Thứ bảy, Tháng hai 8, 2025
HomeThế GiớiNguy cơ rạn nứt quan hệ Mỹ-EU

Nguy cơ rạn nứt quan hệ Mỹ-EU

Ông Trump từng nhiều lần khẳng định thuế quan là trọng tâm trong chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” của ông. Vì vậy, ngay sau khi nhậm chức, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố áp các mức thuế bổ sung với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, EU cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Căng thẳng giữa Mỹ và EU bắt nguồn từ cáo buộc của ông Trump về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai bên, khiến Washington phải gánh mức thâm hụt ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD.

Đây không phải lần đầu sóng gió nổi lên trong quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu đầu tiên của ông Trump, căng thẳng thương mại đã dẫn đến những màn “ăn miếng, trả miếng”, kéo theo tổn thất kinh tế với cả hai bên. Giới phân tích cho rằng, EU đã lường trước được nguy cơ tái diễn cuộc chiến không mong muốn này. Trước khả năng hàng hóa EU bị Mỹ áp mức thuế mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, khối này sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và xây dựng với Mỹ, song sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn nếu bị đánh thuế một cách bất công.

Hiện kịch bản đáp trả vẫn chưa được hé lộ, song Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas nhấn mạnh, “rõ ràng không có bên nào thắng trong các cuộc chiến thương mại”. Nhận định này càng đúng với hợp tác kinh tế giữa Mỹ và EU, vốn được xem là một động mạch chính của nền kinh tế thế giới, với kim ngạch trao đổi thương mại đạt khoảng 1.500 tỷ USD/năm. Chủ tịch EC khẳng định, mối quan hệ kinh tế sâu rộng giữa EU và Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đơn cử có thể kể đến việc các doanh nghiệp EU ở Mỹ đang tạo việc làm cho khoảng 3,5 triệu người dân Xứ Cờ hoa, trong khi một triệu lao động khác của Mỹ có công việc liên quan trực tiếp các hoạt động thương mại với châu Âu.

Là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, Mỹ và EU phải gánh chịu hậu quả rất lớn nếu cuộc chiến thuế quan nổ ra. Đối với EU, nguy cơ bùng nổ căng thẳng thương mại đến vào thời điểm khối này đang đứng trước hàng loạt thách thức. Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2024, nền kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,8%. Hai nền kinh tế đầu tàu khu vực cũng ở trong tình trạng rối ren khi Đức rơi vào suy thoái năm thứ 2 liên tiếp, trong khi Pháp đối mặt sức ép kiểm soát khối thâm hụt ngân sách và núi nợ công ngày càng gia tăng.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo, đòn thuế quan của Mỹ sẽ làm những thách thức tăng trưởng hiện nay ở châu Âu thêm nghiêm trọng, nhất là đối với những nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức. Ngoài ra, tăng trưởng trì trệ cũng có thể gây áp lực lên nền tài chính công, khiến nỗ lực đáp ứng các mục tiêu về giảm thâm hụt và nợ công trở nên gian nan hơn.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng khó tránh khỏi hệ lụy từ xung đột thương mại. Tổng thống Trump coi thuế quan là công cụ hiệu quả để giảm thâm hụt thương mại với các đối tác. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ đối mặt biện pháp áp thuế đáp trả từ phía EU. Các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu có thể phải chịu chi phí sản xuất cao hơn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, người tiêu dùng là đối tượng chính phải trả giá nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, bởi tăng thuế nhập khẩu làm tăng giá hàng hóa trong nước, từ đó ảnh hưởng chi phí sinh hoạt của người dân.

Để tránh rủi ro với nền kinh tế, các nhà lãnh đạo EU đang tìm cách ngăn xung đột thương mại với Mỹ xảy ra. Giới phân tích cho rằng, chọn đàm phán thay vì đối đầu là bước đi cần thiết để tránh được những “cơn sóng dữ” làm xáo trộn quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Nguồn: https://nhandan.vn/nguy-co-ran-nut-quan-he-my-eu-post859122.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay