Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gợi trong tôi nhiều suy ngẫm.
Trong đó, với tư cách là một chuyên gia người Việt ở nước ngoài, tôi chú ý đến việc Tổng Bí thư đề nghị triển khai các giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu, thu hút nhân tài công nghệ là người Việt và người nước ngoài tới làm việc.
“Các thủ tục liên quan đến vấn đề này phải thực sự thông thoáng hơn nữa, thậm chí phải có tính cạnh tranh cao so với các nước khác mới thu hút được”, Tổng Bí thư nói.
Từ câu chuyện của bản thân và các chuyên gia người Việt khác ở nước ngoài, tôi nhận thấy rất nhiều người có tấm lòng hướng về quê hương, muốn trở về để đóng góp, nhưng nhiều năm nay vẫn còn trăn trở không dễ quyết định .
Các chuyên gia người Việt làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp thế giới, tập trung ở các nước phát triển, có đặc điểm chung là công việc ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp và thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình. Vì vậy, sự trở về không phải là một quyết định dễ dàng.
Đầu tiên là lo lắng về tài chính. Ví dụ với một chuyên gia mà tôi biết, các con của anh ăn học tại Anh, chi phí đắt đỏ. Trở về Việt Nam, anh băn khoăn liệu đồng lương có đủ chu cấp cho các con hàng tháng, hay là anh phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, phải bán đi những bất động sản để lo cho các cháu.
Tiền lương là suy nghĩ đầu tiên, nhưng thực lòng, đó không phải là lý do chính của nhiều chuyên gia. Sự khác biệt trong văn hóa làm việc và tính cách cá nhân là nỗi lo lớn hơn: khó hòa nhập.
Môi trường khoa học công nghệ ở các nước phát triển, nơi nhiều chuyên gia người Việt đang làm việc, minh bạch và hiệu quả luôn được đề cao. Những ý tưởng sáng tạo luôn được chào đón và được triển khai “thỏa chí tang bồng.”
Vì vậy, nhiều chuyên gia có chung lo ngại rằng môi trường làm việc ở Việt Nam có các điểm nghẽn cho năng suất, bởi những vấn đề không thuộc về chuyên môn, điều kiện và thiết bị nghiên cứu không đảm bảo, sự cầu thị của lãnh đạo, hay những gò bó và bất cập của cơ chế.
Nhiều chuyên gia phân vân liệu mình có thể chịu trách nhiệm, tự quyết cho những vấn đề lớn, có cơ hội cạnh tranh và thăng tiến, phát huy hết khả năng hay không, hay bị lẻ loi vì không có các mối quan hệ như những người khác. Đôi khi, những quyết định quan trọng có thể được quyết trong các cuộc họp ngoài chuyên môn.
Không chỉ vậy, môi trường sống với khói bụi, rác, ô nhiễm không khí, kẹt xe, ngập lụt và tiếng ồn cũng là những vấn đề gây phân tâm. Hình ảnh về dòng xe cộ đông nghẹt, những con đường ngập sau mưa, chất lượng không khí thuộc hàng xấu nhất thế giới, những ca sĩ karaoke nghiệp dư nhiệt tình hát tận giữa đêm, những tiếng còi inh ỏi… khiến nhiều người tự hỏi liệu mình có đủ bình thản đối mặt mỗi ngày.
Một rào cản lớn khác là công việc bận rộn hiện tại. Dòng chảy công việc liên tục khiến một số chuyên gia khó dứt ra để cân nhắc nghiêm túc về việc trở về, hay đơn giản là không còn đủ thời gian để tìm hiểu các cơ hội tại Việt Nam. Với các chuyên gia có tài, thì các hãng luôn đưa ra đãi ngộ đủ để họ gắn bó với công việc. Ý định trở về, vì thế, không hề dễ dàng.
Nỗi lo lớn khác với nhiều chuyên gia khi trở về, là liệu có phải thay đổi tính cách để thích nghi với môi trường làm việc trong nước. Liệu mình sẽ thỏa hiệp, bị cuốn vào những tiêu cực, hay cảm thấy bế tắc khi chứng kiến những bất công. Điều này có thể làm mất đi động lực làm việc.
Các chuyên gia luôn tâm niệm làm việc vì đam mê, và vì kết quả cao nhất cho đội nhóm hơn là thành tích cá nhân, nhưng sự ghi nhận công lao đóng góp cũng là một ý nghĩ lăn tăn. Một chuyên gia đã trải qua kinh nghiệm xấu, khi các đóng góp của anh ở vai trò trưởng nhóm dự án ở một tỉnh miền núi đã bị một thành viên trong nhóm “cầm nhầm” để nhận giải thưởng danh giá. Sau 8 năm đóng góp cho một hội chuyên gia, anh nhận được giấy khen ghi nhận cho các đóng góp của mình, đó cũng là lúc sự tham gia của anh với hội thưa dần.
Những người làm chuyên môn sẽ đứng trước phân vân, liệu các giá trị mà họ coi trọng như tính trách nhiệm, hiệu quả, minh bạch, thói quen luôn thúc đẩy cải tiến và đổi mới có được ủng hộ, hay khiến họ bị xem là “dị biệt”. Các ý kiến đóng góp thẳng thắn, và xây dựng với mục đích tối thượng là mang lại giá trị tối ưu cho sự phát triển của đất nước, đôi khi phật ý người khác. Chính vì thế họ có thể là “cái gai”, ảnh hưởng lợi ích riêng một số người.
