hưởng đến công việc, giờ giấc đã hẹn với khách. Chuyện dời lịch là chuyện rất tệ. Khách hàng của mình đặc biệt mà, đôi khi họ đến là đã sắp xếp đâu vào đó phù hợp với tâm trạng cả rồi.


Một ngày điển hình của Neyu sẽ bắt đầu như thế nào?
– Một ngày yêu thích của mình là buổi sáng thức dậy lúc 8h. Trước đến nay mình không đặt báo thức chỉ đặt đồng hồ báo ngủ thôi – luôn đi ngủ trước 11h đêm. Buổi sáng uống cafe cũng phải đúng khung giờ, mình quan trọng trà và cafe ngon, nói không với trà sữa. 10h sáng sẽ bắt đầu làm việc, không có khách cũng phải làm một cái gì đó. Nếu không sẽ lại lướt MXH, dễ dẫn đến những vấn đề tiêu cực không nên.
Trong ngày mình sẽ có 2 khách vào lúc 10h sáng và 1 giờ chiều. Có thêm khách thứ 3 thì vẫn okay nhưng mình vẫn muốn dời đến ngày hôm sau vì hình đều là hình tự thiết kế, mình nên làm vậy để đảm bảo chất lượng.
Buổi tối tan làm lúc 5h chiều mình sẽ nấu cơm nhà. Rất thích nấu, dù không ăn, ai ăn cũng được, mình vẫn nấu. Nấu ăn cũng là cách để mình tập trung. Xong xuôi lại ngồi vô tiếp tục vẽ. Thế là hết ngày.

Vẫn là câu hỏi muôn thuở – khi bí ý tưởng và không thể vẽ được gì, bạn sẽ làm gì?
– Khi bí mình sẽ trồng cây hoặc đi gặp một ai đó. Hồi trước mình sợ cảm giác bí nhưng bây giờ đỡ sợ rồi. Cứ để đó. Đi ăn uống, đi dạo với bạn bè. Hoặc nếu stuck lâu ngày quá thì mình đi du lịch. Nhưng quan trọng nhất là phải bình tĩnh. Mình vẫn đang tập để làm 1 người bình tĩnh đây.
Sự lo lắng thái quá của mình một phần cũng do ngành xăm đang chuyển biến rất nhanh. Giờ đây khi tìm kiếm trên TikTok sẽ ra hàng tá kết quả, các thợ xăm với đủ phong cách khác nhau.
Điều gì khiến bạn áp lực đến mức ấy? Tiền bạc, sự nổi tiếng hay đam mê giỏi nghề?
– Tất cả. Vì muốn có tất cả nên rất khó. Nếu chỉ vì tiền mình đã bất chấp làm việc – không ngày nghỉ, không từ chối khách. Nhưng áp lực nằm ở chỗ mình vừa muốn nổi tiếng hơn theo cách thật “nghệ”, vừa muốn kiếm nhiều tiền. Đó là thứ khiến mình trăn trở.
Vậy nếu sau này không còn là Neyutattooist bạn sẽ là ai? Bạn có tưởng tượng nơi làm việc của mình trông ra sao chưa?
– Là thợ mộc! Bây giờ mình nghĩ sau này mình có thể sẽ làm thiết kế nội thất, làm đồ gỗ vì rất mê đồ gỗ. Mình có hình dung đó sẽ là một mặt bằng thật rộng, xung quanh trống trơn chỉ có một vài sản phẩm đặt ở giữa. Nhưng ước mơ đó chắc còn cần rất nhiều tiền để làm được.
Bạn thường lấy chất liệu sáng tác mới từ đâu?
– Lúc trước thường là từ chuyện tình yêu. Mình nghĩ đó là cách dễ nhất của những người làm sáng tạo. Còn bây giờ chất liệu sáng tác của mình là những thứ xung quanh mình, những mẩu chuyện nho nhỏ.


