Người Việt Nam xưa ăn tết kéo dài nhưng quan trọng nhất là ba ngày đầu năm theo thứ tự: Ngày mùng một dành cho việc tỏ lòng biết ơn cha và bên nội; ngày mùng hai dành cho mẹ và bên ngoại; ngày mùng ba dành cho những người đã dạy dỗ mình.
Do đặc trưng của nghề trồng lúa nước mà cư dân Đông Nam Á có truyền thống coi trọng phụ nữ. Câu ca dao Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con đã thể hiện khá rõ truyền thống coi trọng phụ nữ này. Cha tuy được nêu ra trước nhưng coi là “công” và so sánh với “núi”. Mẹ tuy được nêu sau nhưng coi là “nghĩa” và so sánh với “nước”. Công thì có thể trả, và núi để lâu sẽ tự mòn dần. Nghĩa thì không thể trả và nước thì càng lâu càng đầy. Vế thứ ba cho thấy sự khác biệt rõ ràng: mẹ thì được “thờ”, cha thì chỉ “kính”.
Còn về thứ tự ưu tiên đối với một bên là những người sinh ra mình và một bên là người dạy dỗ mình thì việc dành tết thầy vào ngày thứ ba là hợp lý. Nhiều người nói phong tục này chịu ảnh hưởng của giáo dục Nho gia nhưng không hẳn đúng. Vì theo thang bậc ưu tiên của xã hội Nho giáo, người thầy chỉ đứng sau vua và trên cha mẹ (Quân – Sư – Phụ) chứ không phải ở vị trí thứ ba.
NHỮNG TẤM GƯƠNG TRỌNG ĐẠO TÔN SƯ
Ở Việt Nam, nhà nho Chu Văn An thời Trần dạy học rất nghiêm khắc, tính tình cương nghị, thẳng thắn. Học trò cụ, kẻ nào làm điều gì chưa đúng đều bị cụ nghiêm khắc trách mắng, thậm chí không cho vào gặp. Nhiều người làm quan to như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm cụ đều phải đứng khoanh tay hầu chuyện thầy. Với tình cảm dân chủ làng xã của văn hóa Việt, cách ứng xử như vậy có thể bị xem là cứng quá. Nhưng người Trung Quốc có câu “Vô quy củ bất thành phương viên”: không nghiêm vào quy củ thì sao nên vuông tròn được. Vì thẳng thắn dâng Thất trảm sớ, không được vua chấp nhận mà cụ treo ấn từ quan về nhà dạy học; nhờ nghiêm khắc dạy học mà cụ đã đào tạo nhiều hiền tài cho đất nước. Các đời sau xem cụ như một người thầy mẫu mực, đứng đầu làng Nho; cụ là người Việt Nam duy nhất được đưa vào thờ trong Văn miếu.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thời Lê Mạc đào tạo nên nhiều học trò nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… dù hiển đạt, làm quan to nhưng vẫn thường xuyên lui tới Am Bạch Vân thăm thầy. Bản thân ông khi nghe tin thầy là Lương Đắc Bằng qua đời cũng đã đi từ Hải Dương đến Thanh Hóa để viếng và chịu tang thầy trong suốt ba năm.
Võ sư Bình Định Đinh Văn Nhưng là thầy dạy võ cho ba anh em nhà Tây Sơn và từng hiến tặng cả đàn ngựa cùng nhiều thóc gạo cho nghĩa quân; nhưng đến khi Nguyễn Nhạc lên làm vua, ngài về quê năn nỉ mời thầy ra nhận tước, ông kiên quyết chối từ và nói nửa đùa nửa thật: “Ông làm vua là vua cả thiên hạ chớ đối với tôi, ông vẫn thuộc hàng cháu con. Con cháu mà ban tước cho ông cha thì không thuận rồi”.
Thời Nguyễn, Phan Thanh Giản là quan nhất phẩm triều đình, song mỗi lúc đi kinh lý qua gần quê thầy học cũ, ông vẫn luôn ghé thăm thầy. Khi võng còn ở cách xa nhà thầy, ông đã bước xuống đi bộ. Vua Hàm Nghi, lãnh tụ phong trào Cần Vương khi bị Pháp bắt giải đi, nhất mực không chịu nhận mình là vua, nhưng khi thấy bóng thầy trong đám đông đứng bên đường, vua liền nghiêng mình kính cẩn cúi chào, chấp nhận để lộ chân tướng hơn là thất lễ với thầy học.
TẾT THẦY CÔ CỐT Ở TẤM LÒNG, NÉT ĐẸP CỦA PHONG TỤC
Trong truyện Người thầy đầu tiên (được đưa trích đoạn vào sách Ngữ văn 7 bộ Kết nối tri thức và Văn 8 bộ Cánh Diều), nhà văn Kyrgyzstan Chinghiz Aitmatov kể lại câu chuyện đầy cảm động của anh thương binh Đuy-sen tuy ít chữ nghĩa nhưng quyết tâm trở về làng mở lớp học. Với tất cả tâm huyết, sự tận tụy và tình thương yêu dành cho các em, thầy Đuy-sen đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của An-tư-nai, từ một cô bé mồ côi bất hạnh trở thành một nữ viện sĩ triết học.
Câu chuyện cũng cho thấy người thầy đã phải dũng cảm vượt qua biết bao thử thách, khó khăn cả về vật chất và tinh thần, chịu đựng sự chế giễu coi thường của mọi người để có thể dạy học thành công mà không màng đến việc trả ơn. Để tỏ lòng biết ơn và góp phần lan tỏa tâm huyết, hiệu quả giáo dục của thầy, và để giúp những người dân ít học hiểu được giá trị của giáo dục, người học trò cũng cần phải có bản lĩnh dũng cảm vượt qua chính mình.
Ngày xưa chưa có ngày Nhà giáo 20.11 và thầy trò hầu như sống trong cùng một làng nên “mùng ba tết thầy” là dịp rất thuận tiện, gần như là duy nhất, để thầy trò, bạn bè có thể dễ dàng gặp gỡ nhau cùng đàm đạo trong không khí lễ hội thân mật, không bị công việc hay thời gian gò bó. Ngày nay, trừ học sinh phổ thông ở các vùng nông thôn vẫn có thể duy trì phong tục “mùng ba tết thầy”, còn sinh viên đại học và cao hơn ở các đô thị với quan hệ xã hội rộng lớn, thời gian lại eo hẹp nên các bạn tranh thủ đến thăm thầy cô trong khoảng một tuần trước tết, để trong mấy ngày tết còn về quê thăm cha mẹ, ông bà. Trong mấy ngày tết, họ sẽ linh hoạt nhắn tin, gọi điện để thăm hỏi và chúc tết thầy cô. Như vậy, những ngày vui của tết trong tâm thức các học trò vẫn có hình ảnh của thầy cô.
Tết thầy cô cốt ở tấm lòng, nét đẹp của phong tục “mùng ba tết thầy” dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn được các thế hệ tiếp tục chung tay gìn giữ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/mung-ba-tet-thay-va-dao-thay-tro-185250106171146134.htm