Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeThời SựNgười dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng...

Người dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 sang C1?

Chỉ đổi GPLX khi gần hết hạn

Những ngày gần đây có hàng trăm người dân đến Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm các thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX).

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, nhiều người có nhu cầu đổi GPLX từ hạng B1, B2 cũ sang hạng C1 mới không thể thực hiện trực tuyến. 

13h30 ngày 19/2, sau hơn 2 tiếng xếp hàng chờ đợi, ông Nguyễn Đại Việt (53 tuổi, trú phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) đã lấy được số thứ tự để làm các thủ tục đổi GPLX từ hạng B2 cũ sang C1. 

“Ban đầu tôi định đổi từ B2 cũ sang hạng B mới nhưng qua các thông tin trên báo Dân trí về việc đổi như vậy có nhiều “thiệt thòi” nên tôi quyết định đổi sang hạng C1 mới”, ông Việt nói và cho biết, trước đó đã đổi trực tuyến nhiều lần nhưng không thành công.

Người dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 sang C1? - 1

Người dân xếp hàng chờ lấy số để làm các thủ tục đổi GPLX (Ảnh: Nguyễn Hải).

Do việc đổi sang C1 không thể thực hiện online nên ngày 19/2, ông Việt đến trực tiếp bộ phận một cửa của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội tại số 16 phố Cao Bá Quát (quận Ba Đình) để làm các thủ tục.

Chiều 19/2, trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề trên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia hiện chưa hỗ trợ trực tuyến việc đổi GPLX hạng B1, B2 cũ sang C1 mới.

Theo ông Thống, phần mềm đổi GPLX trực tuyến chỉ cài đặt chế độ mặc định một lựa chọn từ hạng B1, B2 sang hạng B, chưa đáp ứng được nhiều lựa chọn cùng một lúc.

Do đó, người dân có nhu cầu đổi GPLX cũ từ hạng B1, B2 sang C1 mới phải đến nộp hồ sơ và làm thủ tục trực tiếp tại các cơ sở cấp đổi GPLX trên toàn quốc.

Người dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 sang C1? - 2

Ông Nguyễn Đại Việt làm các thủ tục để đổi GPLX hạng B2 cũ sang C1 mới (Ảnh: Nguyễn Hải).

“Thủ tục đổi GPLX sang hạng C1 bao gồm đơn đề nghị đổi GPLX, giấy khám sức khỏe phù hợp với hạng cần đổi”, ông Thống cho hay.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên những ngày qua, nhiều người GPLX còn hạn sử dụng 1-2 năm nhưng vẫn xếp hàng để đổi sang GPLX mới do lo sợ khi chuyển sang Bộ Công an sẽ có thêm các thủ tục.

Trước vấn đề này, ông Thống khuyến cáo người dân chỉ nên đổi GPLX khi đã gần hết hạn, còn lại đều có thể sử dụng và không vi phạm các quy định. 

Ông nhận định, khi chuyển sang Bộ Công an các thủ tục cũng sẽ thuận tiện nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất. 

Người dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 sang C1? - 3

Người dân đọc kỹ các quy định trước khi thực hiện việc đổi GPLX (Ảnh: Nguyễn Hải).

Mới đây Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án tiếp nhận, bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp GPLX từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về Bộ Công an.

Quá trình bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ giữa Bộ Công an và Bộ GTVT phải bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.

Theo Cục CSGT, quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trao đổi, thống nhất, đồng thuận các nội dung, hình thức, phương pháp tiếp nhận, bàn giao; có văn bản hướng dẫn cụ thể công an các đơn vị, địa phương và các Sở GTVT thực hiện.

Đặc biệt, trong việc phân công, phân cấp nhiệm vụ và bố trí nguồn nhân lực ở công an các cấp, gồm cấp bộ, cấp tỉnh và cấp xã.

Theo đó, cấp Bộ giao Cục CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng Cục Đường bộ Việt Nam, cấp tỉnh giao phòng CSGT tiếp nhận và thực hiện các nhiệm vụ tương ứng sở GTVT, cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại GPLX để phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở.

Cũng theo Cục CSGT, định hướng thời gian tới khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp GPLX, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và công tác tổ chức thực hiện; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm, trang thiết bị hiện đại, áp dụng thống nhất trong cả nước, đẩy mạnh cải cách hành chính.

Sở GTVT tiếp tục đổi GPLX

Ngày 19/2, theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), hiện chưa hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX của người dân sang Bộ Công an.

Khi nào có thời gian cụ thể, Cục Đường bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương.

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục cấp, đổi GPLX trong lúc chờ chuyển giao nhiệm vụ này cho Bộ Công an.

Người dân đến đâu để đổi giấy phép lái xe từ hạng B1, B2 sang C1? - 4

Mặc dù thời gian chờ đợi lâu nhưng quá trình làm các thủ tục chỉ diễn ra trong 3-5 phút (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo Cục đường bộ, Sở GTVT phối hợp tổ chức chuẩn bị bàn giao nhiệm vụ sát hạch, cấp GPLX và tổ chức tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cấp mới, đổi, cấp lại GPLX, cấp GPLX quốc tế phục vụ nhu cầu người dân là việc quan trọng nên đề nghị các sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải phối hợp với công an địa phương chuẩn bị bàn giao hồ sơ, tài liệu, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật có liên quan đến công tác sát hạch, cấp GPLX theo công văn hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam ngay khi có quy định về thời điểm chuyển giao nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền.

Sở Giao thông vận tải trực tiếp phối hợp và chỉ đạo các trung tâm sát hạch lái xe phối hợp với công an địa phương tổ chức các lớp tập huấn sát hạch viên cho công an địa phương nhằm tập huấn, trang bị đầy đủ các kiến thức về lý thuyết, nghiệp vụ, thực hành tại trung tâm sát hạch lái xe và quy trình sát hạch lái xe để cán bộ cảnh sát giao thông sử dụng thành thạo các trang thiết bị, các phần mềm sát hạch lý thuyết, mô phỏng các tình huống giao thông,…

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định 15 hạng giấy phép lái xe, trong đó gộp bằng lái ô tô B1 và B2 thành B. Tài xế đang sở hữu bằng B1, B2 (cũ) có thể đổi sang bằng B hoặc C1 (mới).

Cụ thể, giấy phép lái xe hạng B2 cho phép tài xế lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Giấy phép lái xe hạng B vẫn được điều khiển ô tô chở người đến 9 chỗ (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn.

Còn giấy phép lái xe hạng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-den-dau-de-doi-giay-phep-lai-xe-tu-hang-b1-b2-sang-c1-20250219161253502.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay