“Vợ chồng kết hôn được hơn 4 năm nhưng năm nào nhà mình cũng biếu Tết nhà ngoại nhiều hơn nhà nội. Lý do thứ nhất là vì kinh tế nhà nội khá hơn. Ngoài ra, nhà vợ mình có bố mẹ đều về hưu, em trai đang đi học chưa kiếm ra tiền. Thế nên chúng mình muốn phụ bố mẹ vợ có một cái Tết đủ đầy.
Mình nghĩ bố mẹ nào cũng cần được trân quý và tôn trọng như nhau. Vì vậy không nên có sự phân biệt ở đây. Nếu bên nào có kinh tế tốt thì mình biếu ít lại, bên nào còn chưa được dư dả thì mình biếu nhiều hơn. Như vậy, trong tâm tưởng thì cả vợ và chồng đều thấy thoải mái”, Thành (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Còn dưới góc nhìn của Thuỳ Chi (26 tuổi, Nam Định) cho rằng việc biếu Tết nhà nội ngoại như thế nào cần sự đồng thuận của hai vợ chồng. Tương tự Thành, vợ chồng Thuỳ Chi cũng biếu nhà ngoại nhiều hơn nhà nội trong mùa Tết nguyên đán năm nay.
“Mình kết hôn gần nhà, nhưng không vì thế mà chồng cho rằng mình cần báo hiếu bố mẹ đẻ ít hơn và chỉ nên tập trung vào nhà nội. Từ ngày ông Công ông Táo, mình đã cầm 3-4 triệu sang biếu nhà ngoại sắm Tết. Những ngày cuối năm, mình cũng tranh thủ đi làm về sớm, không vướng bận chuyện gì ở công ty là mua quà tặng ông bà ngoại. Còn ông bà nội, mình và chồng đều đi mua cùng nhau và thảo luận nên biếu bố mẹ bao nhiêu.
Cả nhà ngoại và nhà nội đều được nhà mình lo lắng tươm tất. Chuyện biếu nhà ngoại và nhà nội bao nhiêu tiền đều được giải quyết nhanh gọn vì cả hai vợ chồng đều thống nhất từ trước”, Thuỳ Chi chia sẻ.
Vợ chồng thống nhất chuyện biếu Tết nội ngoại thế nào?
Thành chia sẻ, việc biếu Tết thể hiện sự tôn trọng với hai bên gia đình nội ngoại. Anh không muốn vì chuyện biếu Tết mà ảnh hưởng đến tình cảm giữa bố mẹ và con cái. Trước Tết vài tháng, anh đã chia sẻ chuyện tài chính cùng vợ và cũng nói rõ ràng để vợ hiểu được tình hình tài chính năm đó thế nào. Rồi dựa vào đó mà cả hai lên kế hoạch tiêu Tết cho hợp lý.
Thành cho hay: “Như năm nay, tổng cả tiền lương và thưởng của hai vợ chồng trong tháng cuối năm là 70 triệu. Mình dành 15 triệu cho nhà ngoại và 10 triệu cho nhà nội. Đây là khoản chi lớn nhất trong Tết và cần biếu cho khéo để đỡ mất lòng hai bên. Mỗi tháng, chúng mình đều gửi hai bên nội ngoại mỗi bên 5 triệu. Đi làm xa nhà cả năm mà lại không mang gì về cho bố mẹ ngày Tết thì mình thấy ngại lắm. Phần cảm thấy bản thân có lỗi, phần vì mình nghĩ nếu khách đến thì bố mẹ cũng có chuyện để nói với mọi người”.
Với Thuỳ Chi, cô đồng ý rằng mọi người nên biếu bố mẹ dựa vào khả năng tài chính. Từ trải nghiệm cá nhân, cô cho rằng dịp Tết xuân về thì bố mẹ không bắt các con phải biếu Tết. Có nhiều phụ huynh chỉ cần con quây quần, về quê đón Tết đã khiến bố mẹ vui lòng. Tuy nhiên, với những người đã kết hôn thì nên cố gắng biếu bố mẹ, tuỳ thuộc vào thu nhập và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình.
