Một người phụ nữ gặp vấn đề ở vùng cổ trong một buổi tập gym và qua đời sau đó vài tuần. Theo Daily Mail, vụ việc đáng tiếc diễn ra vào cuối năm 2021 nhưng mới được chia sẻ gần đây khi những thông tin liên quan được công bố.
Nạn nhân xấu số là Joanna Kowalczyk, 29 tuổi, đến từ Anh. Vào tháng 9/2021, cô nghe thấy một tiếng “rắc” ở cổ trong lúc tập cùng HLV cá nhân tại phòng gym. Joanna đến bệnh viện để kiểm tra và đã tiến hành chụp CT khu vực chấn thương. Cô được cho đã bị tách động mạch (một vết rách ở niêm mạc của động mạch).
Sau đó, Joanna đã không chữa trị tại bệnh viện mà tự tìm đến một cơ sở nắn xương. Tại đây, cô chia sẻ về cơn đau đồng thời cho biết bản thân đã tiến hành kiểm tra ở bệnh viện trước đó. Dù vậy, chuyên gia nắn xương đã không xem hồ sơ bệnh án, bắt tay vào quá trình điều trị.
Daily Mail cho biết cô đã tham gia 4 buổi điều trị “nắn bóp” trong quãng thời gian từ tháng 9-10/2021.
Trong buổi điều trị vào ngày 16/10, chuyên gia tiến hành điều chỉnh phía bên trái cổ của Joanna. Ngay lập tức, cô cảm thấy chóng mặt. Báo cáo cho biết cô còn bị mờ mắt, ngứa ra ở chân phải và tay phải, theo kèm tình trạng nôn mửa.
Cô được khuyên đến bệnh viện nhưng chọn ở lại phòng khám nghỉ ngơi trong vài giờ. Cuối ngày hôm đó, cô gặp khó khăn trong việc nói.
Sáng 17/10, Joanna cảm thấy “rất không khỏe”, ý thức bị giảm sút. Trên xe cứu thương, tình trạng của Joanna xấu đi, phải thở máy. Chụp cắt lớp cho thấy Joanna có mô não bị chết. Cổ của cô có một vách ở thành một mạch máu. Hai ngày sau, Joanna qua đời.
Bà Leila Benyounes là người trực tiếp khám nghiệm tử thi. Hồi tuần trước, bà đã công bố những thông tin liên quan đến vụ việc, khẳng định Joanna tử vong do hậu quả của phương pháp điều trị nắn xương.
Leila hy vọng sau vụ việc vừa qua Hội đồng nắn xương của Vương quốc Anh sẽ ban hành quy định yêu cầu các chuyên viên nắn chỉnh xương xem bệnh án và kiểm tra tiền sử bệnh trước khi tiến hành điều trị.
“Tôi cho rằng việc thu thập và xem xét các hồ sơ y tế cần phải luôn được thực hiện trước khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, đặc biệt là những hồ sơ bệnh án gần đây”, Leila nhận định.
Về phần Joanna, tờ The Times cho biết cô bị mắc chứng rối loạn mô liên kết khiến cơ thể dễ bị tổn thương hơn trong trường hợp bị tách động mạch. Bệnh sử của Joanna cũng ghi việc cô thường xuyên bị đau nửa đầu và các vấn đề tăng động khớp.
Bên cạnh đó, việc tập luyện tại phòng gym cũng cần lưu ý đặc biệt. Mayo Clinic cho biết người tập phải chọn bài tập phù hợp, tập đúng động tác, không quá sức. Nếu cảm thấy đau khi thực hiện một bài tập, cần lập tức dừng lại. Khởi động trước buổi tập là điều bắt buộc. “Cơ bị nguội dễ gặp chấn thương hơn cơ đã được làm nóng. Trước khi nâng tạ, bạn cần khởi động từ 5-10 phút”, Mayo Clinic cho hay.
Nguồn: Daily Mail, The Times
AB
Nguồn: https://kenh14.vn/nguoi-phu-nu-nghe-tieng-rac-o-co-khi-tap-gym-qua-doi-sau-do-mot-thang-215250203145104012.chn