Bén duyên từ một chuyến đi
Trong những ngày cuối năm 2024, Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam khánh thành nhà máy rộng hàng ngàn mét vuông ở xã Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) như đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình đưa cây sâm chinh phục thị trường thế giới.
Ông Lương Tấn Lợi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam chia sẻ dù mới tham gia lĩnh vực này ít năm nhưng doanh nghiệp có lợi thế của người đi sau đó là ứng dụng khoa học công nghệ để nâng tầm cây sâm. Từng làm giảng viên rồi làm du lịch, vị CEO được đi nhiều nơi, nhưng đến đâu người ta cũng chỉ biết đến sâm Hàn Quốc. Hơn 5 năm trước, có dịp về thăm vùng đất Trà My (Quảng Nam), ông Lợi được một người bạn tặng sâm Ngọc Linh về ngâm rượu uống. Khi tìm hiểu sâu về loài dược liệu quý này, ông khá bất ngờ khi sâm Ngọc Linh chứa tới 52 saponine, cao hơn gấp đôi so với sâm Hàn Quốc.
Sâm Ngọc Linh trồng ở độ cao trên 1.800 m, dưới tán rừng ẩm nhiều mùn, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, sương mù dày đặc. Khi đi thực tế tìm nguồn nguyên liệu, tận mắt thấy cây sâm, nghe người trồng chia sẻ về những thăng trầm của nghề, vị giám đốc càng đam mê và dành tình yêu nhiều hơn với cây sâm. “Trải qua hành trình đi bộ cả chục km lên núi, vượt qua những con dốc cao, thẳng đứng trơn trượt mới đến được vườn sâm, người mệt nhoài nhưng được chủ vườn cắt lát sâm, ăn vô thấy khỏe liền”, ông Lợi kể lại kỷ niệm.
Nghề trồng sâm không dễ, có khi phải đánh đổi bằng tất cả tài sản nếu gặp rủi ro như sâu bọ, chuột cắn, mưa bão… Qua những chuyến đi, được tận mắt thấy sự chăm sóc tỉ mỉ của nông dân, ông Lợi cảm nhận sâm Ngọc Linh không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn cả giá trị tinh thần, niềm tự hào của người dân nơi đây. Điều đó thôi thúc ông gắn bó với loại cây này và nghĩ cách đưa sâm đến với nhiều người dân Việt Nam và xa hơn là tiếp cận thị trường quốc tế.
Đến nay, Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam đầu tư hàng chục ha trồng sâm ở H.Nam Trà My, ký kết hợp tác với nhiều chủ vườn sâm để chủ động nguồn nguyên liệu cho chiến lược mở rộng thị trường.
Chinh phục những thị trường khó tính
Sâm quý là vậy nhưng lâu nay luôn bị gắn nhãn chỉ dành cho người giàu. Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam nhấn mạnh mấu chốt để đưa sâm Ngọc Linh vươn xa hơn, được sử dụng rộng rãi thì phải có nhiều sản phẩm đặc thù, nổi tiếng. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm truyền thống như rượu sâm, sâm ngâm mật ong, ông Lợi trăn trở, bắt tay vào nghiên cứu để nâng tầm giá trị cây sâm. Thế rồi lần lượt trà sâm, yến sâm, nước sâm, cà phê sâm, dầu gió sâm ra đời, sẵn sàng phục vụ khách hàng ngay dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề.
Qua năm 2025, công ty tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp hướng đến nhóm khách hàng cao cấp, chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ và Nhật Bản. “Mình sẽ làm hệ sinh thái đa dạng, có những sản phẩm cao cấp, chuyên biệt cho người ăn kiêng, có những sản phẩm bình dân để mọi người có thể sử dụng”, ông Lợi chia sẻ thêm.
Để sản xuất quy mô công nghiệp, điều kiện tiên quyết là phải có đủ nguyên liệu, và nếu chỉ trông chờ vào sâm trồng tự nhiên trên núi sẽ không bao giờ đáp ứng được. Dành nhiều thời gian sang Hàn Quốc tìm hiểu chiến lược phát triển ngành sâm, cách làm thương hiệu, ông Lợi về bàn với cộng sự tìm lối đi riêng đó là kết hợp giữa giá trị truyền thống của sâm Ngọc Linh với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam ra mắt nhiều sản phẩm đặc biệt mang thông điệp sức khỏe, bình an và gắn kết các thành viên trong gia đình. Quý khách tìm hiểu thêm tại địa chỉ: https://samtramy.com/
Hiện Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam đang phối hợp nhiều chuyên gia hàng đầu về sâm tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và đối tác Nhật Bản để ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu sâm. Với nhà máy tại H.Bình Chánh xây dựng theo tiêu chuẩn GMP, FDA, công ty sẽ chủ động nguồn nguyên liệu để chiết xuất các sản phẩm mới. Song song đó, công ty cũng phối hợp chuyên gia nghiên cứu di thực sâm xuống trồng ở những vùng thấp hơn, thậm chí trồng trong nhà kính với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ với Thanh Niên về thời khắc khó khăn nhất, ông Lương Tấn Lợi cho biết đó là khi đưa trà sâm cho bạn bè dùng thử. Lúc đó, ai cũng nói sao mùi sâm nhạt quá, khác với trà sâm của Hàn Quốc mở ra thơm phức. Sự so sánh mùi vị đó khiến ông Lợi và các cộng sự trăn trở, phân vân giữa việc giữ bản gốc hay pha thêm hương liệu cho dậy mùi. Khi tham vấn các chuyên gia hàng đầu, họ đều nói vị nguyên thủy của sâm Ngọc Linh có mùi rất nhẹ.
“Mình phải đấu tranh dữ lắm, cuối cùng vẫn quyết định theo đuổi vị nguyên bản. Tất cả sản phẩm đều phải giữ nguyên hương vị sâm Ngọc Linh của núi rừng Nam Trà My, công ty cam kết không dùng chất tạo mùi, tạo màu”, CEO Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam khẳng định. Lựa chọn đó bắt “trend” – xu hướng của người dùng hiện nay thích sự mộc mạc, nguyên bản chứ không ưa chuộng việc thêm thắt khiến mùi vị quá ảo.
Trải nghiệm du lịch sâm
Từ ngày 1 – 3 hằng tháng, phiên chợ sâm Ngọc Linh tại H.Nam Trà My đều đặn tổ chức, thu hút đông du khách đến mua nhưng ít người ở lại nghỉ dưỡng vì ít cơ sở lưu trú, thiếu điểm trải nghiệm.
Với tố chất của người làm du lịch, Giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam – Trà My Quảng Nam lên ý tưởng làm khu nghỉ dưỡng rộng 2,5 ha với tư tưởng chủ đạo xoay quanh cây sâm Ngọc Linh. Đến đây, du khách sẽ nghỉ ngơi trong không gian thoáng đãng, thưởng thức đặc sản địa phương, uống trà, cà phê, nước uống từ sâm hoặc những món ăn đặc trưng được chế biến từ sâm.
Cũng tại khu vực này, công ty làm một phòng nghiên cứu và phòng truyền thống trưng bày nguồn gen sâm, những hình ảnh, sản vật từ sâm để các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. “Chúng tôi làm vì thấy đó là trách nhiệm với cộng đồng, muốn cùng người dân tạo sản phẩm phát triển du lịch chứ không vì mục đích kinh doanh”, ông Lợi chia sẻ, đồng thời cho biết 2 dự án này sẽ triển khai trong năm 2025.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nang-tam-gia-tri-sam-ngoc-linh-vuon-minh-ra-the-gioi-185250123203847034.htm