TPO – Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.
Việt Nam chưa có văn hóa đọc?
Vấn đề về văn hóa đọc làm nóng nghị trường Quốc hội khi đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng người Việt Nam được nhận xét là thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách.
Ông cho rằng đọc sách là thói quen rất quan trọng, là quá trình “học tập suốt đời”, giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác. Còn đọc thông tin trên mạng, chỉ là dạng lướt không đầy đủ nội dung, dễ suy nghĩ phiến diện và dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nêu quan điểm về việc người Việt còn thiếu thói quen đọc sách.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng trẻ em đến với sách để đối trọng với tác động tiêu cực của công nghệ số. Việc đọc sách không chỉ giúp trẻ giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử mà còn góp phần hình thành thói quen đọc, rèn luyện tư duy và bồi dưỡng nhân cách.
Văn hóa đọc lâu nay luôn được quan tâm nhưng kết quả còn chưa thực chất. Các thiết chế thư viện, các không gian tự đọc, tự học chưa phát huy được hết giá trị.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL – từng tiết lộ số lượng thẻ đăng ký thành viên của thư viện tại Việt Nam chưa đạt tới 10%. Việc đọc còn hạn chế dẫn tới năng lực tự học giảm xuống, kéo theo nhận thức, đạo đức trong giới trẻ dần xuống cấp, ý thức tham gia vào hoạt động cộng đồng cũng giảm theo.
Số lượng thẻ đăng ký của thư viện tại Việt Nam chưa đạt tới 10%.
TS. Lê Thị Quỳnh Nga – giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – nêu thực tế hiện nay người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ ít dành thời gian cho hoạt động đọc sách.
Đối tượng đọc nhiều sách hơn tập trung vào những người phải đáp ứng yêu cầu của công việc như học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu… mà chưa phải xuất phát từ khát khao tri thức hay say mê vẻ đẹp của ngôn ngữ.
“Một số người khác lại đọc sách theo trend, theo tâm lý đám đông, thích đọc những truyện cấm để thỏa mãn trí tò mò, hoặc chỉ thích đọc truyện tranh, truyện anime với những nội dung hời hợt, thậm chí phản cảm… Tựu trung lại, việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động, và chưa thể gọi là văn hóa đọc được”, TS. Lê Thị Quỳnh Nga nhận định.
Văn hóa đọc phải khởi nguồn từ gia đình
Việc đưa văn hóa đọc vào các nhà trường được coi là việc làm phù hợp, dễ có hiệu quả, tuy nhiên, theo thời gian phương thức này dần để lộ điểm yếu.
“Nhiều trường rất quan tâm đến giáo dục văn hóa đọc, dành nhiều tâm huyết và công sức cho việc hình thành và phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế do nhà trường phải thực hiện nhiều mục tiêu giáo dục khác nhau”, TS. Lê Thị Quỳnh Nga nêu.
Việc đưa văn hóa đọc vào các nhà trường chưa phát huy được hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh đó, thời gian học sinh ở trường có hạn và nguồn lực của các nhà trường cũng có hạn, nên không thể chỉ trông vào nhà trường. Để hình thành văn hóa đọc, các chuyên gia nhấn mạnh cần sự chung tay của ba bên: gia đình – nhà trường và xã hội.
“Để đọc sách trở nên thường xuyên và dần trở thành văn hóa thì gia đình cũng cần đồng hành với con, duy trì, khuyến khích thói quen đọc sách cho các em. Xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nội dung đọc lành mạnh, phù hợp độ tuổi, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng hệ thống thư viện thân thiện tại các trường học, tại những nơi công cộng…”, chuyên gia giáo dục Quỳnh Nga nhấn mạnh.
Một số chuyên gia nhấn mạnh văn hóa đọc phải khởi nguồn từ gia đình. |
Không gian văn hóa đọc sáng tạo là cần thiết nhưng chưa đủ để hình thành văn hóa đọc lâu dài, bền vững. |