“Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên mình mở là để lấy chỉ tiêu cho 1 người bạn làm ngân hàng. Lúc đó mình nghĩ đơn giản là thẻ miễn phí thường niên nên bản thân cũng không cân nhắc gì nhiều. Về sau khi bắt đầu quan tâm hơn đến tài chính cá nhân thì mình đã thật sự dành nhiều thời gian đọc, tìm hiểu về chúng để tận dụng chính sách ưu đãi mà ngân hàng cung cấp. Ngoài ra, sau khi mình mở một shop bán hàng online thì thẻ tín dụng cũng rất hữu ích trong việc chạy quảng cáo”, Thuỳ Dung (SN 1995, làm kinh doanh tại TP.HCM) chia sẻ.
Hiện Dung đã sử dụng thẻ tín dụng được khoảng 8 năm. Từng không có nhiều kiến thức cho đến hiện sở hữu 3 chiếc thẻ tín dụng và tiết kiệm được 15 triệu/năm nhờ tính năng cashback (hoàn tiền), Dung hài lòng với phương thức chi tiêu này. Bởi nhờ đó, cô không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn tận dụng được ưu đãi xoay vòng vốn hàng tháng.

Thuỳ Dung (Ảnh: NVCC)
Tiết kiệm ít nhất 1 triệu/tháng nhờ thẻ tín dụng
Dung đang dùng 3 thẻ tín dụng với những mục đích khác nhau: Có thẻ cô dùng hạn mức cao để dự phòng lúc cần xoay vòng tiền, có thẻ để chuyển đổi ngoại tệ, có thể dùng để hoàn tiền sau khi chi tiêu.
Đang có cửa hàng online của riêng mình, Dung thấy dùng thẻ tín dụng không chỉ tiện trong chi tiêu hàng ngày mà còn là xoay vòng vốn kinh doanh. Cô chia sẻ: “Có mấy lý do chính để mình sử dụng thẻ tín dụng: Ứng trước tiền đến 55 ngày miễn lãi; các chính sách cashback, giảm giá của các ngân hàng; chi tiêu nước ngoài khi đi du lịch, mua sắm, chạy quảng cáo; thanh toán trả góp tiện lợi và nhiều chỗ còn không mất phí trả góp.
Ở góc độ là một người dùng thông thường, mình sử dụng thẻ tín dụng trong các chi tiêu gia đình cho mục đích hoàn tiền. Ví dụ mình có thẻ hoàn tiền 10% khi mua sắm online, 6% khi đi siêu thị. Mỗi tháng mình chi tiêu cho gia đình từ 5-10 triệu thì cũng đã được hoàn khoảng 1 triệu đồng.
Ở góc độ là 1 chủ shop online nhỏ, thẻ tín dụng giúp mình trả các chi phí vận hành shop, như tiền quảng cáo Facebook/Instagram, tiền nhập các loại bao bì, sample (mẫu thử)… khi mình mua sắm online. Ngoài ra, mình có thể chi tiêu trước và thanh toán vào cuối kì sao kê, nên nói dễ hiểu hơn là mình được mượn vốn, nhưng miễn trả lãi trong khoảng 1 tháng”.
Nhiều người cho rằng, thẻ tín dụng là “con dao hai lưỡi” vì dễ khiến người dùng mang nợ nếu không biết kiểm soát chi tiêu. Dung cho rằng điều này là đúng.
