Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5-12, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có thông tin như trên.
Trả lời câu hỏi về những giải pháp mang tính đột phá để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 20205 là 8%, tạo tiền đề tăng trưởng hai con số.
Chủ động các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Ông Phương nhận định đây là nhiệm vụ nặng nề, thách thức, phù hợp với mục tiêu và giai đoạn trong tương lai, phấn đấu là quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045.
Các giải pháp cụ thể, toàn diện, ông Phương cho hay sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật. Đây là nhu cầu bức xúc trong việc tháo gỡ điểm nghẽn thể chế đầu tư đang gặp vướng mắc để khơi thông các nguồn lực đang tắc nghẽn.
Về phía cầu sẽ tăng cường đầu tư, tiết kiệm chi thường xuyên để dành vốn cho đầu tư công, đặc biệt là một số dự án quan trọng phải triển khai sớm như dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải PHòng; Hà Nội – Lạng Sơn – Móng Cái…
Tới đây doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ sắp xếp lại, tạo không gian phát triển, tạo đầu tư với doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt và lan tỏa.
Cùng đó là thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc thể chế, pháp luật, tạo sức hấp dẫn hơn trong đầu tư, triển khai chính sách luồng xanh thu hút đầu tư dự án công nghệ cao trong khu công nghệ.
Thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân trong nước trên cơ sở cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng và thành lập mới doanh nghiệp, tháo gỡ và khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…
Đặc biệt liên quan tới xuất khẩu năm 2025, ông Phương cho rằng có thể gặp thách thức tương đối lớn liên quan tới chính sách bảo hộ, chính sách thuế của Mỹ.
Cùng đó là những nguy cơ rủi ro thị trường thương mại thế giới có thể xảy ra từ các cuộc trả đũa thương mại của các nước. Vì vậy cần phân tích và nắm chắc tình hình, ứng phó trước cuộc chiến thương mại.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, khai thác các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, kết nối đảm bảo đầu vào và đầu ra….
Gắn với thúc đẩy tiêu dùng, gắn với sức mua của thị trường trong nước, khi tổng mức bán lẻ doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tháng 1 tăng cao với 9,5%. Vì vậy cần tận dụng trong tháng tới để góp vào tăng trưởng.
Về phía cung, động lực sản xuất kinh doanh cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút du lịch. Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, tận dụng vị thế của Việt Nam đang rất tốt ở bản đồ công nghệ thế giới, lĩnh vực AI.
Thúc đẩy tăng trưởng, giảm lãi suất
Về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay muốn có tăng trưởng cần phải có đầu tư. Mức tăng trưởng 8% là tích cực, nhưng cần phải có sự cố gắng, giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Để có mức tăng trưởng 8%, tín dụng phải tăng gấp đôi. Tức hai phần trăm tăng trưởng tín dụng là một phần trăm tăng GDP, yêu cầu có sự đầu tư, hiệu quả đầu tư của các nguồn lực xã hội. Với mức tăng trưởng 8%, tăng trưởng phải 16%, thậm chí là 18-20%.
“Năm nay làm sao có đủ vốn cho nền kinh tế, cho đầu tư cả vốn trung và dài hạn, khi thị trường chứng khoán, trái phiếu và thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc. Vì vậy, việc cung ứng vốn là trách nhiệm nặng nề” – ông Tú nói.
Để đạt mục tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chính sách linh hoạt với các chính sách khác.
Đó là đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, đẩy mạnh vốn nhàn rỗi ra nền kinh tế, chính sách lãi suất hợp lý. Khi cần vốn đầu tư sẽ dùng công cụ cung ứng vốn, tái cấp vốn. Điều hành lãi suất ổn định, phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế và các yêu cầu vĩ mô kinh tế khác, theo hướng giảm dần lãi suất.
Hạn mức tín dụng đặt ra 16% nhưng có thể cao hơn nếu kiểm soát lạm phát, đạt được mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại được nâng hạn mức tín dụng, kiểm soát tổng thể tín dụng.
Về tỉ giá, ngoại tệ sẽ duy trì ổn định, có biện pháp can thiệp khi cần thiết, đảm bảo tỉ giá hợp lý, tránh tâm lý găm giữ, đối phó. Có chính sách triển khai gói tín dụng ưu đãi hiệu quả trong thời gian tới…
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-tac-dong-xuat-khau-ra-sao-20250205174332961.htm