Rửa mặt để ước nguyện thành sự thật
Trời mưa lất phất, chị Kim Thùy (38 tuổi) vẫn lặn lội từ Tây Ninh đến Hóc Môn (TPHCM), đến Miễu Mạch Nước cầu bình an.
Hòa trong dòng người tấp nập đến đây để cầu nguyện, chị Thùy dắt tay con trai đến hồ nước trong veo giữa khuôn viên miễu, vừa rửa mặt cho mình và cho con, vừa dặn dò con cầu nguyện sức khỏe, tinh thần phấn chấn.
Chị Thùy chia sẻ bản thân biết đến Miễu Mạch Nước đã lâu qua mạng xã hội. Chị nghe mọi người nói rằng đây là nơi linh thiêng để cầu nguyện về sức khỏe và tài lộc nhưng mãi đến nay mới có dịp ghé qua.
“Sẵn dịp cuối tuần, tôi đến Hóc Môn thăm bà con, rồi cùng mọi người ghé qua ngôi miễu này để cầu sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Thấy ai đến miễu cũng rửa mặt ở hồ nước trong veo trong sân để mang lại sự bình an, may mắn, tôi cũng làm theo.
Nước trong hồ cứ phun trào liên tục, dòng nước trong veo, mát lạnh khiến tôi thấy sảng khoái khi rửa mặt. Tôi cũng múc nước rửa mặt cho con với mong muốn con sẽ đón nhận những điều tốt đẹp”, chị Thùy chia sẻ.
Chị Thùy cho biết bản thân đã đi rất nhiều nơi thờ tự linh thiêng khác nhưng chưa thấy nơi nào có mạch nước liên tục phun trào lạ kỳ như vậy.
Không riêng gì chị Thùy, nhiều người đến miễu thắp hương xong đều ra hồ nước trong sân để uống và rửa tay. Họ quan niệm nước này có thể mang đến may mắn, sức khỏe, biến mọi điều ước thành hiện thực.
Người dân đến Miễu Mạch Nước dùng “nước thiêng” rửa mặt để cầu sức khỏe, tài lộc (Ảnh: Mộc Khải).
Anh Hoàng Nguyên (41 tuổi, quận 7) cũng lặn lội hơn 1 tiếng đồng hồ để đến Miễu Mạch Nước. Anh đã đến đây vài lần, nhờ sự chỉ dẫn của một người bạn. Mỗi lần đến anh đều rất thành tâm và tin tưởng những ước nguyện của mình sẽ thành sự thật.
“Cách đây 2 tuần, tôi đến đây để cầu nguyện cho một người dì có nguy cơ mắc bệnh nan y. Mới đây, dì tôi nhận kết quả xét nghiệm lành tính, tai qua nạn khỏi nên tôi quay lại đây cầu nguyện sức khỏe cho cả gia đình”, anh Nguyên nói.
Nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, chị Huỳnh Linh (30 tuổi, huyện Củ Chi) lại cùng chồng con dắt nhau đến Miễu Mạch Nước cầu nguyện. Chị nói từ khi được biết đến ngôi miễu này, chị đã thấy dòng nước tự phun trào thật thần kỳ.
Rửa mặt bằng dòng nước mát, chị Linh nói bản thân chỉ cầu mong sức khỏe cho gia đình. “Bà con tôi dắt tôi đi, rồi khi tôi về nhà chồng ở Củ Chi, tôi lại đưa chồng con đến đây cầu nguyện. Bước vào miễu, tôi thấy tinh thần phấn chấn, tâm an lành, nên tôi tin tưởng và duy trì đến đây nhiều năm nay”, chị Linh tâm sự.
Dòng “nước thiêng” phun trào từ mặt đất
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Hai Rơ (Hóc Môn) – người coi sóc trong ngoài ở Miễu Mạch Nước – cho biết bao năm qua, ngôi miễu này là điểm đến tâm linh thu hút người dân ở khắp mọi miền. Dòng nước bí ẩn không biết bắt nguồn từ đâu nhưng lại mang đến niềm tin, hy vọng cho nhiều người.
Các gia đình đưa nhau đến Miễu Mạch Nước cầu nguyện, rửa mặt vào ngày đầu tháng, ngày Rằm (Ảnh: Mộc Khải).
