Thứ hai, Tháng hai 10, 2025
HomeSức KhỏeNguy cơ nhồi máu cơ tim khi trời đột ngột trở lạnh

Nguy cơ nhồi máu cơ tim khi trời đột ngột trở lạnh

Thời tiết lạnh đột ngột dễ làm tăng huyết áp, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch, mất nước, ít vận động… là các yếu tố thúc đẩy nhồi máu cơ tim.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo đợt không khí lạnh mạnh kéo nền nhiệt độ miền Bắc xuống thấp, rét đậm rét hại, vùng núi có thể xuất hiện mưa tuyết và băng giá.

Ngày 8/2, ThS.BS Nguyễn Hoài Vũ, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thời tiết đột ngột trở lạnh có thể khiến bệnh tim mạch trở nặng, gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Hệ thống bệnh viện Tâm Anh ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim tăng đáng kể, khoảng 20-30%.

Bác sĩ Vũ giải thích trời lạnh không trực tiếp gây nhồi máu cơ tim mà góp phần thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh tăng lên. Khi nhiệt độ giảm, các mạch máu trong cơ thể co thắt, đồng thời tăng hoạt tính thần kinh giao cảm, từ đó gây tăng huyết áp đột ngột, co thắt mạch vành. Huyết áp tăng cao từ 140/90 mmHg trở lên làm tăng áp lực của dòng máu trên thành động mạch nuôi tim. Khi có mảng xơ vữa, áp lực dòng máu lớn khiến mảng này dễ bong ra, di chuyển trong lòng mạch, dẫn đến bít tắc mạch. Tim không được cung cấp đủ máu, oxy rơi vào tình trạng thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng.

Khi trời lạnh, độ nhớt của máu tăng lên. Thân nhiệt giảm trong thời tiết lạnh nên cơ thể tự vệ bằng cách xuất hiện phản ứng co mạch để giữ nhiệt cho cơ quan quan trọng như não và tim. Quá trình co mạch này có thể tạo áp lực lên hệ thống tim mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nhiệt độ cũng khiến cơ thể dễ mất nước nhanh hơn, gây tăng độ nhớt của máu, máu dễ bị đông. Nồng độ tiểu cầu tăng dẫn đến hình thành cục huyết khối làm tắc nghẽn dòng chảy. Tất cả những yếu tố trên làm cho mạch máu của người bị mắc xơ vữa sẵn có rất dễ tắc nghẽn hoặc nứt vỡ các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch vành, từ đó nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Vũ cho hay xu hướng ít vận động, hoạt động thể chất giảm, ngồi lâu khi trời lạnh khiến máu giảm lưu thông. Một số người vẫn duy trì vận động thể dục thể thao song tập luyện ngoài trời mà không giữ ấm đủ cho cơ thể cũng không tốt. Đây đều là các yếu tố thúc đẩy nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim thường có triệu chứng điển hình là đau ngực, mức độ đau tùy cơ địa mỗi người. Ở mức độ nặng, người bệnh đau dữ dội, ôm ngực, hụt hơi, buồn nôn, khó thở, chóng mặt, say xẩm, thậm chí đột tử. Các biến chứng khác nguy hiểm cũng có thể xảy ra như tụt huyết áp, loạn nhịp nguy hiểm, thủng cơ tim, hở van hai lá hoặc suy tim nặng. “Bệnh nhân sống sót sau nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong cao gấp 6 lần so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi”, bác sĩ Vũ nói.

Người bệnh tới khám tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đông hơn vào những ngày chuyển rét đậm. Ảnh: Ly Nguyễn

Người bệnh tới khám tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội đông hơn vào những ngày chuyển rét đậm. Ảnh: Ly Nguyễn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm toàn cầu có 17,5 triệu người tử vong do các bệnh tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim là cấp cứu khẩn, nếu không kịp thời, nguy cơ tử vong 50%. Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ, tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp ở người bệnh trẻ, dưới 45 tuổi, tăng dần theo thời gian, hiện chiếm 6-10% tổng số người bệnh nhồi máu cơ tim cấp.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo mỗi người nên giữ gìn sức khỏe trong thời tiết lạnh để đề phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Người cao tuổi (trên 65 tuổi), có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rung nhĩ, rối loạn mỡ máu, tiểu đường… cần khám sức khỏe thường xuyên. Nên giữ ấm cơ thể dù ở trong nhà hay ra ngoài trời để không bị nhiễm lạnh. Hạn chế ra ngoài vào đêm khuya hoặc sáng sớm khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Duy trì tập thể dục đều đặn, lựa chọn tập luyện trong nhà để giảm tác động khắc nghiệt của thời tiết. Sau khi tập, hãy lau khô mồ hôi và tắm với nước ấm, không tắm nước quá nóng hay quá lạnh, không tắm lâu và tắm đêm khuya muộn sau 22h hoặc sáng sớm trước 6h.

Mọi người cũng nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, cân đối dưỡng chất, uống đủ hai lít nước mỗi ngày, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm, không thức khuya. Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng mỗi lần để phát hiện sớm vấn đề sức khỏe. Người có bệnh nền tim mạch nên tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Người có các triệu chứng như đau ngực, đổ mồ hôi lạnh, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, tụt huyết áp, ngất xỉu… cần thông báo ngay cho người thân, tới bệnh viện sớm nhất.

Ly Nguyễn

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/nguy-co-nhoi-mau-co-tim-khi-troi-dot-ngot-tro-lanh-4847242.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay