Làm việc cho một công ty đan len tại quận Bình Tân, TP HCM suốt hơn 3 năm nhưng thu nhập (không tăng ca) của chị Nguyễn Thị Bé (47 tuổi) vẫn giẫm chân tại chỗ ở mức 5,3 triệu đồng/tháng. Để duy trì cuộc sống gia đình, chị phải cật lực tăng ca và làm thêm việc khác.
Trông chờ vào lương tối thiểu vùng
Theo chị Bé, công ty chị trả lương thời gian, do vậy giữa công nhân (CN) cũ và mới không có sự chênh lệch. Thu nhập của CN làm việc 10 năm cũng giống như CN mới vào là 5,3 triệu đồng. Công ty cũng không tăng lương định kỳ cho CN, chỉ điều chỉnh khi mức lương tối thiểu (LTT) vùng điều chỉnh.
Lương thấp, công ty cũng không có các phúc lợi khác cho người lao động (NLĐ), hằng tháng chỉ có thêm tiền ăn giữa ca 15.000 đồng/suất, được quy thành tiền mặt trả vào lương. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này cũng không đủ để CN đặt mua suất ăn bên ngoài (từ 20.000 – 25.000 đồng/suất). Do vậy, mỗi tháng, CN phải bỏ thêm một khoản bù vào tiền ăn trưa nên tiền lương còn lại chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Cộng với thu nhập của chồng là bảo vệ (5 triệu đồng), tổng thu nhập hằng tháng của gia đình vỏn vẹn 10 triệu đồng. Sau khi trừ tiền trọ, điện, nước (gần 3 triệu đồng) cùng tiền học cho con (từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng), mọi chi tiêu ăn uống, mua sắm, xăng xe, phát sinh khác cho gia đình 3 người gói gọn trong 5 triệu đồng, tiết kiệm kiểu gì cũng thiếu trước hụt sau.
Để cải thiện thu nhập, chị bán thêm nhu yếu phẩm tại phòng trọ. “Tôi đã gần 50 tuổi, nghỉ việc tại công ty thì cũng không biết làm việc gì kiếm sống nên phải ráng bám trụ. Chỉ hy vọng mức lương sẽ sớm được điều chỉnh để cuộc sống gia đình dễ thở hơn” – chị Bé tâm sự.

Người lao động trông ngóng tăng lương thông qua việc điều chỉnh mức LTT vùng để cuộc sống ngày càng được cải thiện. Ảnh: MINH KHẢI
Mong muốn của chị Bé cũng là nguyện vọng của nhiều CN có thu nhập thấp hiện nay. Trong đó có chị Võ Thị Ngọc Đoan, CN Công ty TNHH Sản xuất Thương mại V.T (quận Bình Tân). Làm việc hơn 5 năm nhưng mức lương của chị Đoan chỉ 5 triệu đồng/tháng – xấp xỉ LTT vùng, cộng với các khoản phụ cấp mới được 6 triệu đồng.
Chị phải cật lực tăng ca mới đủ lo cho mẹ già và em trai còn nhỏ. Chị Đoan nói: “Tiền lương thấp trong khi quá nhiều khoản chi tiêu khiến tôi luôn bất an. Tôi không sợ vất vả, chỉ mong thu nhập được cải thiện hoặc doanh nghiệp (DN) có thêm các chính sách hỗ trợ như phụ cấp nhà trọ, tiền ăn ca hoặc hỗ trợ chi phí đi lại để gia đình có cuộc sống ổn định hơn”.
Hà hơi, tiếp sức
Thời gian qua, giá cả thực phẩm, điện, xăng… liên tục tăng khiến chi phí sinh hoạt tại các TP lớn tăng cao, tạo áp lực không nhỏ đến đời sống CN ngoại tỉnh.
Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình), từ năm 2020 đến nay, LTT vùng mới được điều chỉnh 3 lần (vào các năm 2020, 2022, 2024), 2 lần gần nhất, mức điều chỉnh đều giữ ở 6%, hiện mức LTT vùng cao nhất mới chỉ 4,96 triệu đồng/tháng (vùng I). Qua tìm hiểu đời sống NLĐ tại đơn vị, bà Sáu cho biết mức tăng này thực tế không đủ bù trượt giá.
Từ thông tin của NLĐ, bà liệt kê một số khoản chi tiêu bắt buộc của NLĐ như tiền nhà trọ tại khu vực quận Tân Phú dao động từ 2,2-3 triệu đồng/phòng/tháng, nước 17.000 đồng – 20.000 đồng/m3, điện 3.500 – 4.000 đồng/KWh, chưa kể tiền ăn và chi phí phát sinh thì mức LTT vùng hiện tại chỉ vừa đủ các khoản chi bắt buộc dành cho 1 người, trong trường hợp NLĐ đã có gia đình và 2 con thì LTT vùng không đáp ứng được.
Họ buộc phải tìm mọi cách để tăng thu nhập như tăng ca, làm thêm khiến thời gian làm việc thực tế kéo dài kéo theo nhiều hệ lụy. “Theo tôi, việc điều chỉnh LTT vùng trong năm 2025 là cần thiết và mức tăng từ 6%-8% để hài hòa giữa DN và NLĐ. Đồng thời, phải kiểm soát giá cả” – bà Sáu kiến nghị.
Điều chỉnh LTT vùng không chỉ là mong muốn của NLĐ mà còn của cán bộ Công đoàn, thậm chí DN. Tiêu biểu như Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), đơn vị sử dụng trên 35.000 lao động. Dù chưa có thông tin cụ thể về việc điều chỉnh LTT vùng năm 2025 nhưng DN này đã chủ động san sẻ khó khăn với NLĐ, và quyết định tăng lương sớm, với mức 100.000 đồng/người từ ngày 1-1-2025 vào lương cơ bản.
Ban giám đốc công ty cũng cam kết trường hợp Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh LTT vùng trong năm 2025, nếu mức điều chỉnh cao hơn 100.000 đồng thì công ty sẽ bổ sung số tiền chênh lệch vào lương cơ bản cho NLĐ từ thời điểm nghị định này có hiệu lực. Không chỉ vậy, Công ty CP TKG Taekwang Vina còn quyết định tăng lương cơ bản 4%/năm khi NLĐ đến hạn nâng lương năm 2025, trừ một số trường hợp, qua đó góp phần cải thiện thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống.
Sớm đề xuất tăng LTT vùng
Mới đây, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết theo thường lệ, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đề xuất mức tăng LTT vùng vào thời điểm tháng 3 hằng năm, sau khi đánh giá tổng thể tình hình kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, năm 2025, các bộ, ngành đang tập trung cao độ cho việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Do đó, khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, sau khi các cơ quan hoàn thành việc hợp nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chính thức đề xuất mức LTT vùng. Hiện, cơ quan này đã có khảo sát ban đầu về nhu cầu việc làm, thị trường lao động, giá cả hàng hóa…
Nguồn: https://nld.com.vn/mong-muon-chinh-dang-196250217205705845.htm