Chắc hẳn không ít người gặp tình huống nhà vệ sinh nhìn thì sạch sẽ, gọn gàng, thậm chí vừa kỳ cọ lau chùi xong mà vẫn cứ phảng phất mùi hôi khó chịu. Nếu bạn đang đau đầu vì chuyện đó thì dưới đây là 3 vị trí “ám mùi” mà tôi đã phát hiện ra sau một thời gian dài tìm hiểu.
1. Ống thoát nước bồn rửa mặt bốc mùi
Cứ mỗi lần tầng trên xả bồn cầu là bạn đang rửa mặt, đánh răng mà ngửi thấy mùi hôi kỳ lạ bốc lên từ chậu rửa? Đây là hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt ở những căn hộ chung cư hoặc nhà xây ống thoát nước chưa chuẩn.

Nguyên nhân chủ yếu là do 2 vấn đề này:
– Ống thoát nước không có khúc cong hình chữ U (gọi là bẫy nước hay còn gọi là khúc “cổ ngỗng”). Phần nước đọng lại ở đây có tác dụng ngăn mùi hôi từ đường cống xông lên. Nếu ống thoát thẳng tuột, không có chỗ đọng nước thì mùi hôi dưới cống dễ dàng bay ngược lên.

– Chỗ nối giữa ống thoát nước chậu rửa và ống thoát thải chung của nhà không được bịt kín. Nếu mối nối hở, khí từ đường ống sẽ lọt qua kẽ hở mà xông lên.
Giải pháp là lắp thêm bẫy nước chữ U vào ống thoát. Tuy có thể khiến nước thoát chậm hơn chút xíu nhưng bù lại sẽ chặn đứng được mùi hôi Ngoài ra, chỗ nối giữa ống thoát và đường cống phải được trám kín. Có thể dùng gioăng cao su hoặc bơm keo silicon cho khít hẳn.

2. Bồn cầu bốc mùi
Nhiều người nghĩ rằng bồn cầu thời nay đều có lớp nước đọng, gọi là “nước bẫy” ngăn mùi nên sẽ không thể bốc mùi. Nhưng thực tế vẫn có trường hợp bồn cầu hôi thối dù bạn cọ rửa thường xuyên.
Nguyên nhân có thể do gioăng cao su (còn gọi là vòng đệm hay vòng chắn mùi) ở chỗ tiếp giáp giữa bồn cầu và đường thoát thải bị hỏng hoặc lắp không kín. Qua thời gian, gioăng có thể bị lão hóa, rách, hoặc bị lỏng khiến khí thải từ đường ống xộc lên.

Hoặc lớp keo silicon trám quanh chân bồn cầu đã ố vàng, nứt nẻ, hoặc bị bong ra, tạo khe hở để mùi hôi thoát ra ngoài.

Cách xử lý khá đơn giản: Thay gioăng cao su mới nếu phát hiện bị rách hoặc hở. Còn nếu keo silicon quanh bồn cầu bị hỏng, bạn chỉ cần cạo bỏ lớp cũ và trét lại lớp mới là xong. Nếu không tự làm được, có thể gọi thợ vệ sinh lắp đặt bồn cầu hỗ trợ.
3. Mùi hôi từ cống thoát sàn
Đây là “ổ” phát tán mùi thường gặp nhất. Vừa tắm xong, nước chảy sạch rồi nhưng thi thoảng lại thấy mùi khó chịu bốc lên.
Đó là do đường cống bị tóc, rác thải bít lại, khiến nước không thoát nhanh, lâu ngày gây mùi. Mặt khác, lõi thoát sàn (phần nắp thoát nước) bị hỏng hoặc không còn khít, khiến khí từ đường ống thải xộc lên. Cấu tạo đường thoát sàn thông với ống thoát bồn cầu chung 1 nhánh, nên đôi khi mùi hôi từ bồn cầu cũng theo đường cống này xộc lên.

Giải pháp triệt để là bạn lắp đặt ống thoát sàn có khúc gập chữ U để giữ nước, ngăn mùi. Đồng thời chọn nắp thoát sàn loại chống mùi, tự động đóng mở – chỉ mở khi có nước chảy xuống, còn lại sẽ đóng kín.
Nếu bạn đang xây nhà hoặc sửa chữa nhà vệ sinh, hãy yêu cầu thợ lắp ống thoát sàn có khúc gập chữ U ngay từ đầu. Đừng tiếc khoản này vì nó giúp tránh phiền toái mùi hôi về sau.
Nguồn: Aboluowang
Nguồn: https://kenh14.vn/nai-lung-don-dep-nhung-nha-tam-van-hoi-rinh-sau-khi-phat-hien-thu-pham-toi-ngo-nguoi-215250219121200189.chn