Chiều 20-2, bên lề Hội nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa X, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã trao đổi với báo chí xung quanh yêu cầu mới đây của Bộ Chính trị và Ban Bí thư là nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cấp trung gian tạo độ trễ, đôi khi thành lực cản
.Phóng viên: Kết luận 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới đây giao các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu việc sáp nhập tỉnh và bỏ chính quyền cấp huyện. Ông đánh giá thế nào về việc này?
+ TS Nguyễn Tiến Dĩnh: Tỉnh quyết nhiều vấn đề, huyện chỉ là cấp trung gian truyền tải xuống, xã là cấp trực tiếp thực hiện, hoặc các quyết sách từ trung ương đến tỉnh và xã là thực hiện.
Cấp huyện gần như không quyết được gì, ngân sách thì tỉnh, chính sách cũng tỉnh và huyện chỉ truyền tải đến cơ sở. Nếu qua cấp trung gian này thậm chí có thể còn có độ trễ và nếu huyện có quyết gì thì cũng không nằm ngoài phạm vi những việc tỉnh đã quyết.
Độ trễ thậm chí còn có lực cản, vì khi thực hiện có thể còn bị biến tướng. Nếu bỏ cấp huyện thì thông suốt.

Vấn đề là bảo đảm cho cấp xã các điều kiện thế nào về bộ máy cũng như các điều kiện khác. Kết luận 126 cũng nói vấn đề này. Chưa bỏ cấp huyện đã phải tăng cường cho cấp xã rồi, bỏ cấp huyện càng cần phải tăng cường.
Bộ Nội vụ mới đây cũng đã đề nghị không còn “công chức cấp xã”. Thực ra cũng không có sự khác biệt giữa công chức với công chức cấp xã về các điều kiện và tuyển dụng mà tất cả đều giúp cho việc nếu bỏ cấp trung gian thì xã vẫn hoạt động tốt.
Hiện chúng ta đã phân cấp, phân quyền, mà phân cấp, phân quyền thì phải đi đôi với trách nhiệm, thẩm quyền. Cấp nào gần dân nhất thì trao cho thẩm quyền.
Chúng ta phân cấp lâu nay cũng có thể chưa triệt để, vì phân cấp là quyền của cấp trên phân cho cấp dưới nhưng cấp trên vẫn chịu trách nhiệm nên phải có sự kiểm tra, đôn đốc.
Phân quyền thì phải theo phương châm như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là củng cố, nâng cao chất lượng cho chính quyền cơ sở đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Hệ thống công an nếu bỏ cấp huyện thì chắc phải đưa xuống xã nhiều. Bộ máy cấp xã có 21-25 nhân sự thì tới đây chắc phải hơn, vì cấp xã có thay đổi, chế độ chính sách, lương cũng phải khác đi. Ngay cả việc luân chuyển từ tỉnh xuống xã hay từ xã lên tỉnh cũng sẽ dễ hơn vì cùng là “công chức” trong hệ thống.
Mục tiêu cuối cùng là tinh, gọn nhưng phải hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mà cái gốc vẫn là hiệu lực, hiệu quả.
. Khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều người ngại vì “đụng chạm” và mất nhiều vị trí. Bài toán này cần được giải quyết thế nào?
+ Từ trước đến nay, chúng ta đã có nhiều cuộc cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Cũng có nhiều chính sách được đưa ra, như gần đây là Nghị định 178 để giải quyết vấn đề này.
Chúng ta cần xác định một quyết tâm chính trị rất cao, nâng cao trách nhiệm của đảng viên, phải thấy đây là thời cơ để đất nước vươn mình. Thực tế ở nhiều tỉnh thành, nhiều giám đốc sở, các thường vụ, trưởng phòng, phó phòng… đều viết đơn xin nghỉ trước tuổi. Tư tưởng và tinh thần, thái độ của đảng viên, công chức phải như vậy.
Chế độ, chính sách của Nhà nước cho các cán bộ, công chức này cũng phải triển khai tốt. Thực tế, khi về nghỉ trước tuổi như vậy, cán bộ, công chức nếu có đủ trình độ cũng có thể phát triển và làm việc trong khu vực tư, rồi đầu tư…
Tựu chung lại, Nhân dân đã đồng tình ủng hộ thì thái độ của công chức, cán bộ, đảng viên cũng nên ủng hộ chủ trương của Đảng.
Tiếp tục thần tốc
. Còn sáp nhập tỉnh thì thế nào? Có ý kiến cho rằng nên hình thành các vùng phát triển, vùng động lực…
+ Từ trước tới nay, ngoài đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta cũng đã nhắc đến các vùng tăng trưởng, vùng động lực. Nếu vùng thì khá rộng, không chỉ là hai, ba tỉnh. Ngoài vùng còn có yếu tố vị trí địa lý, dân số, con người, phong tục tập quán nữa…
Trước năm 1976, chúng ta chỉ có 38 tỉnh. Điều kiện của chúng ta lúc đó về hạ tầng còn khó khăn, đi lại cũng khó, rồi cơ sở vật chất, vấn đề bố trí con người… nên lúc đó tách tỉnh ra đúng là phát triển thật.
