Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gien phong phú và đặc hữu. Theo báo cáo quốc gia lần thứ sáu đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định; trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam.
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 8/11/2024 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể là mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển tiếp 178 khu bảo tồn hiện có (trong đó mở rộng 27 khu bảo tồn); thành lập mới 61 khu bảo tồn; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu héc-ta. Bên cạnh đó, củng cố và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng; chuyển tiếp 13 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện có, cấp giấy chứng nhận 9 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển tiếp 3 hành lang đa dạng sinh học hiện có, hình thành 7 hành lang đa dạng sinh học; hình thành 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia. Đồng thời, hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực đa dạng sinh học cao với tổng diện tích khoảng 2 triệu héc-ta, 10 cảnh quan sinh thái quan trọng với tổng diện tích khoảng 4 triệu héc-ta.
Tầm nhìn đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm, các nguồn gien có giá trị bảo tồn được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước…
Định hướng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030 theo 8 vùng sinh thái trên phạm vi cả nước gồm: Vùng Đông Bắc; vùng Tây Bắc; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đáng chú ý, quyết định đưa ra các giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: Cơ chế, chính sách; đào tạo, tăng cường năng lực; tài chính, đầu tư; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; tập trung nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên; bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; ban hành, triển khai nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm bảo tồn nguồn gien, đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã.
Lãnh đạo Bộ cho biết, thời gian tới, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, cụm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề lớn như bảo tồn và phát triển nguồn gien; bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã…; triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với nhu cầu phát triển kinh tế của các địa phương có các khu bảo tồn, vườn quốc gia và gắn với doanh nghiệp; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong công tác này, nhất là nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gien, bảo tồn đa dạng sinh học…
Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-ly-he-thong-khu-bao-ton-thien-nhien-post859142.html