
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth (Ảnh: New York Times).
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, khi được hỏi liệu lực lượng quân sự Mỹ có thể được triển khai tới Ukraine hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố không có khả năng này xảy ra.
“Chúng tôi đã nói rất rõ ràng về điều đó. Quân đội Mỹ sẽ không hiện diện ở Ukraine. Quan hệ đối tác kinh tế là quan trọng”, ông Hegseth nói.
Ông Hegseth cho rằng ở lục địa châu Âu, “châu Âu nên dẫn đầu trong việc đảm bảo an ninh”.
“Thật đáng khích lệ khi thấy các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố “sẵn sàng can thiệp ở Ukraine và giúp đảm bảo an ninh”. Chúng tôi hoan nghênh điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Theo Bộ trưởng Hegseth, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nên noi gương Nga, nước đã đạt được “tiến triển lớn” trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
“Ông Zelensky nên đến bàn đàm phán vì quan hệ đối tác kinh tế này là điều quan trọng đối với tương lai của đất nước ông ấy, và chúng tôi hy vọng rằng ông ấy sẽ sớm tham gia”, ông Hegseth nói.
Trước đó, trả lời họp báo ở Đức hôm 11/2, khi được hỏi liệu Washington có xem xét gửi quân tới Ukraine để theo dõi các chuyến hàng vũ khí hay không, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố rõ: “Chúng tôi sẽ không gửi quân đội Mỹ tới Ukraine”.
Tuyên bố của quan chức Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi các quan chức Nga và Mỹ gặp nhau tại Ả rập Xê út vào đầu tuần trước để thảo luận về các cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng Ukraine trong tương lai. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow kiên quyết phản đối việc triển khai lực lượng NATO tới Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cũng liên tục cảnh báo rằng Moscow coi bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào của châu Âu tại Ukraine là một bước đi khiêu khích có thể làm leo thang xung đột.
Hồi tháng 1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine có thể cần tới 200.000 binh sĩ châu Âu để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bác bỏ khả năng triển khai quân đội Mỹ như một phần của các cam kết an ninh tiềm năng với Kiev. Tuy nhiên, Mỹ không loại trừ khả năng hỗ trợ hậu cần và vận tải cho lực lượng đồng minh đóng tại Ukraine.
Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, cho biết tất cả các lựa chọn vẫn đang được xem xét, vì cơ cấu lực lượng an ninh châu Âu sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình.
Chính quyền Tổng thống Trump có truyền thống áp dụng cách tiếp cận thực tế đối với các xung đột quốc tế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông liên tục chỉ trích Mỹ can dự quá mức vào các cuộc khủng hoảng quốc tế và nhấn mạnh sự cần thiết phải giao trách nhiệm cho các đồng minh. Quan điểm hiện tại về Ukraine khẳng định cam kết này.
Trong khi đó, chuyển vấn đề an ninh sang các nước châu Âu có thể trở thành phép thử nghiêm trọng đối với EU.
Theo Politico, châu Âu đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6 tỷ euro (6,2 tỷ USD) cho Kiev, bao gồm 1,5 triệu quả đạn pháo và các hệ thống phòng không. Gói viện trợ này có thể là một trong những khoản hỗ trợ quân sự lớn nhất của EU kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/my-tuyen-bo-khong-dua-quan-den-ukraine-hoi-thuc-ong-zelensky-dam-phan-20250224161504487.htm