Tương tự như gia đình Thành, Thuỳ Chi chia sẻ việc biếu Tết bố mẹ hai bên trong dịp Tết Nguyên đán như thế nào đều có sự đồng thuận của vợ chồng cô.
Cô kể: “Năm nay kinh tế khó khăn, vợ chồng mình kiếm được thu nhập 24 triệu/tháng, không có thưởng Tết. Bên cạnh sắm đồ Tết phụ ông bà, chúng mình dành 5 triệu biếu nhà ngoại và 2 triệu biếu nhà nội. Ngoài ra, chúng mình còn chuẩn bị 2 giỏ quà biếu bố mẹ và vào mùng 1 Tết sẽ lì xì phụ huynh 1-2 triệu cho mỗi bên.
Biếu phụ huynh và chi tiêu Tết xong thì nhà mình cũng hết tiền. Ra Tết chắc chắn nhà mình phải cố gắng cày cuốc làm việc rồi chi tiêu chắt bóp hơn. Nhưng ngược lại, mình cảm thấy vui vì phần nào báo hiếu được gia đình”.
Cân đối tài chính ngày Tết như thế nào khi nhìn đâu cũng thấy cần tiêu tiền?
Ngoài chuyện biếu gia đình nội ngoại, một vấn đề mà các cặp đôi trẻ cần quan tâm là cân đối tài chính như thế nào khi chi tiêu trong ngày Tết tăng cao.
Thành chia sẻ, gia đình anh đã lên kế hoạch chi tiêu trong Tết cách dịp Tết cả tháng trời. Bên cạnh đó, họ còn tích luỹ số tiền tiêu Tết từ thu nhập hàng tháng, chứ không phải trông đợi vào tiền lương và thưởng vào những tháng cuối năm.
“Chúng mình thống nhất trích 10% thu nhập hàng tháng để tiêu Tết. Đây là khoản tiền được gửi vào chung với quỹ tiết kiệm. Nếu cuối năm không dùng hết số tiền này thì sẽ chuyển vào tài khoản tiết kiệm hoặc chi tiêu lúc ốm đau.
Mình nghĩ, nếu đợi lương thưởng cuối năm rồi mới tính toán chuyện sắm sửa cho Tết thì sẽ rất muộn. Cứ tích luỹ dần thì đến cuối năm sẽ có một khoản để tiêu xài thoải mái”, Thành nói.
Trong khi đó, Thuỳ Chi cho biết gia đình mình dù làm cả năm vất vả nhưng quỹ tiết kiệm không được bao nhiêu. Số tiền mà họ dự định để tiêu Tết cũng không nhiều. Để tiết kiệm, cô và chồng đều không dám mua sắm cho mình nhiều quần áo và giày dép mới, từ chối kha khá lời rủ rê tụ tập của các đồng nghiệp.
“Do năm nay kinh tế của vợ chồng không dư dả nên chúng mình quan niệm Tết là dịp để nghỉ ngơi. Mọi chi tiêu cần gọn nhẹ. Khoản tiền lớn nhất của chúng mình là dành để biếu ông bà và lì xì.
May mắn là nhà chúng mình ở quê nên đồ trang trí và các thực phẩm cho Tết như khô bò, chả, gà, bánh tét, dưa món… đều đơn giản. Nhà cửa trang trí bằng hoa và quất cho có không khí, nhưng đều được mua với mức giá khá rẻ. Bên cạnh đó, chúng mình còn dành một khoản nhỏ để đi cafe, còn lại thì ở nhà nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả là chủ yếu”, Thuỳ Chi bày tỏ.
Nguồn: https://kenh14.vn/nam-nao-cung-bieu-tet-nha-ngoai-nhieu-hon-nha-noi-215250126164047328.chn