Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeĐời SốngNgày cậu nhận rể - Tuổi Trẻ Online

Ngày cậu nhận rể – Tuổi Trẻ Online

Ngày cậu nhận rể - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Ban đầu, lúc nhượng bộ gia đình cho hai đứa làm đám cưới, bố vẫn nói chồng tôi “đừng bao giờ vác mặt về đây khi có tôi ở nhà!”.

Điều gì đã khiến cho bố cư xử với chồng tôi, nói riêng, và cả vợ chồng tôi nặng nề đến vậy? Không phải là tôi đã không hiểu…

Ông đã phản ứng một cách dữ dội tình yêu và cuộc hôn nhân của chúng tôi, chẳng qua, là ông không muốn con gái mình phải đau khổ. Bởi lẽ, cả một quãng thời gian dài, người yêu tôi là một gã hoang đàng. Yêu nhau được vài năm, anh ấy bị bắt đưa đi cải tạo với án lịnh bốn năm.

Khi ấy, tôi đã hết hy vọng và gia đình cũng đã chuẩn bị cho tôi một cuộc hôn nhân nề nếp. Chuyện người yêu của tôi trở về đã làm đảo lộn tất cả. Chúng tôi gặp lại nhau và nối lại tình cảm, ngày trước. Viễn cảnh về một người chồng đàng hoàng và tử tế cho tôi, nhanh chóng, bị biến mất.

Và cuộc sống lứa đôi yên ấm cho con gái mình, hoàn toàn, đỗ vỡ trong suy nghĩ của ông.

Rồi chuyện gì vẫn đến phải đến. Chẳng lẽ bỏ luỗng tôi và mối tình đầy bất trắc. Mẹ và các anh chị đành phải đồng ý cho chúng tôi lấy nhau với những thỏa thuận từ bố. Giả như ông không có mặt trong thánh lễ hôn phối ở nhà thờ, khi nhà trai sang đón dâu…

Được như thế cũng là quá sức tưởng tượng và tất nhiên, nhờ vào rất nhiều những tác động tình cảm của mọi người trong gia đình. Sau ngày cưới, mỗi tuần vợ chồng tôi đều về thăm nhà vài lần. Thường, tôi chọn những lúc bố đi lễ hay đi thăm thú đâu đó cho không khí đỡ căng thẳng. Vậy mà có hôm, về đến nhà thấy có vợ chồng tôi là ông đi thẳng, không thèm bước vào.

Tôi buồn khổ cho mình thì ít mà đau xót cho chồng thì nhiều. Trúng anh ấy chịu cảnh mồ côi cha khi chưa đầy tháng và luôn mong ước có bố vợ cho đời mình vẹn tròn. Đâu ngờ…

Mỗi lần ở bên nhà mình về, sợ chồng biết khổ tâm thêm, tôi thường lén khóc. Vậy mà anh rất điềm nhiên vì luôn tin rằng qua thời gian, những nỗ lực của bản thân sẽ khiến cho ông cụ nhìn lại và tin. Hai đứa luôn nói với nhau như tự căn dặn chính mình, là: Chúng ta vẫn còn thời gian và biết bao cơ hội để chứng tỏ.

Thêm nữa, chúng tôi hiểu những dằn vặt muộn phiền trong bố khi phải cư xử với con rể lạnh nhạt, ơ thờ. Và thương… thương bắt quắt lòng.

Mọi việc cứ tiếp diễn như thế cho tới gần hai năm sau, một chiều ông gọi vợ chồng tôi về ăn cơm. Thật khó diễn tả cảm xúc của hai đứa lúc đó: mừng xen lẫn lo, vui cùng với sợ… Lúc bố mời chồng tôi cụng với ông ly rượu đầu tiên, tay chồng tôi đã bật run lên và tôi, không đừng được đã bật khóc ngay giữa mâm ăn.

Mẹ và anh trai của tôi cũng lộ nhiều bối rối vì không giấu được niềm xúc động. Hôm ấy bố tôi mới chịu tâm sự là: Lâu nay trong lúc mọi người tưởng ông ghét bỏ chồng tôi đến mức không thèm nhìn mặt, bố vẫn âm thầm dõi theo và hiểu ra…

Ông bảo: “Cho đến tận lúc này, cậu mới chính thức nhận anh (*) là rể. Thôi thì hiểu cho cậu nhé!”. Đó là câu nói ghim chặt trong tâm trí tôi. Nào chỉ trong khoảnh khắc ấy ngày tháng ấy. Mà cứ trở đi trở lại hằn sâu thêm đậm nét thêm…

Như là khoảng này khi mà, mai này, đã là ngày giỗ của cậu.

(*) Cách gọi của người Bắc với rể, với con.

Nguồn: https://tuoitre.vn/ngay-cau-nhan-re-20241103100841237.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay