Nhiều điểm mới về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được quy định trong Nghị định 124/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.
Top 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định Nghị định 124 góp phần thể chế hóa chủ trương khuyến khích các cơ sở GD-ĐT trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở tiên tiến trên thế giới, thu hút các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) uy tín mở phân hiệu tại Việt Nam.
Theo đó, nghị định này đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng và chương trình đào tạo của liên kết đào tạo với nước ngoài. Cụ thể, cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam phải là cơ sở có uy tín, chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp văn bằng trong lĩnh vực liên kết hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực. Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.
Góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục ĐH có chất lượng đầu tư vào Việt Nam, Nghị định 124 bổ sung quy định cụ thể về thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài. Theo đó, cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục ĐH được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH có uy tín trên thế giới của một trong 3 năm gần nhất. Phân hiệu cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động theo các tiêu chuẩn đào tạo và kiểm định của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài thành lập phân hiệu. Tuy nhiên, các điều kiện về cơ sở vật chất và chuẩn giảng viên không được thấp hơn quy định đối với cơ sở giáo dục Việt Nam.
TS Trần Văn Hùng, giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhận định yêu cầu trường ĐH thuộc top 500 thế giới mới được mở phân hiệu ở Việt Nam sẽ khiến các trường ĐH Việt Nam phải nhìn lại mình, xem đang ở mức độ nào và hoàn thiện để đáp ứng theo xu thế quốc tế. Tuy nhiên, TS Hùng cho rằng đây cũng là một tiêu chuẩn khá cao và cần nhìn thẳng vào thực tế, các trường ĐH danh tiếng thế giới có thể sẽ ít chọn Việt Nam.
“Thông thường, các trường hàng đầu thế giới khi mở phân hiệu ở nước ngoài sẽ chọn một trường ngang tầm để hợp tác nhằm bảo đảm thương hiệu, tiếng tăm của mình. Thêm vào đó, các trường top quốc tế thường sẽ nổi tiếng và chuyên về một lĩnh vực (ví dụ MIT ở Mỹ chuyên và nổi tiếng về kỹ thuật), trong khi các trường ở Việt Nam thường đa ngành và đa lĩnh vực đào tạo. Đó là chưa kể đến các cơ sở tại Việt Nam khó đáp ứng được tôn chỉ đào tạo hay hợp tác về khoa học công nghệ, điều kiện về hợp tác quốc tế, các yêu cầu về chương trình đào tạo, ngôn ngữ, giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất…” – TS Trần Văn Hùng phân tích.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT, cho rằng mong muốn các trường top cao đến Việt Nam là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, cần phải tính đến nhiều yếu tố, như với mức đầu tư rất cao của các trường này, học phí cũng ở mức rất cao, liệu sinh viên Việt Nam có khả năng chi trả nổi không? Để giữ danh tiếng của mình, họ phải làm rất nghiêm ngặt. Sinh viên của ta có đáp ứng được các tiêu chí tuyển sinh khắt khe theo yêu cầu riêng của trường này không cũng là một câu hỏi nan giải.
Phải xin ý kiến cơ quan quản lý địa phương
Ở bậc phổ thông, Nghị định 124 bổ sung quy định về chất lượng chương trình giáo dục mầm non và phổ thông nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam.
Cụ thể, chương trình giáo dục mầm non và phổ thông của nước ngoài nếu đưa vào thực hiện ở Việt Nam phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận hoặc được kiểm định chất lượng; phải được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước ngoài và phải bảo đảm mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục của nước ngoài phải xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tại địa phương để quản lý nội dung, chất lượng chương trình giáo dục của nước ngoài khi thực hiện tại Việt Nam.
Các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đang thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài cho học sinh Việt Nam không phải làm lại thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục, nhưng phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Sở GD-ĐT địa phương về việc thực hiện chương trình giáo dục nước ngoài. UBND các tỉnh, thành trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong lĩnh vực này tại địa phương.
Đánh giá về quy định mới, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng Phòng GD-ĐT quận Hà Đông, TP Hà Nội – cho rằng quy định này góp phần nâng cao vai trò chủ động và tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương trong hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo bà, các quy định mới bảo đảm tính chặt chẽ nhưng không gây khó khăn cho các trường.
Trách nhiệm công khai
Nghị định 124 bổ sung quy định về trách nhiệm công khai cho học sinh, phụ huynh và xã hội về cơ sở giáo dục. Cụ thể, cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, phụ huynh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục các thông tin về chương trình giáo dục, kết quả kiểm định, số lượng giáo viên người nước ngoài, số lượng học sinh nước ngoài, phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, các nội dung khác theo quy định của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này.
Nguồn: https://nld.com.vn/nang-chuan-mo-phan-hieu-dao-tao-quoc-te-tai-viet-nam-196241024220847569.htm