Mai Dũng cho biết anh quyết tâm theo đuổi đam mê diễn xuất ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông. Năm 1985, nam khách mời chính thức thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu (nay là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và bắt đầu hành trình theo đuổi nghệ thuật. Sau bốn năm miệt mài, Mai Dũng tốt nghiệp và về công tác tại đoàn ca múa tỉnh Cửu Long. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn, nam diễn viên quyết định về lại TP.HCM.
Khi đó, nam nghệ sĩ quyết định tìm kiếm cơ hội mới tại đoàn kịch Kim Cương, nổi tiếng với các nghệ sĩ hàng đầu như Thanh Trà, Kim Cương và Hữu Châu. Thế nhưng đồng lương ít ỏi từ những vai phụ, quần chúng là không đủ để Mai Dũng lo toan cho anh và vợ. Anh rời đoàn kịch lần nữa và đi bán màn ni-lông.
Năm 1992, khi Phước Sang và thầy Hữu Luân đề nghị anh tham gia nhóm hài Tuổi đôi mươi, cùng với các diễn viên như Hữu Nghĩa, Hoàng Sơn, Nhật Cường, Mai Dũng đã tìm thấy vị trí của mình trong lòng khán giả qua những vai diễn hài đầy biến hóa.
Một trong những vai diễn ấn tượng nhất là trong vở Thị Màu lên chùa, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn Công Ninh. Với giọng cười “ma quái” và phong cách diễn duyên dáng, Mai Dũng mang đến cho khán giả những trận cười sảng khoái, khẳng định tài năng của mình. Sau đó, nam khách mời tiếp tục đóng thêm vài phim cổ tích như Cây tre trăm đốt, Cánh buồm ảo ảnh,…
Hồi thi tốt nghiệp, thầy Trần Ngọc Giàu mời Mai Dũng đóng vai chính Lê Long Đĩnh. Tuy nhiên một người bạn của anh xin đổi vai, thế là đưa đẩy làm sao Mai Dũng lại nhận vai thái giám. Hoàn thành xuất sắc phần diễn, Mai Dũng được thầy khuyên nên đi diễn hài chứ đừng diễn chính kịch nữa.
Không chỉ dừng lại ở diễn xuất, Mai Dũng còn thử sức với vai trò đạo diễn. Đối với anh, làm đạo diễn là một thử thách đầy áp lực khi phải quản lý tất cả các khâu từ kịch bản, chọn cảnh, cho đến biên tập và dựng phim. Tuy nhiên, sau thời gian dài làm đạo diễn, nghệ sĩ Mai Dũng vẫn luôn nhớ về khán giả của mình, anh quyết định tập trung nhiều hơn vào vai trò diễn viên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghe-si-mai-dung-tiet-lo-buoc-ngoat-lon-trong-nghe-khi-dien-hai-cung-phuoc-sang-185241104190103472.htm