Ông Hai Rơ cho biết mình đã ngoài 60, làm việc ở miễu mấy năm nay. Song, cuộc đời ông gắn liền với Miễu Mạch Nước bởi ông sinh ra và lớn lên tại khu vực này.
Khi còn nhỏ, ông thường chạy ra khu này tắm dưới những hồ nước. Khi đó, ngôi miễu chưa được xây lên, nơi đây là đồng ruộng, cỏ mọc cao. Chỗ mạch nước phun trào nhiều năm không có gì che đậy, trở thành những vũng nước lớn.
“Thời điểm đó, ở đây có một ngôi nhà nhỏ mái đỏ, trước cửa có Ông Ngựa. Sau này, khi thấy mạch nước chảy mãi, những người lớn tuổi trong khu vực đã họp lại, xây dựng ngôi miễu này và lấy tên là Miễu Mạch Nước, xây thềm gạch khang trang để dòng nước phun lên không lẫn bùn lầy”, ông Hai Rơ chia sẻ.
Ngoài rửa mặt tại chỗ, người dân còn mang nước về nhà để dùng (Ảnh: Mộc Khải).
Theo lời người dân, tính đến nay, mạch nước ở Miễu Mạch Nước đã phun trào hơn 150 năm. Miễu mở cửa từ 6h đến 19h mỗi ngày, thường hút khách vào dịp Tết Nguyên đán, mùng 1 và 15 Âm lịch hằng tháng. Ở vị trí hồ nước có bố trí nhiều ca múc nước để khách thập phương rửa mặt.
Ông Hai Rơ cho biết, trong Miễu Mạch Nước thờ Thủy Long Thánh Mẫu. Bên ngoài, tượng Ông Ngựa sừng sững. Mọi người truyền tai nhau khi đến miễu, rung chiếc chuông nhỏ trước cổ Ông Ngựa thật lớn, rồi chui qua Ông Ngựa thì tinh thần sẽ phấn chấn hơn.
“Người dân đến cầu nguyện ở miễu sẽ thắp nhang trước, rồi chui qua Ông Ngựa, rửa mặt dưới hồ. Không phải ai cũng tin vào câu chuyện về mạch “nước thiêng”, nhưng nhiều năm qua Miễu Mạch Nước đã tiếp đón rất nhiều người dân mang theo tâm nguyện bình an, sức khỏe.
Theo quy định ở đây, nước trong hồ chỉ để rửa mặt hay uống, không được dùng để gội đầu. Tuy nhiên, có người vẫn dùng nước ở đây gội đầu, bởi những ngày người dân đến miễu đông, người quản lý miễu khó lòng kiểm soát được”, ông nói.
Đến Miễu Mạch Nước, người dân thường chui qua Ông Ngựa để cầu bình an (Ảnh: Mộc Khải).
Ngoài uống nước và rửa mặt tại chỗ, nhiều người còn mang theo chai lọ, thậm chí những thùng to để chứa nước mang về cho những người thân trong gia đình dùng. Về điều này, ông Hai Rơ nói đó là chuyện bình thường.
“Người dân rất thoải mái lấy nước mang về, bởi mạch nước đã phun trào mãi chưa dứt hơn 150 năm nay”, ông nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Lê Thị Hồng Nhung – Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) – cho biết nhiều năm qua, dòng nước tại Miễu Mạch Nước cứ phun trào không dứt, thu hút khách thập phương đến đây cầu nguyện.
“Miễu Mạch Nước là điểm đến tâm linh nổi tiếng tại địa phương. Miễu có những quy định riêng, song chúng tôi cũng khó lòng kiểm soát được người dân sẽ lấy nước tại miễu để làm việc gì.
Vì thế, để đảm bảo sức khỏe của người dân, UBND xã có tổ chức xét nghiệm mẫu nước định kỳ 6 tháng 1 lần, để đảm bảo sự an toàn khi người dân sử dụng. Dù vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần đun sôi nước trước khi đưa vào cơ thể”, bà Nhung nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/nguoi-dan-tphcm-ru-nhau-rua-mat-o-ngoi-mieu-co-mach-nuoc-phun-trao-150-nam-20250103173209456.htm