Ví dụ, Phú Thọ và Vĩnh Phúc; Bắc Ninh và Bắc Giang; Hải Dương và Hưng Yên; hay Hà Nam Ninh tách thành Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định; Phú Khánh tách thành Phú Yên, Khánh Hòa… Tất cả đều phát triển nhưng đến bây giờ nếu còn duy trì thì khó phát triển, vì các nguồn lực đều đã tới hạn.
. Quá trình triển khai sáp nhập các bộ, ngành rất thần tốc. Tới đây sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện có nên duy trì tính thần tốc đó không?
+ Tôi tin chắc là phải tiếp tục thần tốc. Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Như vậy, phải chuẩn bị nhân sự cho đại hội các cấp và phải ổn định bộ máy các cấp. Vừa rồi, chúng ta sáp nhập bộ, ngành và đã làm tới cấp sở, phòng. Kết luận 126 mới đây cũng nói kể cả toà án, VKS, Thanh tra, các tổ chức, đoàn thể… cũng phải làm đồng bộ.
Chúng ta có sự ủng hộ của nhân dân, sự đồng lòng của cán bộ, công chức, đảng viên, tinh thần kiên quyết, triệt để, vừa chạy vừa xếp hàng, trung ương gương mẫu địa phương làm theo.
. Kết luận 126 cũng nói rằng trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần phải ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”. Chúng ta cần làm gì để giữ lại được những người tài cho bộ máy?
+ Đó là vấn đề được nhiều người quan tâm, Tổng Bí thư cũng đề cập đến việc này. Chúng ta nói tinh gọn nhưng phải mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Muốn mạnh thì đội ngũ, con người phải có năng lực. Bài học của tinh giản biên chế trước đây không thành công là vì chỉ giảm về số lượng, còn nhiều người có năng lực trình độ lại về và có những lời mời từ nơi khác…
Trả lời câu hỏi cần làm gì để giữ lại được những người tài cho bộ máy thì theo tôi, mấu chốt vẫn là cách làm và trách nhiệm của người đứng đầu. Người phải về thì không xin cũng phải cho về. Cho nên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mà nhất là người đứng đầu phải quyết định. Chẳng hạn, với các cán bộ do Thường vụ tỉnh ủy quản lý thì Thường vụ nắm được và phải quyết định.
Ngược lại, có những người xin về nhưng phải giữ lại vì có lợi cho công việc chung. Các cấp quản lý khác cũng phải làm như vậy theo quy định của Đảng.
Muốn như vậy thì người đứng đầu phải dám chịu trách nhiệm, vì đó là người giao nhiệm vụ, họ phải đánh giá được nhân sự của mình.
Thủ trưởng tài phải biết sử dụng người tài
. Ngoài việc giữ lại được những cán bộ, công chức, đảng viên tài năng, theo ông làm sao để thu hút được người tài từ bên ngoài vào để bảo đảm bộ máy mới hoạt động trơn tru?
+ Việc thu hút người tài đã được bàn luận rất nhiều, rất lâu rồi. Vừa qua, Chính phủ cũng có Nghị định 179/2024 về vấn đề này. Điểm đáng nói là thu hút người tài thì phải trọng dụng họ bằng cơ hội và môi trường làm việc. Người tài được thu hút về có được giao việc, giao đề tài không? Rồi cơ sở vật chất thế nào? Kỷ luật hành chính được áp dụng ra sao? Môi trường làm việc của chúng ta nhiều khi nặng nề về các quy định, họp hành.
Ngoài ra, còn thái độ của người thủ trưởng, thủ trưởng tài thì phải biết sử dụng người tài, phải giao được việc và tạo điều kiện làm việc cho họ.
Như vậy, điều quan trọng nhất, theo tôi vẫn là môi trường làm việc cho người tài và một thủ trưởng – người đứng đầu giỏi – biết sử dụng người tài.
Các cụ nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng người tài thì chưa hẳn đã là “hiền tài” và việc sử dụng họ như thế nào lại tùy thuộc vào tài của người đứng đầu, của thủ trưởng.
Nhiều khi cá tính và những gì người tài thể hiện chưa hẳn đã chuẩn mực là “phản biện”, người thủ trưởng cần có cách thức ứng xử tốt, phù hợp và trọng dụng được người tài.
. Xin cám ơn ông.
Nhiệm vụ cải cách hành chính đã được đặt ra từ rất lâu, từ Đại hội VI năm 1986 và gần đây là Nghị quyết 18/2017 của Trung ương khóa XII. Chúng ta tổng kết và luôn đánh giá công cuộc cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Tinh giản cũng mới đạt được yêu cầu về số lượng chứ chưa đạt được về mặt chất lượng. Cách làm chúng ta còn nể nang, còn nhiều cái khó và ngại đụng chạm.
Chúng ta trước hay đặt ra “lộ trình” nhưng lần này, chúng ta thấy một thái độ rất quyết liệt, gọi đây là cuộc “cách mạng”. Đã gọi là cách mạng thì phải triệt để, không còn “lộ trình” nữa mà chỉ còn “tiến độ”.
Thực ra, đề án này đã có từ trước ĐH XII, chúng ta đã có nghiên cứu. Do đó, việc tinh gọn, sáp nhập lần này không phải là bột phát mà có nghiên cứu, kế thừa.
TS NGUYỄN TIẾN DĨNH

Nguồn: https://plo.vn/nguyen-thu-truong-bo-noi-vu-sap-nhap-tinh-tao-dong-luc-phat-trien-cho-cac-vung-post835295.html