Hà NộiTiến Hưng cho rằng học Toán nên nhớ từ vựng tốt, ‘không có trở ngại nào’ với bài Nghe và chỉ mất 30 phút làm xong bài Đọc IELTS, cùng đạt 9.
Lê Tiến Hưng hiện là học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường THPT Sơn Tây. Nam sinh đạt 8.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên vào tháng 8/2024, trong đó, Nghe và Đọc cùng 9, còn Viết và Nói đều 7.5.
“Kết quả vượt kỳ vọng của em. Em nhảy cẫng lên vui sướng, chạy đến khoe luôn với thầy. Không khí ở trung tâm tiếng Anh như bùng nổ”, Hưng kể. Em dự kiến dùng điểm này để đăng ký xét tuyển vào các đại học trong nước.
Nam sinh nói thấy may mắn khi đề thi dễ thở, đặc biệt ở bài Nghe và Đọc, nên gần như “không có trở ngại nào”. Hưng làm đúng sức và đoán được điểm 9 ngay khi làm xong.
Ở phần Nghe, nam sinh nhìn nhận thí sinh thường gặp khó khi phải nghe nhiều thông tin, điền nhiều từ vào chỗ trống. Tuy nhiên hôm đó, các bài chỉ yêu cầu điền một từ hoặc khoanh tròn. Nhờ thế, áp lực giảm đi nhiều.
Với dạng chọn đáp án đúng, đề bài sẽ có những thay đổi nhỏ trong đáp án để “bẫy” thí sinh. Theo Hưng, nếu đọc lướt, thấy có các từ giống với câu trong băng mà khoanh sẽ dễ bị sai. Ở dạng này, Hưng tập trung nghe ý để hiểu người nói đang diễn tả gì trước khi chọn.
“Bài hôm đó dễ nghe, thông tin đưa ra không lừa nhiều nên em làm ổn”, Hưng nhớ lại.
Ở bài Đọc, Hưng chỉ cảm thấy chưa chắc chắn ở dạng câu hỏi True/False/Not Given (Đúng/Sai/Không có). Nếu không thực sự hiểu nội dung văn bản, sẽ rất khó để suy ra câu đó đúng hay sai. Vì thế, khi làm xong, em phải xem lại bài này đầu tiên và kỹ nhất.
Hưng cho biết ở kỹ năng này, thí sinh thường gặp khó do biết ít từ vựng. Tuy nhiên do có quá trình tích lũy và học từ vựng kỹ, em nắm được hết ý nghĩa các từ trong đề và làm bài suôn sẻ.
“Thời gian làm một tiếng nhưng em hoàn thành trong 30 phút. Em có thể ngồi chơi khi đã kiểm tra thấy đúng, đủ hết rồi, không còn gì lăn tăn nữa”, nam sinh kể.
Trong 4 kỹ năng, Hưng vật lộn nhất với Viết lúc ôn thi. Mỗi bài em đều viết đi viết lại rồi gửi cho thầy giáo chấm, chỉ ra lỗi sai và gợi ý từ vựng, ý tưởng. Sau đó, em đọc lại bản chữa để rút kinh nghiệm. Nhờ đó, với dạng bài số liệu phổ biến ở Task 1, em xử lý dễ dàng bằng cách so sánh con số, tập trung vào các mốc cao nhất, thấp nhất, sự tương đồng hoặc biến động.
“Em phải viết 50-60 bài mới nhận ra được cách đó”, Hưng nói.
Task 2 nêu quan điểm: thể thao có tính cạnh tranh nên cấm vì rất nguy hiểm. Nam sinh cho biết thể thao tốt cho sức khỏe nhưng trong trường hợp này, em chọn đồng ý vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của cả người thắng và thua.
Hưng giải thích sự kỳ vọng của khán giả khiến người chơi gặp sức ép tâm lý lớn. Họ muốn giành vị trí cao nhất nhưng nếu không thành công sẽ cảm thấy thất vọng về bản thân.
Ngoài ra, vì mục tiêu chiến thắng, sự cạnh tranh khiến người chơi trở nên háo thắng, gây ra những xô xát không đáng có với đối thủ của mình, đặc biệt ở môn đấm bốc. Khát khao vô địch có thể khiến võ sĩ đánh đối phương đến mức nhập viện.
Nói là kỹ năng Hưng tiếc nuối nhất, dự đoán 8 nhưng chỉ được 7.5. Chủ đề của bài nói về tòa nhà mang giá trị lịch sử. Em chọn Nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, miêu tả vẻ đẹp từ ngoài vào trong với những ô cửa sổ hứng ánh sáng chiếu vào tạo ra lớp màu rất đẹp. Sau đó, Hưng giới thiệu gian trưng bày các hiện vật lịch sử, nơi giúp em có trải nghiệm và hiểu thêm về kiến trúc Pháp.
Hưng cho biết làm quen với tiếng Anh từ thời mẫu giáo qua các video hoạt hình trên kênh Disney Channel hay Cartoon Network. Theo em, mấu chốt để giỏi tiếng Anh là dành “chỗ” cho nó trong cuộc sống. Nam sinh tự tạo ra môi trường tiếp xúc với ngôn ngữ này từ những điều nhỏ nhặt nhất như xem phim, đọc truyện tranh, nghe nhạc hoặc dùng tiếng Anh để học Toán.
Em cho biết nhờ học chuyên Toán nên có trí nhớ tốt, giúp ích trong việc nhớ từ vựng. Khi làm bài Đọc hoặc Nghe, gặp những từ lạ hay mơ hồ, Hưng sẽ tra từ điển, tìm hiểu kỹ về nó, trước khi ghi vào một cuốn sổ và luôn mang theo bên mình để nhẩm. Hưng không chỉ học ý nghĩa của từ mà còn bối cảnh sử dụng, phiên âm, loại từ, từ trái nghĩa, đồng nghĩa, cụm từ đi kèm…
Mỗi tối, nam sinh đọc lại từ mới. Em cũng đọc báo mạng, xem video trên YouTube hoặc từ bạn bè.
Bắt đầu ôn IELTS từ hè lớp 11, Hưng nhận thấy quan trọng nhất là làm càng nhiều đề càng tốt, nhưng cần đúng cách và hiệu quả. Em luyện đề trong bộ sách IELTS Cambridge, phân tích lỗi sai sau mỗi lần làm bài để lần sau không lặp lại.
Để vừa ôn IELTS, vừa ôn thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố và đảm bảo việc học trên lớp, Hưng thường lập thời gian biểu để phân chia cụ thể sáng-tối làm gì, đôi khi phải tranh thủ lúc 4-6 giờ sáng để học.
“Nên tạo thời gian biểu để sắp xếp mọi thứ có tổ chức, giúp mình không bị ngợp và biết việc phải làm trong một ngày”, nam sinh nói.
Bình Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/nam-sinh-chuyen-toan-dat-diem-tuyet-doi-hai-ky-nang-ielts-4836707.html