Gia đình cũng tạo nên áp lực khiến đường về thêm xa. Tám năm trước, một chuyên gia người Việt nhận tin bố nhập viện, mẹ anh lại bị tai nạn giao thông. Lúc đó anh cũng có chuyến công tác để thực hiện một số dự án tại Việt Nam. Với anh, đây là cơ hội vừa để góp sức nhỏ bé đồng thời thăm bố mẹ.
Nhưng vợ của anh không đồng ý. Cô ấy yêu cầu anh dời chuyến đi hai tháng, vào dịp các con nghỉ hè để cùng thăm ông bà nội/ngoại và cho các cháu du lịch. Anh hiểu mong muốn chính đáng của cô ấy, nhưng kế hoạch công tác công ty đưa ra không thể thay đổi, vì liên quan đến lịch trình của nhiều người. Chuyến công tác ngắn ngày, trở thành chủ đề cãi vã giữa hai vợ chồng, để rồi thậm chí người vợ đe dọa rằng nếu chồng không đổi ý, cô ấy sẽ ly hôn.
Dù có những băn khoăn nêu trên, tôi tin tưởng rằng luôn có những lý do mạnh mẽ sâu thẳm trong lòng thôi thúc các chuyên gia người Việt trở về. Một trong những động lực lớn là khát khao cống hiến.
Thực tế, dù ở xa, nhiều chuyên gia vẫn luôn tìm cách đóng góp cho quê hương bằng nhiều cách. Đơn cử như tôi và một nhóm các chuyên gia đã tham gia đóng góp thông qua những “gợi ý chính sách” được gửi về mỗi tuần. Chúng tôi tham gia góp ý cho các văn kiện quan trọng, các chiến lược quốc gia, tư vấn cho các dự án tỉnh thành, viết bài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tổ chức và tham dự các hội nghị, hội thảo, tham gia nhóm phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh (Covid-19 Task-Force).
Hơn ai hết, các chuyên gia hiểu rằng đóng góp từ xa vẫn chưa đủ để trả ơn quê hương đất nước. Nhiều người muốn trở về để trực tiếp bắt tay vào công việc, tận mắt trải nghiệm những ý tưởng của mình được thực hiện. Họ muốn góp sức trong các dự án lớn tạo tiếng vang, giải quyết những vấn đề nhiều thử thách, giúp Việt Nam vươn cao đến các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, thông qua các góp ý về chính sách với cách tiếp cận lấy người dân làm trọng tâm, họ muốn giúp đỡ nhân dân, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, quan tâm môi trường, phát triển bền vững.
Và còn có những lý do mạnh mẽ khác thôi thúc họ trở về, chẳng hạn như được sống gần và nhìn thấy nụ cười của cha mẹ mỗi ngày, cảm nhận sự kết nối của tình thân.
Trở về để thưởng thức bữa cơm gia đình với những món ăn chay giản dị, và gặp gỡ người thân, thầy cô, bạn bè – những người đã cùng mình trải qua những kỷ niệm một thời.
Họ còn mong muốn trở về để nói và nghe Tiếng Việt thân thương – ngôn ngữ mẹ đẻ mà họ luôn tự hào, ngôn ngữ của những lời hát ru thấm vào tâm hồn từ thuở nằm nôi, của những câu ca dao, tục ngữ ông bà đọc cho mỗi ngày hồi bé.
Quê hương là nơi chúng ta lưu giữ những ký ức đẹp. Ai đi xa cũng nhớ từng con đường, góc phố, mùi hương đất sau trận mưa rào, những tiếng gà gáy sáng, hoàng hôn thanh bình trên cánh đồng lúa của thời thơ ấu.
Những điều đó thôi thúc việc trở về. Nhưng phải chăng vẫn cần một sự thúc đẩy đủ lớn, một động lực mạnh mẽ để giúp nhiều chuyên gia bước qua “vùng an toàn”, những do dự, và rào cản.
Sự trở về là hành trình tìm lại chính mình. Dẫu con đường ấy có thể không bằng phẳng, nhưng tôi tin rằng với một môi trường mở hơn, những hỗ trợ đặc biệt trong thời gian đầu giúp nhanh thích nghi, sự chào đón của cơ quan và đồng nghiệp, sự nhiệt tâm của tổ chức để cùng phát triển, cùng những thay đổi tích cực trong môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu và đời sống xã hội, các chuyên gia người Việt xa xứ sẽ thêm động lực trở về.
Tôi tin rằng rất nhiều người Việt xa xứ khác có cùng các trăn trở và suy nghĩ như trên. Tôi cũng biết và khâm phục nhiều người có tấm lòng với quê hương, vô tư quyết tâm trở về cống hiến mà không hề đắn đo.
Trở về, chắc chắn các chuyên gia sẽ mang theo tất cả những gì tốt đẹp nhất mà họ đã học, và còn hơn thế nữa, để trao lại cho quê hương.
Trở về không chỉ là vấn đề quyết định cá nhân, mà còn là một trách nhiệm với nơi đã nuôi dưỡng. Dù con đường có thử thách, tôi tin rằng, với lòng quyết tâm và tình cảm gắn bó quê hương, ngày một nhiều những người con đất Việt sẽ trở về phụng sự đất nước.
Trở lại với bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, khi đề cập đến việc Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng, Tổng Bí thư nói: “Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều”.
Khi “mọi thứ sẽ thuận hơn”, tiếng gọi trở về sẽ thôi thúc hơn.
Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/moi-goi-chuyen-gia-viet-kieu-rao-can-va-su-san-long-20250116232428767.htm