Một bộ flash gần đây của mình có sử dụng hình ảnh chiếc ghế. Khi đó chỉ đơn giản vì mình nghĩ mình đang cần nghỉ ngơi – nên mình vẽ cái ghế. Với mỗi khách hàng sẽ lại có một kỷ niệm riêng với những cái ghế trong đời họ. Một cái hàng rào, một chiếc ban công cũng có thể từng là dấu ấn sâu sắc với ai đó. Hay khi mình đang cảm thấy bất an và mong cầu một chỗ bình yên, mình sẽ vẽ ngôi nhà, nó tượng trưng cho cảm giác được chở che.
Nói vậy các tác phẩm của Neyu thường hướng đến sự tích cực, bạn có làm kỉ niệm cho sự tiêu cực không?
– Mình có xu hướng chuyển hoá tiêu cực thành tích cực. Một khung hình có thể có cảm giác buồn nhưng trong ấy vẫn phải có thứ tượng trưng cho giải pháp – giống như chiếc ghế mình vừa kể. Mong cầu điều tích cực sẽ đến sau tiêu cực chính là tinh thần trong sản phẩm của mình.
Thần tượng trong lĩnh vực sáng tạo – người có ảnh hưởng lớn nhất đến gu thẩm mỹ của bạn đến ngày hôm nay là (những) ai? Một người nổi tiếng có hình xăm mà bạn yêu thích?
– Mỗi thời điểm mình có 1 thần tượng khác nhau, nhưng người làm mình nghĩ đến đầu tiên là DJ người Hàn Peggy Gou. Cách chị ấy sống, cách chị ấy làm việc đã truyền cảm hứng cho mình. Peggy Gou cũng là người nằm trong top người nổi tiếng có hình xăm đẹp trong mắt Neyu. Xăm rất nhiều nhưng rất đẹp.
DJ Peggy Gou có phần nào truyền cảm hứng cho phong cách cá nhân và thời trang của Neyu hiện tại không?
– Có chứ. Mình học Peggy Gou cách chị ấy thể hiện cá tính ra bên ngoài rất rõ. Mình là một thợ xăm nhưng muốn người khác nhớ đến mình vì cá tính hơn là một người chỉ có khả năng tạo ra hình xăm. Có những follower nói rằng họ theo dõi mình không để đi xăm mà chỉ vì thấy mình vui vẻ, mình truyền cảm hứng tích cực được cho họ. Peggy Gou cũng là người lan toả năng lượng như thế cho mình.
Tủ đồ của bạn liệu có rực rỡ sắc màu như những tác phẩm của bạn?
– Không bao giờ! Đồ dùng trong nhà của mình thì có. Mình có 1 quan điểm về việc sử dụng quần áo là càng ít càng tốt. Đồ của mình phải có tính ứng dụng cao, một cái bikini có thể tận dụng phối được với 1 cái quần dài càng hay. Và quan trọng hơn hết là giảm thiểu rác thải ra môi trường quá nhiều.
Mình hay có thắc mắc về việc các sản phẩm thời trang nhanh sẽ được phân huỷ như thế nào? Việc thải rác trong mắt mình có hơi thiếu nhân đạo với động vật vì mình cũng là người yêu chó mèo, nên mình sẽ chọn là người hạn chế có nhiều quần áo.
Trong chuyện làm nghề, mình cũng khá quan trọng việc style ăn mặc của khách ra sao để chọn được vị trí hình xăm cho phù hợp. Nếu khách là người có thói quen đeo vòng tay bên phải mình sẽ quan sát để tránh vị trí này. Cho nên sẽ không có chuyện khách đến và yêu cầu là mình sẽ xăm ngay. Đó là trách nhiệm tư vấn cần phải có.
Cảm ơn Neyutattooist về những chia sẻ chân thành này!
Nguồn: https://kenh14.vn/nap-full-nang-luong-hay-ho-cua-tattoo-artist-neyu-minh-hoc-xam-nhu-mot-loi-thoat-de-khong-bi-mac-ket-tai-cho-215250326195054555.chn