Thứ ba, Tháng tư 22, 2025
HomeThời SựNgười trẻ đừng để trí tuệ nhân tạo làm chủ mình!

Người trẻ đừng để trí tuệ nhân tạo làm chủ mình!

“Chị Ninh ơi, chị thử xem những gì trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp về chị có chính xác không?”, một người quen sau khi ra đầu bài cho AI tóm tắt tiểu sử của tôi – Tôn Nữ Thị Ninh – đã nhận được kết quả hơn nửa trang và đưa cho tôi để tôi kiểm tra.

Tôi đọc và phải công nhận rằng, kết quả của AI hầu hết là đúng. Sự nhanh nhẹn, tiện ích của AI có lẽ cũng là nguyên nhân khiến vấn đề AI và tương lai nghề nghiệp của người trẻ trở nên “nóng” lên hơn bao giờ hết. Không ít bạn trẻ bày tỏ mối lo ngại có thể bị AI “cướp việc”, bị AI thay thế.

Với bước tiến vũ bão của khoa học công nghệ, con người đã tạo ra các công cụ ngày càng tinh vi và hiệu quả vượt sức tưởng tượng. Với các mô hình AI, chúng ta chỉ cần nhập vào một số từ khóa cho câu lệnh là có sản phẩm trong tích tắc, điều mà có khi chúng ta tự làm thì phải cất công mò mẫm, tìm hiểu phải mất đến hàng giờ, hàng ngày liền.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhắc lại rằng, làm sao hãy giữ cho AI là công cụ đắc lực phục vụ con người, con người phải “làm chủ” được AI chứ đừng để AI “làm chủ” con người. Sử dụng AI cần xác định khả năng, hiệu quả cũng như giới hạn của AI. 

Người trẻ đừng để trí tuệ nhân tạo làm chủ mình! - 1

Người trẻ cần tìm cách làm chủ AI chứ đừng để AI làm chủ mình (Ảnh minh họa: Grok).

Tôi trở lại với ví dụ ở trên, những gì AI tìm kiếm và tổng hợp về tôi phần lớn là đúng, nhưng không phải chính xác hoàn toàn. Đối với đề bài “Hãy tóm tắt tiểu sử bà Tôn Nữ Thị Ninh”, AI thống kê, tổng hợp trong chốc lát những dữ liệu đã có sẵn trên các trang web như Wikipedia, các bài báo công khai. 

Duy có một chi tiết sai: Tôi là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM (HPDF) chứ tôi không phải là người sáng lập HPDF như công cụ AI đó viết. Điều này cho thấy AI đã không phân biệt được thông tin không chính xác về tôi trên mạng. Tuy vậy, lỗi đó cũng rất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến tổng thể nội dung bản tiểu sử tóm tắt mà AI tìm hiểu về cá nhân tôi, tôi chấm điểm AI tạm được. Rõ ràng là biết cách sử dụng AI sẽ tiết kiệm cho con người rất nhiều thời gian, nâng cao hiệu suất lao động.

Trong một lần khác, khi tổ chức diễn đàn Thời Khắc Việt, tôi có bảo với đội ngũ làm việc thử giao cho AI theo dõi, ghi nhận và tóm tắt một phiên thảo luận. Thế nhưng, ở nhiệm vụ này thì AI lại làm rất kém khiến tôi vô cùng thất vọng. Các kết quả mà AI thu thập, xử lý rất lộn xộn, như một mớ bòng bong. Trong lúc đó, một người trong đội ngũ cũng chỉ theo dõi phiên thảo luận từ xa song đã tổng hợp đâu vào đấy, rất logic và mạch lạc.

Thế nên, đôi khi dùng AI lại không hề được việc, thời gian để sửa sản phẩm còn lâu hơn so với tự mình làm ra sản phẩm đó!

