Saudi Arabia không che giấu sự quan ngại về việc Iran có khả năng theo đuổi vũ khí hạt nhân, dù Riyadh thừa nhận là khá mơ hồ. Nhận định của Saudi Arabia được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của Tehran-vốn từ lâu được coi là lực lượng răn đe trước các cuộc tấn công của Israel-bị suy yếu đáng kể. Saudi Arabia hy vọng tận dụng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump để tạo cầu nối ngoại giao giữa Iran với Nhà trắng.
Hiện chưa rõ liệu Saudi Arabia đã đưa ra đề xuất chính thức hay chưa, nhưng động thái này cho thấy Riyadh mong muốn phát huy mối quan hệ được cải thiện với nước “cựu thù” Iran và bảo đảm có một vị trí tại bàn đàm phán cho một thỏa thuận tiềm năng mới. Bộ Ngoại giao Mỹ và Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực động thái của Saudi Arabia về khả năng khôi phục an ninh, ổn định ở nước Cộng hòa Hồi giáo cũng như toàn khu vực.
Giải thích về sự quan ngại của Saudi Arabia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaeis lên tiếng bảo vệ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran, trong bối cảnh Israel và Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch ngăn chặn các chương trình này. Ông Baghaeis nêu rõ, chương trình hạt nhân hòa bình của Tehran được tiến hành trong suốt ba mươi năm qua, dựa trên quyền lợi chính đáng của Iran với tư cách là thành viên Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Israel và Mỹ tỏ rõ quyết tâm ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Iran và tầm ảnh hưởng của nước Cộng hòa Hồi giáo tại Trung Đông. Phát biểu được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio tại Jerusalem. Ông Netanyahu tuyên bố với sự ủng hộ của Mỹ, Israel sẽ “hoàn thành nhiệm vụ” chống Iran. Về phần mình, Bộ trưởng Rubio cáo buộc Tehran là nguyên nhân gây ra bất ổn khu vực. Đáp lại các cáo buộc mà Iran cho là vô căn cứ của Israel, Người phát ngôn Baghaeis chỉ trích lời kêu gọi chống Tehran mà Thủ tướng Israel đưa ra là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang áp đặt các biện pháp cứng rắn nhằm kiềm chế Iran. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vừa công bố kế hoạch siết chặt trừng phạt Tehran, với mục tiêu cắt giảm mạnh sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business, ông Bessent cho biết, Iran hiện xuất khẩu khoảng 1,5-1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày; Washington cam kết sẽ đưa con số này xuống mức 100.000 thùng/ngày, tương đương mức giảm 90%. Đây được xem là sự tiếp nối chính sách cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi Mỹ thành công trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran từ 3 triệu thùng/ngày (năm 2017) xuống còn 400.000 thùng/ngày (năm 2019).
Theo tiết lộ từ báo The National News của UAE, Tổng thống Trump mới ký một thông báo nội bộ, chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ tăng cường các biện pháp gây “áp lực kinh tế tối đa” lên Iran. Ông Bessent cho biết, với kế hoạch này, Iran sẽ gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng. Ngay sau thông báo của Tổng thống Trump, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với ba tàu chở dầu của Iran. Chiến dịch gây sức ép bắt đầu sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký giữa Iran với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) vào tháng 7/2015, và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó. Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích JCPOA là một thỏa thuận một chiều và không đủ sức ngăn cản chương trình hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Mỹ không thể giảm khối lượng xuất khẩu dầu của Iran xuống mức gần bằng 0 mà không nhắm vào các bên trung gian, cũng như những nước mua cuối cùng. Theo dữ liệu của trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế CEIC, sản lượng dầu thô của Iran ghi nhận mức 3,28 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2025. Theo các nhà phân tích, nạn nhân hứng chịu các đòn trừng phạt về kinh tế, không ai khác là gần 90 triệu người dân Iran.
Nguồn: https://nhandan.vn/mong-manh-co-hoi-khoi-phuc-on-dinh-o-iran-post860757.html