Tư thế ngủ tốt không chỉ giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn có thể tránh ảnh hưởng đến xương khớp cũng như tim, đặc biệt đối với người lớn tuổi. Dưới đây là 2 tư thế bạn không nên nằm để tránh làm tăng gánh nặng lên tim.
1. Ngủ với gối quá cao
Nhiều người thường cảm thấy thoải mái và dễ ngủ hơn khi sử dụng một chiếc gối cao. Tuy nhiên, nếu thường xuyên duy trì thói quen này có thể ảnh hưởng đến cột sống, lệch cổ, đau đầu, tuần hoàn kém.
Ngoài ra, khi nằm với gối quá cao, góc độ của cột sống cổ và ngực sẽ thay đổi. Tim sẽ dễ bị nén, lượng máu cung cấp sẽ kém, điều này sẽ dẫn đến làm tim đập nhanh hơn.
Đặc biệt là người cao tuổi bị đánh trống ngực, khó thở về đêm mà kê cao gối trong thời gian dài khi ngủ có tỷ lệ mắc chứng rối loạn nhịp tim cao hơn nhiều so với những người có tư thế bình thường. Về lâu dài rất dễ gây ra cơn đau thắt ngực.
Hơn nữa, sử dụng gối quá cao khi ngủ cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó thở, đặc biệt đối với những người dễ bị ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.
Vị trí đầu cao có thể hạn chế đường thở, dẫn đến ngáy, thở khò khè hoặc các cơn thở bị gián đoạn trong khi ngủ. Theo thời gian, điều này có thể góp phần làm chất lượng giấc ngủ kém, mệt mỏi vào ban ngày và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
2. Ngủ cuộn tròn như con tôm
Nhiều người thường thích nằm cuộn tròn như con tôm, nhất là vào mùa lạnh. Tư thế này có thể khiến bạn cảm thấy ấm hơn nhưng lại không tốt cho tim mạch.
Khi ngủ với tư thế này, cơ thể cuộn tròn, ngực và bụng ép vào nhau. Điều này làm không gian lồng ngực giảm đi, không gian hoạt động của tim cũng giảm đi.
Đặc biệt, máu lưu thông dễ bị tắc nghẽn, dẫn đến thở gấp, về lâu dài dễ dẫn đến lượng oxy cung cấp cho tim không đủ. Đặc biệt đối với người lớn tuổi bị cao huyết áp, nằm cuộn tròn khi ngủ sẽ làm huyết áp trầm trọng hơn.
Ngoài ra, tư thế này không chỉ chèn ép tim mà còn dẫn đến máu lưu thông ở chi dưới kém, dẫn tới cảm giác tê bì.
Ngủ với tư thế nào là tốt nhất cho tim?
Chưa có tư thế nào được khẳng định là tốt cho tim nếu không mắc bệnh lý liên quan đến tim. Bạn có thể lựa chọn một số tư thế như nằm nghiêng bên trái, nằm nghiêng bên phải, nằm ngửa. Miễn là bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và không gặp các triệu chứng như khó thở, đánh trống ngực, tim đập nhanh.
Nếu bạn đang có các bệnh lý liên quan đến tim, chẳng hạn như suy tim, bạn có thể cân nhắc lựa chọn nằm nghiêng về bên phải hoặc nằm ngửa (nếu bạn không mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ).
Ngoài ra, khi ngủ bạn nên lựa chọn một chiếc gối có độ cao vừa phải. Đảm bảo sao cho đầu và cột sống, lưng thẳng hàng. Còn nếu bạn cảm thấy khó thở khi nằm gối quá thấp, có thể nâng cao gối lên một chút nhưng không phải là quá cao.
Một số lưu ý khác khi ngủ giúp bảo vệ tim
Không chỉ tư thế ngủ, để bảo vệ sức khoẻ của tim cũng như sức khoẻ tổng thể, bạn cũng nên đảm bảo các yếu tố sau khi ngủ:
– Đảm bảo không gian khi ngủ tốt như nhiệt độ mát mẻ, phòng thoáng đãng và ánh sáng mờ
– Không nên sử dụng điện thoại ít nhất trước 1 giờ đi ngủ
– Trước khi ngủ nên thư giãn, không suy nghĩ quá nhiều, đặc biệt là các công việc căng thẳng
– Không uống rượu hay caffeine trước khi đi ngủ
– Không tập thể dục với cường độ cao trước khi đi ngủ
– Đảm bảo mỗi đêm ngủ đủ 7 đến 9 tiếng
Nhìn chung, khi ngủ bạn nên lựa chọn các tư thế nằm nghiêng hoặc nằm ngửa, miễn là bạn cảm thấy thoải mái. Việc thay đổi tư thế liên tục cũng là ý tưởng tốt. Hơn nữa, để bảo vệ sức khoẻ của tim, ngoài giấc ngủ thì bạn cũng nên xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
Nguồn: Sohu
Nguồn: https://kenh14.vn/ngu-o-2-tu-the-nay-dung-trach-sao-tim-lai-kem-di-cang-ve-gia-cang-de-bi-benh-tim-215241106150106518.chn