Tính năng tìm kiếm theo thời gian thực là bước tiến quan trọng cho ChatGPT, vốn trước đây chỉ được huấn luyện trên dữ liệu từ một khoảng thời gian hạn chế.
ChatGPT thành công cụ lý tưởng cho du lịch
Dennis Schaal, cây viết của trang web về du lịch Skift, đã đưa ra yêu cầu tìm kiếm cho ChatGPT.com: “Bạn có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi dọc theo đường Pacific Coast Highway của California không?”.
ChatGPT đã trả lời với lịch trình 5 ngày từ San Francisco đến Santa Barbara, lấy thông tin và liên kết từ các nguồn như Californiacrossings.com, National Geographic, California.com, Travel + Leisure, và nhiều nguồn khác.
“ChatGPT hiện có thể tìm kiếm trên web theo cách tốt hơn nhiều so với trước đây. Ta có thể nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời với các liên kết đến các trang web có liên quan, kết hợp lợi ích của giao diện ngôn ngữ tự nhiên với các cập nhật về tỉ số thể thao, tin tức, giá cổ phiếu và nhiều hơn nữa”, OpenAI tuyên bố. “ChatGPT sẽ tự động tìm kiếm trên web dựa trên những gì bạn hỏi, hoặc bạn có thể tự chọn tìm kiếm bằng cách nhấp vào biểu tượng tìm kiếm web”.
Việc giới thiệu tính năng công cụ tìm kiếm trên ChatGPT là một thách thức lớn đối với Google về lâu dài, mặc dù Google cũng đang phát triển sản phẩm của riêng mình với tên Gemini. Google hiện nay đã giới thiệu các bản tóm tắt do AI tạo ra ở đầu trang kết quả truyền thống của họ.
Du lịch sẽ là một trong những trọng tâm phát triển công cụ tìm kiếm của OpenAI. Công ty tuyên bố: “Chúng tôi dự định tiếp tục cải thiện tìm kiếm, đặc biệt trong các lĩnh vực như mua sắm và du lịch, và tận dụng khả năng suy luận của loạt OpenAI o1 để nghiên cứu sâu hơn”.
OpenAI cho biết họ đã hợp tác với các đối tác tin tức của mình, bao gồm Associated Press, Reuters, Axel Springer, Condé Nast, Hearst, Dotdash Meredith, Financial Times, News Corp., Le Monde, The Atlantic, Time và Vox Media.
Tính năng cạnh tranh với Google
Hôm 31-10, OpenAI đã ra mắt tính năng tìm kiếm trong ChatGPT, chatbot nổi tiếng của họ, để cạnh tranh tốt hơn với các công cụ tìm kiếm như Google, Bing của Microsoft và Perplexity. Nhận định tương tự như Skift, trang CNBC cho rằng bước đi này có thể ảnh hưởng đến vị trí của Google với tư cách là công cụ tìm kiếm chiếm ưu thế.
Kể từ khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11-2022, các nhà đầu tư của Alphabet đã lo ngại rằng OpenAI có thể lấy thị phần của Google trong lĩnh vực tìm kiếm bằng cách mang đến cho người tiêu dùng những cách thức mới để tìm kiếm thông tin trực tuyến. Cổ phiếu của Alphabet đã giảm khoảng 1% sau tin tức này.
Bước đi này cũng đặt OpenAI ở vị trí cạnh tranh hơn với Microsoft và các hoạt động kinh doanh của họ. Microsoft đã đầu tư gần 14 tỉ USD vào OpenAI, nhưng các sản phẩm của OpenAI trực tiếp cạnh tranh với các công cụ AI và tìm kiếm của Microsoft, như Copilot và Bing.
Phó chủ tịch kỹ thuật của OpenAI, Srinivas Narayanan, đã trả lời câu hỏi của một người dùng về việc liệu ChatGPT tìm kiếm có sử dụng Bing làm công cụ tìm kiếm đằng sau hay không, và ông trả lời: “Chúng tôi sử dụng một bộ dịch vụ và Bing là một phần quan trọng trong đó”.
CEO OpenAI, Sam Altman, đã viết trên X rằng tìm kiếm là “tính năng yêu thích mà chúng tôi đã ra mắt” kể từ khi ChatGPT lần đầu tiên xuất hiện.
OpenAI đã trải qua một số tranh cãi xung quanh việc chuyển đổi sang cấu trúc vì lợi nhuận, cùng với một chuỗi các lãnh đạo cấp cao ra đi. Jan Leike, cựu lãnh đạo nhóm an toàn của công ty, đã viết trên X khi từ chức rằng “văn hóa và quy trình an toàn đã bị đẩy xuống thứ yếu so với các sản phẩm hào nhoáng”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/muon-tim-thong-tin-du-lich-gio-du-khach-hoi-chatgpt-20241103135305679.htm