“Mình thấy người dùng có thể mang nợ vì 3 trường hợp. Thứ nhất, bạn quên hoặc không có khả năng thanh toán sao kê đúng hạn thì tiền lãi rất cao. Do đó, số tiền bạn phải trả càng ngày càng nhiều và cộng dồn dẫn đến mang nợ. Thứ hai, bạn chi tiêu quá khả năng trả vì thường thẻ tín dụng có hạn mức cao gấp 2-5 lần so với thu nhập thực tế của bạn. Cũng vì thế, nhiều bạn khi nhìn thấy số dư trong tài khoản có quá nhiều số 0 thì dễ rơi vào trạng thái mua sắm không kiểm soát lắm. Cuối cùng, có trường hợp nữa là bạn có thẻ tín dụng nhưng ít dùng, nên khi bị mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ, thì có thể bị nhóm đối tượng xấu gây ra những khoản nợ không đáng có” , Dung nói.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm của mình, Dung cho rằng nếu biết kiểm soát chi tiêu thì thẻ tín dụng là công cụ thanh toán tốt mà bạn nên thử. “Bạn cần xem lại thẻ tín dụng của mình có ưu đãi nào để sử dụng nó tối đa. Ví dụ thẻ A dùng để hoàn tiền khi đi siêu thị, mình sẽ xài chúng để mua thực phẩm hàng tháng cho gia đình. Thẻ B dùng để hoàn tiền khi mua online, mình sẽ xài chúng để mua đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, quần áo qua sàn thương mại điện tử, các web online bán hàng… Nhìn chung, nếu bạn chi tiêu đúng mục đích, theo hạn mức tài chính đã đề ra, thanh toán sao kê đúng hạn thì mình thấy không có gì quá khó để kiểm soát thẻ tín dụ ng”.

Ảnh minh hoạ
Lời khuyên cho những người dùng thẻ tín dụng
Có kinh nghiệm 8 năm dùng thẻ tín dụng, dưới đây là lời khuyên của Thuỳ Dung để “làm chủ” thẻ, tận dụng ưu đãi mà không phụ thuộc, hay lạm dụng chúng.
– Nên quan tâm đến phí thường niên: Có những ngân hàng miễn phí thường niên hoặc phí thường niên rẻ. Thường các thẻ có tính năng hoàn tiền thì sẽ mất phí thường niên, hoặc miễn phí năm đầu và những năm sau tính phí. Nếu bạn muốn dùng thử thẻ tín dụng 1 năm xong huỷ thì nên lưu ý thêm cả phí phạt khi đóng thẻ mà không gia hạn.
– Chọn những ngân hàng có hệ thống hỗ trợ nhanh và tiện trên app, hoặc có hotline để mình hỏi những vấn đề trong sao kê, hoặc báo cáo khi có sự cố cần khoá thẻ.
– Tuỳ vào thói quen chi tiêu mà bạn lựa chọn thẻ hoàn tiền phù hợp. Ví dụ bạn quen đi chợ truyền thống thì việc chọn thẻ hoàn tiền khi mua sắm ở siêu thị sẽ không có ý nghĩa gì.
– Nhớ thanh toán dư nợ đúng hạn, đúng số tiền.
– Có dịp các ngân hàng sẽ tặng chủ thẻ tín dụng quà như vali, gối ôm… hoặc có chính sách hoàn tiền rất cao đợt đầu. Bạn nên hỏi thử nhân viên tư vấn thẻ để không bị mất cơ hội nhé.
– Không nên lấy hạn mức thẻ quá cao so với thu nhập và nhu cầu chi tiêu. Lấy thẻ tín dụng có hạn mức gấp 2-3 lần lương là ổn rồi. Thực tế, khi bạn nhìn tài khoản có nhiều số 0 thì thích thật nhưng cũng có rủi ro khi bạn bị hack hoặc mất thẻ vào tay kẻ xấu.
– Khi có thẻ rồi thì hãy bảo mật thẻ thật kĩ nhé. Bạn nên hạn chế đưa thẻ cho người lạ, hoặc tích hợp thẻ vào điện thoại cũng được và bỏ thẻ cứng ở nhà cho an toàn.
Cảm ơn Thuỳ Dung vì những chia sẻ!
Nguồn: https://kenh14.vn/nghe-co-gai-dung-the-tin-dung-da-8-nam-noi-ve-cach-co-the-tiet-kiem-15-trieu-215250226184658733.chn