Như vậy, tôi nghĩ rằng, AI cũng có giới hạn của nó. Nếu đưa nội dung về số liệu, các thông tin công khai, rõ ràng thì AI xử lý tương đối tốt. Còn những vấn đề đi vào quan điểm, tư duy phức hợp, phân tích, đánh giá, các nội dung đi vào chiều sâu cần có vốn văn hóa xã hội thì tôi nghĩ rằng – ở thời điểm hiện nay – AI không thể thay thế được con người. 

Theo tôi, có thể AI sắp xếp hệ thống thông tin dữ liệu sẵn có rất nhanh chóng, là một phụ tá tương đối tốt, phù hợp với một số yêu cầu và nội dung, nhưng AI không thể thay thế hoàn toàn bộ óc con người. 

Làm việc trong lĩnh vực văn hóa xã hội đòi hỏi chiều sâu và tính đa chiều của văn hóa. Có AI nào hấp thụ cùng một lúc nhiều khía cạnh văn hóa, có thể cảm nhận về tính giao thoa và đa chiều của các nền văn hóa hay không? Tôi tự hỏi rằng, tôi đã dành gần cả cuộc đời để trải nghiệm và thấu hiểu văn hóa xã hội phương Tây, Việt Nam và các quốc gia châu Á, và liệu rằng AI có thể hiểu được những vốn sống đó như một con người?

Theo đánh giá của cá nhân tôi, AI có thể trở thành một công cụ hỗ trợ, một phụ tá đắc lực giúp con người thao tác công việc nhanh hơn, “khỏe hơn” song để nói AI thay thế con người trong mọi trường hợp, mọi công việc thì không hẳn. Con người sử dụng AI như công cụ lao động, vẫn phải điều chỉnh, bổ sung và mang lại góc nhìn của con người (nhân sinh quan) để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh. 

Chẳng hạn như trường hợp AI tóm tắt tiểu sử của tôi chẳng hạn, cũng chỉ là tổng hợp thông tin sẵn có trên Wikipedia (bách khoa toàn thư mở trực tuyến) do con người cung cấp. Nhưng từ thông tin để phân tích, cân nhắc, đánh giá và đưa ra nhận định như “trí tuệ con người” thì AI chưa làm được.

Sau tất cả thông tin trong dòng chảy cuộc sống, rồi cũng sẽ có những giá trị đọng lại và người ta sẽ không thể nhầm lẫn được những giá trị của con người tạo ra và những sản phẩm từ AI. Suy cho cùng tự thân AI làm sao có bộ giá trị, nhân sinh quan, quan điểm nếu không phải do con người “chương trình hóa” nó? 

Hiện tại, tôi chưa thật sự dành thời gian và tâm trí để tìm hiểu sâu về công năng cũng như tính hữu ích của AI trong việc nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng theo tôi được biết, nhiều người đã sử dụng và phản hồi tích cực, đặc biệt trong việc cải thiện tốc độ xử lý công việc. Nếu thấy cần thiết, tôi có thể nhờ các trợ lý, phụ tá hỗ trợ trong việc ứng dụng AI vào công việc.

Riêng việc ứng dụng AI vào hoạt động của loại hình công việc đặc thù của Quỹ, kể cả đối với vai trò Chủ tịch Quỹ của tôi là một câu hỏi tôi chưa đặt ra. Có thể sau này, tôi sẽ giao cho một người trong Quỹ phối hợp với trợ lý nghiên cứu như một đề án riêng để đánh giá tiềm năng ứng dụng cho Quỹ.

Tất nhiên người trẻ thì nên khai thác AI như một công cụ đắc lực, nhưng phải nhớ rằng làm sao ta vẫn làm chủ được cuộc chơi.

Tác giả: Bà Tôn Nữ Thị Ninh là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Bà từng du học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh). Bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với vai trò là người trợ giúp vòng ngoài cho Phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong những năm 1968 – 1972 và một số lần là phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Bà còn dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Paris 3.

Bà từng là Đại sứ của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ. Bà cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Hiện tại, bà là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM (HPDF).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/nguoi-tre-dung-de-tri-tue-nhan-tao-lam-chu-minh-20250410175335284.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay